Tỉnh Yên Bái hiện có trên 81.000 ha quế, trong đó có hơn 38.000 ha quế hữu cơ, tập trung chủ yếu ở hai huyện Văn Yên và Trấn Yên.
Thời gian qua, rải rác các diện tích quế của bà con bị sâu gây hại, nhất là lá, cành quế non. Tổng số diện tích bị sâu gây hại đến nay khoảng trên 200 ha, chủ yếu ở huyện Trấn Yên.
Để tăng cường hiệu quả việc phòng trừ sâu gây hại, giảm nhân công và tiết kiệm thuốc bảo vệ thực vật, nông dân Trấn Yên đã sử dụng thiết bị bay không người lái Fly AGR drone để phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.
Thiết bị bay này có trọng lượng khoảng hơn 10kg và mang được tối đa 31,5 kg thuốc. Người điều khiển loại thiết bị này được đơn vị cung ứng đào tạo bài bản và được phía Quân đội cấp phép cho hoạt động. Trước khi bay phun thuốc, phải thông báo cho đơn vị chức năng.
1 ha quế nếu phun thủ công thường mất 4 lao động làm trong một ngày. Tuy nhiên, với thiết bị bay phun thuốc thì chỉ mất thời gian 20 – 30 phút để hoàn thành; lại hạn chế được độc hại cho người dân.
Cận cảnh sâu ăn lá quế.
Sau khi đã đổ đầy thuốc, Flycam sẽ được điều khiển từ xa để tự động phun thuốc theo công nghệ phun sương. Không chỉ tiết kiệm chi phí nhân công, việc áp dụng công nghệ phun bằng thiết bị bay còn tiết kiệm đến 90% lượng nước, tiết kiệm 20 - 30% lượng thuốc...
Niềm vui của người nông dân khi thấy thiết bị bay thay thế sức người trong sản xuất nông, lâm nghiệp.
Với thiết bị bay không người lái, trung bình một ngày, một Fly AGR drone có thể phun được từ 20 đến 30 ha, tùy theo địa hình.
Hiện, ngày càng có nhiều hộ nông dân ở Yên Bái sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu hại quế và diệt các loại sâu hại trên các cây trồng. (Ảnh: Cận cảnh thiết bị bay không người lái chuẩn bị cất cánh)
Sâu quế bị diệt sau phun
Gia đình ông Đàm Văn Phương, thôn Tân Thịnh, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên là một trong những hộ gia đình đầu tiên mua thiết bị bay không người lái về phun thuốc trừ sâu hại quế phục vụ nhu cầu của gia đình và người dân trong vùng.
Thiết bị bay không người lái trước đây chỉ được dùng trong quân sự, nhưng với những cải biến và sáng tạo của con người, giờ đây nó đã có mặt ở khắp mọi nơi với nhiều ứng dụng trong cuộc sống như quay phim chụp ảnh, phun thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp, cứu hộ cứu nạn... Với nông dân Yên Bái, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, tăng khả năng phòng trừ sâu bệnh, nhất là giảm thiểu độc hại cho người nông dân vì không phải trực tiếp phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng.
Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc