Cận cảnh các tầng địa ngục trong 'Thần khúc'
Hình ảnh 9 vòng tròn địa ngục trong 'Thần khúc' của Dante là một biểu tượng văn học vĩ đại và chúng đã được làm rõ hơn thông qua các bức tranh minh họa của Sandro Botticelli.
Dante Alighieri (1265-1313) là một nhà văn, nhà chính trị của Italy. Ông bị lưu đày vào năm 1301 khi Black Guelphs nắm quyền kiểm soát thành phố Florence. Trong khi sống lưu vong, Dante đã viết Thần khúc, trường ca gồm 100 khổ với các chủ đề tôn giáo, chính trị và triết học. Cốt truyện của Thần khúc xoay quanh hành trình của nhân vật chính đi vào trong ba cõi Địa ngục, Luyện Ngục với người dẫn đường Virgil và Thiên đường với Beatrice.
Trong loạt tranh của Sandro Botticelli (một họa sĩ tiêu biểu thời kỳ Phục Hưng), các tầng địa ngục trong Thần khúc được miêu tả sáng tạo thông qua ngôn ngữ hình ảnh.
Virgil đã dẫn nhân vật chính đi qua đủ 9 tầng xoắn lại như các vòng tròn với trung tâm là Trái Đất, nơi quỷ Satan phải chịu xiềng xích. Mỗi tầng địa ngục lại đại diện cho một tội lỗi khác nhau. Sau này, hình ảnh địa ngục trong Thần khúc đã khơi gợi cảm hứng cho nhiều tác phẩm, tiêu biểu là Dan Brown với Mật mã Da Vinci, Hỏa ngục.
Tầng thứ nhất: Limbo (U minh)
Đây là vòng tròn dành cho những kẻ ngoại đạo. Vì không tin vào Chúa trời, họ sẽ mãi mãi phải sống dưới địa ngục. Hình phạt của họ là không được lên Thiên đường. Tại đây, Dante (Người được cho là nhân vật chính trong Thần khúc) đã gặp được Ovid, Homer, Socrates, Aristotle và Julius Caesar.
Tầng thứ hai: Lust (Nhục dục)
Khi bước ra khỏi tầng thứ nhất, Virgil và Dante gặp vua Minos, người quyết định xem các linh hồn đã mắc phải tội lỗi gì đưa họ xuống các tầng với hình phạt tương ứng. Ở tầng này, các linh hồn đã để dục vọng che mờ con mắt trên trần thế, khi chết đi, linh hồn của họ sẽ phải chịu đựng những cơn cuồng phong liên tục thổi bay. Đây là hình ảnh ẩn dụ cho các dục vọng cuốn đi lý trí và sự minh triết của họ. Tại đây, Dante đã gặp được công chúa Helen, dũng sĩ Achilles, nữ hoàng Cleopatra hay hiệp sĩ Lancelot...
Tầng thứ ba: Gluttony (Phàm ăn)
Tại tầng này, những linh hồn mắc tội phàm ăn tục uống sẽ phải chịu đựng hình phạt nằm lên đống bùn lầy bẩn thỉu, đen đúa và lạnh buốt. Con chó ba đầu Cerberus sẽ giám sát sự dày vò này. Bùn đất lạnh lẽo là sự ẩn dụ cho những gì các linh hồn phàm ăn đã tạo ra ở trên trần thế.
Tầng thứ tư: Greed (Tham lam)
Có hai loại người bị quy vào tội tham lam theo quan niệm của Dante. Loại thứ nhất tiêu xài phung phí, loại thứ hai giữ lại quá nhiều cho bản thân và không biết chia sẻ. Những linh hồn này phải nhận hình phạt đẩy những tảng đá nặng đối đầu với nhau. Người gác tầng bốn là con quỷ Plutus.
Tầng thứ năm: Wraith (Thịnh nộ)
Dante và Virgil đi qua con sông lửa Styx nơi các linh hồn (Furies) đang đánh chém lẫn nhau. Những kẻ kiệt sức sẽ nằm lại một chỗ và không bao giờ tỉnh dậy. Sau đó họ vượt qua một bức tường để vào thành Dis. Đây là nơi các Furies phải chịu hình phạt nặng nề hơn bởi họ phạm tội một cách có chủ đích. Những người trong thành Dis không cho Dante đi qua cho đến khi có một thiên thần xuống nhắc nhở tất cả và giúp đỡ Dante có thể bước tiếp qua các cửa ải.
