Với lịch sử hình thành hơn 200 năm, điện Thái Hòa là ngôi điện quan trọng nhất trong khu vực Hoàng thành Huế xưa. (Ảnh: ND)
Cung điện này cũng là nơi đăng quang của 13 vua triều Nguyễn, từ Gia Long tới Bảo Đại. (Ảnh: ND)
Sau hơn 200 năm tồn tại, điện Thái Hòa xuống cấp nghiêm trọng. Trước tình hình đó, năm 2020, Chính phủ phê duyệt kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để trùng tu, sửa chữa khẩn cấp di tích này. Tuy nhiên, đến cuối tháng 11/2021 việc trùng tu điện Thái Hòa mới được khởi công với kinh phí khoảng 128 tỷ đồng. (Ảnh: ND)
Dự án có tổng diện tích 7.100 m2, trong đó khuôn viên điện Thái Hòa có tổng diện tích 4.851,3 m2, điện Thái Hòa 1.440 m2, sân Đại Triều Nghi 1.640 m2. (Ảnh: ND)
Sau gần 3 năm trùng tu đến nay, những hạng mục chính của điện Thái Hòa dần lộ diện. (Ảnh: ND)
Phần mái sau khi trùng tu với ngói lưu ly; họa tiết hình rồng, hoa lá... được làm sắc nét.
Mặc dù chưa hoàn thành nhưng điện Thái Hòa sau trùng tu được du khách đánh giá cao khi giữ được những đường nét cổ kính mang đậm kiến trúc cung đình và thể hiện được sự uy quyền của Hoàng gia nhà Nguyễn. (Ảnh: ND)
Hệ thống tường rào trong khuôn viên sân Đại Triều Nghi trước điện Thái Hòa khi trùng tu cũng được những nghệ nhân khéo léo để giữ lại kiến trúc vốn có, thể hiện sự tôn trọng những giá trị văn hóa - nghệ thuật mà tiền nhân để lại. (Ảnh: ND)
Hệ thống cột, thềm đá cổ được bảo tồn nguyên vẹn sau khi điện Thái Hòa được trùng tu.
Hiện nay những người thợ, nghệ nhân vẫn đang miệt mài làm việc để có thể sớm hoàn thành việc trùng tu điện Thái Hòa. Dự kiến đến năm 2025 việc trùng tu ngôi điện sẽ hoàn thành.
Trước đó, dịp Tết Nguyên đán 2024, dù chưa hoàn thành trùng tu nhưng thể theo nguyện vọng của người dân, trung tâm cũng sẽ mở cửa ngôi điện để đón khách vào dịp Tết tới.
Điện Thái Hòa được vua Gia Long khởi công xây dựng vào ngày 21/2/1805 và hoàn thành vào tháng 10 cùng năm. Quá trình xây dựng và trùng tu điện Thái Hòa được chia làm 3 thời kỳ chính; mỗi thời kỳ đều có những thay đổi lớn, cải tiến về kiến trúc và trang trí. Qua những đợt trùng tu dưới các triều đại vua nhà Nguyễn, điện Thái Hòa đã ít nhiều có thay đổi, vẻ cổ kính ngày xưa giảm đi một phần. Tuy nhiên, cốt cách cơ bản của nó thì vẫn còn được bảo lưu, nhất là phần kết cấu kiến trúc và trang trí mỹ thuật.
Điện Thái Hòa là biểu trưng quyền lực của Hoàng triều Nguyễn. Điện, cùng với sân chầu, là địa điểm được dùng cho các buổi triều nghi quan trọng của triều đình. Vào những dịp này, nhà vua ngồi uy nghiêm trên ngai vàng. Chỉ các quan Tứ trụ và những hoàng thân quốc thích của nhà vua mới được phép vào điện diện kiến.
Trong điện Thái Hòa có bảo vật quốc gia là ngai vàng của vua Triều Nguyễn. Khi ngôi điện được trùng tu thì ngai vàng được di dời đến cất giữ và bảo quản tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.