Cận cảnh lội bùn, ngâm mình trong nước cắm cọc GPMB cao tốc
Từng cọc mốc nặng hơn 30kg được công nhân vác băng vườn, lội nước hàng trăm mét để tìm vị trí cắm cọc GPMB cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng.
ĐBSCL vẫn còn mùa mưa lũ, nước trắng xóa các cánh đồng, những công nhân vẫn hì hụi lội nước sâu đến ngực, đặt từng cọc mốc GPMB cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Ngâm nước, băng đồng
Sáng 25/10, PV Báo Giao thông theo chân Tổ cắm cọc GPMB dự án thành phần 3 thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Có theo các anh, mới cảm nhận hết được sự khó khăn, vất vả. Họ phải khuân từng cọc mốc nặng hơn 30kg, các móng dùng để đóng dưới lòng đất, băng đồng, lội nước, vượt qua các kênh rạch để đặt những nền móng đầu tiên cho dự án cao tốc đang được hàng triệu người dân mong đợi.
Dự án thành phần 3 thuộc Dự án Xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn tỉnh Hậu Giang có chiều dài gần 37km. Bắt đầu từ Km 94+400 (ấp Trường Lợi, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đến Km 131+300 (thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Ngoài ra, trên tuyến còn có 3 nút giao. Tổng mức đầu tư hơn 9.920 tỷ đồng.
Khu vực cắm cọc ranh GPMB ở huyện Phụng Hiệp nằm xa các trục lộ lớn, khuất sâu trong các cánh đồng của vùng quê Phụng Hiệp. Để cắm các cọc ranh, Tổ công tác phải vận chuyển bằng ghe, lội bùn, ngâm mình trong nước để tìm vị trí.
Thúc tiến độ, từ 6h sáng, các công nhân đã hì hụi khuân vác cọc từ các bãi đúc cọc xuống ghe, rồi bắt đầu di chuyển vào các vị trí, tọa độ được xác định từ trước. Sau đó, từ các ghe, các anh vận chuyển lên bờ rồi đưa xuống xuồng nhỏ hơn để vào sâu trong các cánh đồng nước ngập nửa người.
Đối với những khu vực vườn tược, các công nhân phải đi bộ, vác các cọc bê tông trên đoạn đường dài hàng trăm mét để đến vị trí cắm. Lối đi vào được bao bọc bởi cỏ cây um tùm, sình lầy trơn trượt nên việc di chuyển của các công nhân hết sức khó khăn.
“Tôi theo nghề này đã được 2 - 3 năm rồi. Dù vất vả nhưng mọi người cũng vui vì vừa có thu nhập, vừa có lộ làng cho bà con mình đi lại”, anh Nguyễn Văn Tí (ngụ tỉnh An Giang) vui vẻ cho biết.
Đoàn di chuyển đến 1 khu rừng tràm nằm giữa đồng. Mang theo thiết bị, kỹ sư Lê Xuân Long (ngụ tỉnh Nghệ An), nhanh nhẹn nhảy xuống nước, cùng 3 người khác len lỏi giữa các thân cây, tìm tọa độ cắm cọc. Nước xâm xấp gối, không nhìn rõ đường đi, trên vai vác nặng nhưng khi các anh đi đến đâu là nơi ấy rộn rã tiếng cười đùa.
Vừa nhanh tay chỉnh tọa độ, anh Long kể, không chỉ gặp khó khăn về điều kiện địa hình, mỗi ngày anh và các công nhân phải trầm mình trong nước từ sáng sớm cho đến khi không rõ mặt người. Ngoài ra, việc bị ong đốt, vắt đeo hút máu là chuyện thường xuyên.
Cách đây không lâu, trong lúc làm việc, anh Long bị ong vò vẽ đốt hơn 20 mũi, phải nhập viện cấp cứu. Vừa khỏe lại, anh nhanh chóng trở lại cùng các đồng nghiệp với quyết tâm sớm hoàn thành công tác.
Khi được hỏi, với công việc vất vả như thế này, có bao giờ anh có suy nghĩ chuyển hướng tìm việc khác? Anh Long trả lời không chút nghĩ ngợi: “Không đâu, tôi đã theo công việc này hơn 5 năm rồi. Tôi làm với tất cả niềm đam mê của mình. Được góp mặt ở các dự án giao thông như thế này thì đó là niềm vui của tôi”.
Đảm bảo tiến độ
Ông Nguyễn Công Sinh, cán bộ phụ trách công tác cắm cọc GPMB (Công ty Tư vấn xây dựng Công trình 8) cho biết, dự án thành phần 3 bắt đầu cắm cọc GPMB từ ngày 1/11. Đến nay cơ bản đã hoàn thành được khoảng 90% tiến độ, dự kiến đến ngày 28/11 sẽ bàn giao toàn bộ cho địa phương để triển khai công tác kiểm đếm, bồi thường.
“Để phục vụ công tác cắm cọc GPMB, đơn vị tư vấn đã huy động 2 cán bộ kỹ thuật, 15 công nhân chia làm 2 tổ trực tiếp cắm cọc, ngoài ra còn có các máy móc thiết bị chuyên dùng.
Khó khăn của công tác cắm cọc GPMB đó là do miền Tây vào mùa mưa, nước nổi nên đa phần đồng ruộng bị ngập nước, công tác cắm cọc gặp nhiều khó khăn, cạnh đó, địa hình kênh rạch nhiều.
Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ chung của dự án, đơn vị tư vấn cũng huy động nguồn lực tập trung triển khai công việc cắm cọc GPMB theo như tiến độ chủ đầu tư đã đề ra”, ông Sinh chia sẻ.
Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang cho biết, dự án thành phần 3 thuộc Dự án Xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hiện đang được triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư theo đúng tiến độ, các mốc thời gian trong Nghị quyết số 91/NQ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, tư vấn đã hoàn thành công tác khảo sát, và hồ sơ thiết kế một số yếu tố cơ bản toàn dự án. Chủ đầu tư đã lập Tờ trình thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án để trình Bộ GTVT xem xét thẩm định.
Đồng thời, Sở cũng trình Bộ TN&MT thẩm định hồ sơ đánh giá tác động môi trường của dự án. Bộ đã khảo sát, thẩm định và ngày 25/11/2022, chủ đầu tư sẽ cùng với tư vấn bảo vệ trước Hội đồng thẩm định.
Về phía địa phương, chủ đầu tư đã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, cùng với UBND các huyện có dự án đi qua triển khai các thủ tục chuẩn bị kiểm đếm, đo đạc để triển khai các thủ tục GPMB của dự án.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài hơn 188km, đi qua địa phận tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Dự án được chia thành 4 dự án thành phần vận hành độc lập. Tổng mức đầu tư hơn 44.690 tỷ đồng.