Cần cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Bài học của một số nước khi nới lỏng mua bán, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã dẫn đến những hệ lụy lớn cho xã hội, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên.

Từ kinh nghiệm các nước cho thấy khi đã cho phép thì rất khó khăn khi cấm trở lại, vì vậy Việt Nam cần cấm hoàn toàn. Đó là đề xuất của ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Y tế tại hội thảo về các kiến nghị liên quan đến quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Có 33 quốc gia trên thế giới đã cấm bán hoàn toàn

Theo đó, mới đây Bộ Công thương đề xuất thí điểm cho phép Cty đa quốc gia được nhập thuốc lá nung nóng. Về nội dung này, Bộ Y tế đã có công văn gửi Chính phủ đề xuất không thí điểm với các trường hợp này. Đồng thời Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp mạnh cấm nhập khẩu, sản xuất cũng như sử dụng thuốc lá điện tử nung nóng tại Việt Nam để phòng chống những tác hại, hệ lụy do thuốc lá mới gây ra.

Để làm rõ nội dung của đề xuất này, ThS Trần Thị Trang đã đưa ra những bằng chứng về chính sách quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng của các nước trên thế giới. Theo đó, về chính sách mua bán, sản xuất, nhập khẩu, hiện có 33 quốc gia cấm bán hoàn toàn thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong đó có ít nhất 25 quốc gia, vùng lãnh thổ cấm mọi hình thức mua bán, sản xuất và nhập khẩu; có 23 quốc gia hạn chế bán, các hạn chế tại các địa điểm nơi họ có thể được bán; có 8 quốc gia chỉ cho phép bán thuốc lá điện tử dưới dạng sản phẩm thuốc được cấp phép như Úc, Chile, Hongkong, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Venezuela.

Cùng đó, 47 quốc gia quy định quản lý thuốc lá mới như thuốc lá thông thường bằng các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá với những quy định về sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, phân phối, quảng cáo, dán nhãn, in cảnh báo một cách khắt khe và được quản lý nghiêm ngặt như 28 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, một số bang của Mỹ và 1 số quốc gia khác.

Tại Mỹ, 4 bang đã cấm bán tất cả các sản phẩm thuốc lá điện tử có hương vị để ngăn chặn việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử của giới trẻ như NewYork, New Jersey, Rhode Island, Massachusetts.

Về phân phối, sử dụng thuốc lá mới, đến nay có 17 quốc gia cấm phân phối, 11 quốc gia hạn chế phân phối, 22 quốc gia cấm nhập khẩu, 17 quốc gia hạn chế nhập khẩu; 11 quốc gia cấm sản xuất và 9 quốc gia hạn chế sản xuất thuốc lá điện tử để kiểm soát việc tiếp cận với các sản phẩm này.

Có 20 quốc gia cấm sử dụng ở các điểm công cộng trong nhà; 11 quốc gia hạn chế sử dụng ở các điểm công cộng trong nhà; 23 quốc gia cấm sử dụng trên phương tiện giao thông công cộng và 4 quốc gia hạn chế sử dụng trên phương tiện giao thông công cộng.

Về phân loại hàng hóa, có 8 quốc gia coi là dược phẩm; 31 quốc gia xếp vào thuốc lá; 31 quốc gia xếp vào nhóm thuốc lá điện tử và 4 quốc gia xếp vào nhóm “chất độc” (Úc, Brunei, Czech, Malaysia).

Song song đó là chính sách kiểm soát tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng như cấm quảng cáo, khuyến mại hoặc tài trợ (42 quốc gia), hạn chế quảng cáo, khuyến mại, tài trợ (29 quốc gia).

Tại Singapore, cấm bán các sản phẩm thuốc lá mới nổi áp dụng giai đoạn đầu tiên có hiệu lực từ 15-12-2015; Thái Lan cấm nhập khẩu Hookah (một tên gọi khác của Shiha) và Hookah điện tử hoặc thuốc lá điện tử vào Thái Lan cũng như nguyên liệu sử dụng cho thuốc lá điện tử và dung dịch để đổ vào thuốc lá điện tử từ 18-2-2015; Campuchia ban hành thông tư về các biện pháp ngăn chặn và giới hạn việc sử dụng, buôn bán và nhập khẩu shisha và thuốc lá điện tử từ ngày 25-2-2014…

ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Y tế. (Ảnh: V.H)

ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Y tế. (Ảnh: V.H)

Hệ lụy khi nới lỏng kiểm soát

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thông tin, đã có một số quốc gia khi nới lỏng kiểm soát đối với thuốc lá mới đã dẫn đến hệ lụy là tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng tăng vọt.

Theo kết quả của nghiên cứu hành vi nguy cơ của giới trẻ mới nhất vào năm 2019 do CDC Hoa Kỳ công bố ngày 21-8-2020 cho thấy mức độ nghiêm trọng của đại dịch thuốc lá điện tử trong giới trẻ Mỹ. Việc sử dụng thuốc lá điện tử của thanh thiếu niên đã tăng vọt từ 13,2% lên 32,7% năm 2019.

Đáng báo động là gần 1/3 thanh thiếu niên đã tăng sử dụng thuốc lá điện tử cho biết, họ thường xuyên sử dụng-ít nhất 20 ngày mỗi tháng. Đây là dấu hiệu của việc bị nghiện nặng. Gần 11% học sinh trung học sử dụng thuốc lá điện tử ít nhất 20 ngày/tháng, chỉ ít hơn 2% so với thuốc lá truyền thống.

Tại Việt Nam hiện chưa cho phép kinh doanh, chưa sản xuất trong nước nhưng tỉ lệ hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã tăng nhanh. Năm 2015 có 0,2% người đang sử dụng thuốc lá điện tử (điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành-GAT 2015) nhưng điều tra năm 2020 tỷ lệ hút thuốc lá mới trong thanh thiếu niên ở Việt Nam là 2,6%. Riêng tại Hà Nội và TP HCM tỉ lệ này lên tới 7%.

“Bài học của một số nước khi nới lỏng đã dẫn đến những hệ lụy lớn cho xã hội, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên, kể cả các nước có năng lực kỹ thuật, kinh tế như Nhật Bản, Mỹ, Canada việc kiểm soát trở lại là rất khó khăn”, ThS Trần Thị Trang nhấn mạnh.

Từ những kinh nghiệm trên, bà Trang nhấn mạnh, xu hướng cấm mua bán của các nước đang gia tăng. Để phù hợp xu hướng chung của thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tránh phải giải quyết hậu quả tương tự như một số quốc gia thì Việt Nam nên cấm hoàn toàn mua bán, kinh doanh thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.

“Hiện tại Việt Nam quy mô thị trường đối với các sản phẩm thuốc lá mới còn ít, không đáng kể và chưa sản xuất trong nước. Do đó, việc ngăn chặn sử dụng sản phẩm ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn là cho phép thí điểm dẫn đến nguy cơ phát triển sản phẩm mới song song với thuốc lá điếu thông thường”, bà Trang nói.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-cam-hoan-toan-thuoc-la-dien-tu-thuoc-la-nung-nong-211608.html