Ngày 11/7 (nhằm ngày 24/5 âm lịch), tại Đàn Âm hồn, 73 Ông Ích Khiêm, thành phố Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức Lễ tế Âm hồn tưởng niệm những nghĩa sĩ và đồng bào đã tử vong trong sự kiện thất thủ kinh đô Huế năm 1885.
Lễ tế Đàn Âm hồn là hoạt động ý nghĩa nhằm tưởng nhớ đồng bào và các chiến sĩ đã vong mạng trong sự kiện thất thủ kinh đô ngày 23/5 năm Ất Dậu (tức 5/7/1885).
Theo đó, lễ tế được tổ chức với lễ vật gồm trâu, dê, lợn, cháo hoa, ngô… cùng đầy đủ các bài vị của Thổ công (thần đất), bài vị của nam phụ lão ấu, binh sĩ…
Đàn Âm hồn được xây dựng dưới triều vua Thành Thái. Việc tế Đàn Âm hồn hàng năm được triều đình nhà Nguyễn xem là quốc lễ.
Không gian đàn tế Âm hồn được bố trí trang trọng, người tham gia lễ tế phải mặc áo dài trang nghiêm.
Theo sách Đại Nam thực lục, ngày 23/5/1885, kinh thành Huế thất thủ trước sự tấn công của quân Pháp, hàng nghìn quan quân và dân chúng chết trong cảnh binh đao hỗn loạn. Sau này vua Thành Thái cho xây đàn Âm hồn và hàng năm vào ngày 23/5 âm lịch, triều đình cử hành lễ tế.
Một cuộc chạy loạn hết sức đau thương và bi thảm xảy ra. Hầu như không có gia đình nào lại không có người bỏ mạng trong biến cố này. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là số dân chúng ở trong thành. Ngày 23/5 âm lịch (tức ngày 5/7/1885) từ đó trở về sau đã biến thành ngày giỗ lớn, ngày "quẩy cơm chung" hằng năm của cả TP. Huế.
Trong lễ tế, người sướng lễ đọc chúc văn hồi tưởng về sự kiện ngày kinh đô Huế thất thủ năm 1885 và sự ra đời của đàn Âm hồn.
Theo tục lệ của người xưa, một đống lửa lớn được đốt trong khuôn viên đàn tế trước. Người Huế quan niệm, xưa kia nhiều người dân chạy giặc rớt xuống ao, hồ chết nước nên cần lửa để sưởi ấm.
Sau lễ tế đàn, người dân ở kinh thành Huế và vùng phụ cận sẽ làm mâm cỗ cúng tưởng nhớ những người đã khuất. Lễ cúng sẽ diễn ra cho đến hết tháng 5 âm lịch.
CTV Hoàng Hải-Đình Hoàng/VOV.VN