Cận cảnh 2 bảo vật Quốc gia quý hiếm của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Hai bảo vật Quốc gia là trống đồng Cảnh Thịnh và ấn ngọc 'Đại Nam Thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ' đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia từ ngày 20-6. Hai bảo vật nói trên được giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong khuôn khổ trưng bày chuyên đề 'Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử'.
Trống đồng Cảnh Thịnh đúc năm Cảnh Thịnh thứ 8, thời Tây Sơn (năm 1800). Bảo vật Quốc gia này có hình trụ khối, mặt và tang trống liền nhau, ở giữa có hai vòng tròn, xung quanh là mặt phẳng. Thân trống nổi bật với những môtip trang trí đúc nổi phong phú và phức tạp. Ngoài hàng nhũ đinh và lá đề còn có hình hoa cúc, sư tử hóa long, lá hóa ly và minh văn chữ Hán trên thân trống ghi lại lai lịch của việc đúc trống.
Ấn ngọc “Đại Nam Thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ”, niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 7 (1847), là ngọc tỷ quan trọng bậc nhất trong bộ sưu tập Bảo vật của triều Nguyễn hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ấn không chỉ dùng trong đại lễ Tế Giao hàng năm ở Đàn Nam Giao (Kinh đô Huế) mà còn dùng đóng trên những bản sắc mệnh ban cho các chư hầu, những việc ban bố cho thiên hạ, được coi là bảo tỷ truyền quốc.
Trưng bày chuyên đề “Quốc hiệu và kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử” giới thiệu tới người xem trên 100 hiện vật đặc sắc, đa dạng về kiểu dáng, kích thước, chất liệu, chứa đựng những giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao, niên đại từ thời văn hóa Đông Sơn đến ngày nay được giới thiệu đến công chúng dịp này. Đây là những tư liệu lịch sử, bằng chứng vật chất thể hiện khát vọng và ý chí độc lập, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của các bậc tiền nhân nước Việt.
Ngoài các hiện vật, dấu tích kiến trúc là kết quả nghiên cứu khai quật, nghiên cứu khảo cổ học về các kinh đô cổ của Việt nam thì 2 bảo vật quốc gia nói trên và các tư liệu mộc bản triều Nguyễn là những điểm nhấn đáng chú ý trong đợt trưng bày.
Trưng bày bao gồm 3 phần chính: Quốc hiệu Văn Lang, Âu Lạc và thời kỳ dựng nước đầu tiên; Thời kỳ quân chủ phong kiến độc lập; Sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay. Triển lãm kéo dài đến hết tháng 10/2019.