Cận cảnh kiểm tra 'sức khỏe' cầu đường bộ ở địa bàn miền Trung - Tây Nguyên
Thực hiện kế hoạch kiểm tra công trình cầu và công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn công trình, ATGT, những ngày qua Khu QLĐB III (Cục Đường bộ Việt Nam) đã cử các đoàn đi kiểm tra 'sức khỏe' các cầu đường bộ trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên.
Ngay trước thời điểm mưa lũ ở địa bàn miền Trung - Tây Nguyên, Khu QLĐB III (Cục Đường bộ Việt Nam) tổ chức các đoàn kiểm tra cầu và công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai, đảm bảo ATGT; đồng thời đôn đốc, yêu cầu các đơn vị quản lý, đơn vị chuyên môn, nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên, doanh nghiệp dự án tăng cường công tác kiểm tra, bảo dưỡng cầu trên các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh, Trường Sơn Đông thuộc phạm vi quản lý của Khu QLĐB III.
Ngày 1/10, theo chân Đoàn Kiểm tra số 2, kiểm tra các công trình cầu trên tuyến QL1, đường Trường Sơn Đông ở địa bàn tỉnh Quảng Nam, PV Tạp chí Giao thông vận tải ghi nhận, nhiều công trình cầu nằm trên các sông lớn, trong lòng hồ thủy điện, khu vực có địa hình đồi núi dốc lớn, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ, sạt lở, vì vậy công tác bảo dưỡng thường xuyên được các nhà thầu bảo trì thực hiện thường xuyên, liên tục theo đúng yêu cầu, mới đảm bảo duy trì khả năng khai thác các công trình cầu. Đáng chú ý, trên tuyến có một số công trình cầu xây dựng trên 20 năm, hay ở các vị trí xung yếu, chịu áp lực lưu lượng phương tiện lớn như cầu Tân An, Câu Lâu, Vĩnh Điện (trên tuyến QL1).
Hiện nay, địa bàn Khu QLĐB III quản lý 945 cầu, trong đó Khu QLĐB III trực tiếp quản lý 576 cầu, bàn giao 22 cầu cho các ban QLDA để đầu tư dự án nâng cấp mở rộng và các nhà đầu tư BOT, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc quản lý bảo trì 347 cầu.
Trực tiếp đến từng công trình cầu kiểm tra, ông Lê Phan Duy - Phó Giám đốc Khu QLĐB III, Trưởng Đoàn Kiểm tra cầu số 2 tập trung kiểm tra kết cấu chính (dầm, trụ, mố), kiểm tra gối cầu (phình, xẹp xô lệch, dịch chuyển…), kiểm tra bê tông đầu các dầm (nứt, nước thâm nhập gây ố, bong…). Đối với những dấu hiệu hư hỏng, mất ATGT, an toàn công trình đều được Đoàn Kiểm tra ghi nhận, tổng hợp để đề xuất phương án khắc phục, sửa chữa, theo dõi.
Những ngày qua, trực tiếp đến hiện trường kiểm tra các công trình cầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, ông Nguyễn Phương Nam - Phó Giám đốc Khu QLĐB III làm Trưởng đoàn kiểm tra cầu số 1 cho hay, từ thực tế kiểm tra cho thấy các công trình cầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định đảm bảo khai thác an toàn. Tuy nhiên, đối với các cầu đã được cắm biển hạn chế tải trọng khai thác, người điều khiển phương tiện phải nghiêm chỉnh chấp hành về tải trọng xe qua cầu để đảm bảo an toàn.
Qua kiểm tra cũng cho thấy, hiện nay, trên địa bàn 2 tỉnh này có một số công trình cầu xây dựng, khai thác lâu năm; cầu có lòng sông lớn; cầu nằm trên đoạn sông có khai thác cát sỏi, vật liệu xây dựng; cầu có mố, trụ xuất hiện xói lở nhỏ, nên Đoàn Kiểm tra lưu ý các đơn vị quản lý, bảo trì tăng cường theo dõi, kịp thời phát hiện các dấu hiệu hư hỏng, dấu hiệu mất an toàn để có phương án khắc phục, xử lý nhằm đảm bảo an toàn công trình, ATGT.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Khu QLĐB III, từ kinh nghiệm, thực tế quản lý đường bộ cho thấy, khu vực địa bàn miền Trung - Tây Nguyên thường xuyên gánh chịu hậu quả nghiêm trọng từ thiên tai, mưa lũ, sạt lở, trong đó thiệt hại về hạ tầng giao thông thường hết sức nặng nề.
Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cầu nói riêng, công trình hạ tầng đường bộ nói chung, phòng ngừa xảy ra các sự cố ảnh hưởng đến an toàn công trình và đánh giá kịp thời diễn biến hư hỏng của công trình cầu, đặc biệt là tình trạng xói lở, hư hỏng kết cấu móng mố, trụ cầu... Thời gian qua, Khu QLĐB III thường xuyên, liên tục yêu cầu các Văn phòng QLĐB, nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên, doanh nghiệp dự án tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, trước, sau mùa mưa lũ 100% cầu trên các tuyến thuộc phạm vi trực tiếp quản lý.
Đặc biệt là những cầu vượt sông có tình trạng khai thác cát lòng sông, tình trạng thay đổi dòng chảy, khu vực thường xảy ra sạt lở, xói lở, dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực của móng cọc, mố, trụ công trình cầu.
Ông Bình cho hay, ngay từ tháng 4/2024, Khu QLĐB III đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3 cử cán bộ kỹ thuật có chuyên môn, kinh nghiệm về cầu để kiểm tra chuyên sâu tình trạng "sức khỏe" của cầu, đối với các cầu có chiều cao lớn, vượt sông sâu thì sử dụng xe kiểm tra chuyên dụng. Sau đợt kiểm tra, đã phát hiện các cầu nhịp lớn xuất hiện tình trạng gối cao su bị lão hóa, biến dạng, ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình và điều kiện khai thác (cầu Bàn Thạch, Đà Rằng trên QL1 ở Phú Yên); một số cầu nằm trong vùng xâm thực nước mặn gây hư hỏng kết cấu thân trụ cầu (như cầu Bình Phú trên QL1 tỉnh Phú Yên và cầu Bà Bường, Giữa trên QL1 tỉnh Khánh Hòa). Nhờ kiểm tra chi tiết và phát hiện kịp thời các hư hỏng phát sinh, Khu QLĐB III đã báo cáo và được Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam cho phép đưa vào danh mục sửa chữa năm 2025.
Ông Bình cho biết thêm, trước mùa mưa lũ năm nay, Khu QLĐB III tiếp tục tổ chức kiểm tra các cầu trên các tuyến quốc lộ trên địa bàn quản lý. Khi kiểm tra sẽ rà soát để phân loại các cầu để đảm bảo kiểm tra sát, không bỏ sót các hư hỏng phát sinh. Đặc biệt là các cầu khu vực miền núi có móng trụ, mố cầu là móng nông qua sông, suối chảy siết có nguy cơ xói lở nền móng. Công trình cầu khu vực miền núi có đá tảng lăn khi mưa lũ nguy cơ tác động làm ảnh hưởng đến trụ cầu.
Cầu ở khu vực chịu ảnh hưởng xâm thực của nước mặn, mực nước thay đổi trong ngày có nguy cơ gỉ, gây hư hỏng kết cấu bê tông mố trụ. Các cầu móng cọc ma sát khu vực lòng sông có thay đổi địa hình (do thay đổi chế độ dòng chảy, tình trạng khai thác cát…) dẫn đến giảm chiều sâu cọc ngàm vào đất nền… Sau khi kiểm tra, sẽ tổng hợp các hư hỏng và đề xuất các giải pháp khắc phục; các hạng mục cần bổ sung để đảm bảo an toàn cầu (trụ chống va xô do cây trôi, đá tảng lăn); gia cố bảo vệ mố ngăn nguy cơ xói lở; bổ sung thang kiểm tra cầu. Sau khi rà soát, sẽ kiến nghị các cầu cần phải xây dựng quy trình bảo trì, xây dựng hệ thống quan trắc theo quy định.