Cán cân sức mạnh của hải quân và tàu ngầm các nước tại khu vực Thái Bình Dương
Việc Úc thúc đẩy kế hoạch sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo thỏa thuận AUKUS dẫn tới băn khoăn về sức mạnh tàu ngầm của các nước ở Thái Bình Dương.
Việc Úc thúc đẩy kế hoạch sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo thỏa thuận AUKUS mới được công bố với Mỹ và Anh dẫn tới băn khoăn về sức mạnh tàu ngầm của các nước ở Thái Bình Dương.
Chia sẻ về việc hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm trước đó với Pháp, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết đây "không phải là sự thay đổi tư duy, mà đó là sự thay đổi nhu cầu".
Hãng tin AFP ngày 18-9 đã làm rõ cán cân sức mạnh quân sự của hải quân các nước tại khu vực Thái Bình Dương.
Về sức mạnh tổng thể
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, xét về số lượng tàu - tàu nổi và tàu ngầm, Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới.
Theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, vào cuối năm 2020, quy mô của hải quân Trung Quốc là xấp xỉ 360 tàu chiến, so với mức 297 tàu của Mỹ.
Văn phòng này cũng dự báo số lượng tàu chiến của hải quân Trung Quốc sẽ tăng lên 400 tàu vào năm 2025 và 425 tàu vào năm 2030.
Mở rộng năng lực hải quân
Theo AFP, trong số 11 tàu sân bay của mình, Mỹ hiện triển khai năm tàu tại Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Trung Quốc đã bắt đầu đóng tàu sân bay thứ ba và cũng đang đóng thêm tàu khu trục.
Theo các chuyên gia của tạp chí quân sự Jane's, từ năm 2015 đến năm 2019, Trung Quốc đã đóng thêm 132 tàu chiến - so với số 68 tàu của Mỹ, 48 tàu của Ấn Độ, 29 tàu của Nhật và chín tàu của Úc.
Cũng trong khoảng thời gian trên, Pháp đã đóng 17 tàu chiến mới, trong khi Anh sản xuất bốn chiếc, trong đó có hai tàu sân bay.
Nói một cách khác, trong vòng bốn năm, Trung Quốc đã tung ra hạm đội tương đương với hải quân Pháp, theo Đô đốc Pierre Vandier - Tham mưu trưởng Hải quân Pháp.
Ông Vandier cho biết "nỗ lực lịch sử của hải quân Trung Quốc" chiếm 55% ngân sách quốc phòng của nước này.
Tàu ngầm
Theo đánh giá hàng năm về năng lực quân sự của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Trung Quốc sở hữu sáu tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) được trang bị tên lửa hạt nhân, cũng như khoảng 40 tàu ngầm tấn công, trong đó có sáu tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Trong khi đó, Mỹ sở hữu 21 tàu ngầm tấn công và tám SSBN ở Thái Bình Dương, chủ yếu hoạt động ngoài Trân Châu Cảng, theo Hải quân Mỹ.
Úc có sáu tàu ngầm diesel-điện lớp Collins do Thụy Điển đã được đưa vào sử dụng từ giữa những năm 1990.
Hồi năm 2016, Pháp đã giành được hợp đồng trị giá 40 tỉ USD để đóng 12 tàu ngầm cho Hải quân Úc. Tuy nhiên, Canberra mới đây đã hủy bỏ hợp đồng trên để chuyển sang xây dựng một hạm đội chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự giúp đỡ của Mỹ.
Tương tự Úc, các bên liên quan khác trong khu vực cũng tăng cường năng lực hải quân của mình, đáng chú ý nhất là việc mua tàu ngầm.
Indonesia đã đặt hàng sáu tàu ngầm từ Hàn Quốc và Philippines cũng đang tính đến việc xây dựng một hạm đội tàu ngầm.
Trong khi đó, Nhật có 23 tàu ngầm, Hàn Quốc có 18 chiếc, Singapore có hai chiếc và Nga có hàng chục chiếc.
Theo AFP, một dấu hiệu cho thấy căng thẳng trong khu vực gia tăng là việc Pháp hồi đầu năm đã triển khai một trong những tàu ngầm tấn công hạt nhân của nước này, chiếc Emeraude, đến Thái Bình Dương - lần đầu tiên kể từ năm 2001.