Tầng thứ sáu: Heresy (Dị giáo)
Đây là tầng dành cho những kẻ tin và lan truyền những tôn giáo khác. Họ sẽ bị chôn dưới một ngôi mộ rực lửa.
Tầng bảy: Violence (Bạo lực)
Tầng thứ bảy là nơi giam giữ những kẻ bạo lực. Lối vào của nó được canh giữ bởi quái vật đầu bò Minotaur. Nơi đây được chia thành ba vòng tròn. Vòng ngoài cho những kẻ bạo lực chống lại người khác, họ phải chịu hình phạt bị Minotaur bắn tên vào người. Trong vòng thứ hai, những kẻ bạo lực với chính mình sẽ bị Harpies (chó sói) ăn thịt. Còn vòng thứ ba là nơi dành cho những kẻ bạo lực chống lại Thiên chúa và thế giới tự nhiên. Dante đã gặp lại người cố vấn cũ của mình ở vòng tròn này.
Tầng tám: Fraud (Gian trá)
Tầng địa ngục này được chia làm 10 rãnh đá gọi là Bolgia. Bolgia 1 là nơi giam giữ những tay ma cô, dắt mối mại dâm. Bolgia 2 là nơi giam giữ những kẻ phỉnh nịnh. Bolgia 3 là nơi giam giữ của những kẻ cả gan buôn thần bán thánh. Họ phải nhận hình phạt bị đặt chổng ngược đầu vào những lỗ trong đá, với lửa thiêu cháy bàn chân của họ. Bolgia 4 là nơi pháp sư, phù thủy, những nhà chiêm tinh và thầy bói đều bị chịu hình phạt. Bolgia 5 là nơi giam giữ những nhà chính trị gia vô liêm. Họ bị các con quỷ nhấn chìm vào những chiếc hồ lửa sôi sục.
Bolgia 6 giam giữ những kẻ mang đạo đức giả. Hình phạt của họ là phải lang thang phiêu bạt trong khi phải mang những chiếc áo choàng bằng chì. Bolgia 7 là nơi trừng phạt tội trộm cắp phải chịu hình phạt bị săn đuổi và cắn bởi các con rắn và thằn lằn. Bolgia 8 là nơi giam giữ những gã cố vấn giả dối.
Rãnh đá thứ 9, một con quỷ cầm gươm vung gươm chém mạnh vào những người gieo rắc bất đồng. Bolgia 10 giam giữ những người giả dối còn lại không thuộc vào 9 rãnh trên. Họ bao gồm nhiều loại như người thất hứa, mạo danh hay buôn tiền giả,....
Tầng chín: Traitors (Phản bội)
Đây là vòng sâu nhất trong địa ngục, nơi Satan trú ngụ. Cũng như hai vòng cuối cùng, vòng này được chia tiếp thành bốn vòng. Đầu tiên là Caina, được đặt theo tên của Cain trong Kinh thánh, kẻ đã sát hại anh trai mình. Đây là nơi dành cho những kẻ phản bội gia đình.
Thứ hai là vòng tròn Antenora được đặt theo tên Antenor của thành Troy, kẻ đã phản bội người Hy Lạp. Nơi đây giam giữ những kẻ phản bội đất nước. Vòng thứ ba là Ptolomaea đặt theo tên Ptolemy, con trai của Abubus, người được biết đến với việc mời Simon Maccabaeus và các con trai của ông ta ăn tối rồi giết họ. Vòng này dành cho những người chủ phản bội khách của họ. Vòng thứ tư là Judecca, đặt tên theo Judas Iscariot, người đã phản bội Chúa Kitô. Vòng này dành cho những kẻ phản bội ân nhân/chủ nhân của họ. Như trong vòng trước, các phân khu đều có những con quỷ và hình phạt riêng.
Các hình tượng vòng tròn địa ngục ứng với mỗi tội ác được Dante tạo ra trong Thần khúc là biểu tượng của văn học. Mặc dù hơn 700 năm đã trôi qua, những hình ảnh này vẫn in dấu trong nhiều tác phẩm đương đại. Nó là bản hùng ca nói về con người, đạo đức và những tầm nhìn vượt thời đại. Bên cạnh đó, nhờ minh họa của Sandro Botticelli, các tác giả sau này có thêm nhiều chất liệu hơn khi quyết định lấy Thần khúc làm nguyên liệu sáng tác.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/y-nghia-cac-tang-dia-nguc-trong-than-khuc-dante-post1388410.html