Giáo Phù Sai hay giáo của Ngô vương Phù Sai là tên gọi của một cổ vật được xếp vào hàng bảo vật quốc gia của Trung Quốc. Hiện vật được tìm thấy trong cuộc khai quật khảo cổ tháng 11/1983 tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Các nhà khảo cổ học xác định đây là một ngọn giáo có niên đại vào thời cuối Xuân Thu (cuối thế kỷ 5 TCN), thuộc quyền sở hữu của Ngô vương Phù Sai, vua nước Ngô thời đó.
Giáo Phù Sai chỉ có phần ngọn giáo dài 29,5 cm, chỗ rộng nhất là 5,5 cm, có chuôi để tra vào cán. Trên sống giáo ở mỗi mặt có một rãnh dài. Hai bên mặt của ngọn giáo có khắc hình quả trám.
Trên một mặt của ngọn giáo ở phần gần với chuôi có khắc tám chữ theo lối "điểu trùng văn", phiên âm Hán Việt: "Ngô vương Phù Sai tự tác dụng mâu", nghĩa là "ngọn giáo này của Ngô Vương Phù Sai tự làm để dùng".
Giới học giả Trung Quốc nhận định, giáo Phù Sai là một hiện vật lịch sử có giá trị đặc biệt khi còn giữ được vẻ đẹp nguyên bản, tuổi đời trên 2.000 năm và gắn với sự nghiệp của một nhân vật lịch sử quan trọng.
Trong lịch sử Trung Hoa, Phù Sai là vị vua thứ 25 của nước Ngô, trị vì trong khoảng thời gian 495 TCN đến năm 473 TCN. Thời đại của ông đánh dấu đỉnh cao sức mạnh của nước Ngô cũng như sự diệt vong của quốc gia này.
Trong dân gian, Phù Sai nổi tiếng qua những truyền thuyết về Tây Thi, một trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa cổ. Theo đó, ông đã say đắm và yêu chiều Tây Thi, nghe theo nàng mà thả Câu Tiễn về nước Việt. Sau này Câu Tiễn đã phục thù, tiêu diệt được nước Ngô.
Mời quý độc giả xem video: Cách làm du lịch phố cổ tại Trung Quốc. Nguồn: VTV24.
T.B (tổng hợp)