Cận cảnh từng ngóc ngách trong Bảo tàng đạo Mẫu của Xuân Hinh
Tọa lạc tại Hiền Ninh, Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội, Bảo tàng Đạo Mẫu của nghệ sĩ Xuân Hinh nằm ẩn mình dưới khu vườn vải thiều có tuổi đời hơn 50 năm
Cận cảnh Bảo tàng đạo Mẫu của nghệ sĩ Xuân Hinh:
Bảo tàng đạo Mẫu của nghệ sĩ Xuân Hinh gây ấn tượng với cách xếp thủ công 3 tòa tháp từ 5 triệu viên ngói cổ và 1 triệu viên gạch thất cổ, mua từ 500 nhà dân trên khắp cả nước.
Bảo tàng Đạo Mẫu được Xuân Hinh đặt tên khác là Linh Từ - Uống nước nhớ nguồn. Nghệ sĩ giải thích, tên gọi này được hiểu là ngôi đền linh thiêng, nơi thể hiện lòng biết ơn với ông bà tổ tiên, quê hương. Điều đó cũng phản ánh giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu là tâm hướng thiện.
Nằm trong khuôn viên 5.500m2 bao quanh là vườn vải thiều cổ, cuối khu đất có một cái ao, gạch được chọn làm chất liệu chính của công trình. Không chỉ là vật liệu quen thuộc, nghệ sĩ Xuân Hinh mong muốn có thể lưu giữ lại được dấu vết của những lò gạch cũ bị bỏ quên. Đây cũng là ngôn ngữ truyền tải chân thật nhất, đậm tính Việt Nam nhất khi xây dựng một công trình mang yếu tố tâm linh.
“Đó là kiến trúc của sự cô độc. Hầu hết thời gian chúng ta bị vùi trong những cuộc đấu tranh hàng ngày và kiến trúc giúp chúng ta kết nối lại với sự thanh thản bên trong bản ngã, để mơ ước và khát khao những điều lớn lao hơn”, KTS Nguyễn Hà - người đảm nhiệm vai trò thiết kế chính Bảo tàng Đạo Mẫu chia sẻ.
Video: NVCC