Cần chỉ ra vi phạm về thẩm quyền, trình tự thủ tục

Tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang với Thường trực HĐND các huyện, thành phố lần thứ 7, cùng với giải đáp băn khoăn, vướng mắc của các địa phương liên quan đến việc quyết định và giám sát thực hiện pháp luật về đầu tư công, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thế Toản lưu ý: Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của một số đơn vị, nội dung chưa phải là giám sát việc chấp hành pháp luật về đầu tư công, về xây dựng, đất đai, môi trường... Báo cáo kết quả giám sát ít chỉ ra vi phạm về thẩm quyền, trình tự thủ tục, chỉ ra sai sót trong hồ sơ...

Giao quyết định chủ trương đầu tư công cần danh mục dự án cụ thể

Giải đáp băn khoăn, vướng mắc của các địa phương, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thế Toản khẳng định: việc HĐND giao cho UBND quyết định chủ trương đầu tư công dự án nhóm C mà không có danh mục dự án cụ thể là chưa chuẩn (Khoản 7 điều 17 Luật Đầu tư công có ghi: trong trường hợp cần thiết, HĐND quyết định việc giao cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án quy định tại khoản này phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương); việc HĐND huyện Yên Dũng giao cho UBND huyện quyết định dừng thực hiện 23 dự án đã được HĐND quyết định chủ trương đầu tư là chưa chuẩn, vì ai ban hành quyết định thì chính chủ thể đó phải dừng nội dung đó.

Bên cạnh đó, khi quyết định đầu tư công trình khẩn cấp (phòng chống hoặc khắc phục thiên tai, dịch bệnh) sử dụng kinh phí dự phòng ngân sách hoặc hỗ trợ mục tiêu từ cấp trên nhưng một số địa phương lại trình HĐND quyết định chủ trương đầu tư (Khoản 1 điều 42 Luật Đầu tư công: Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện dự án đầu tư công khẩn cấp thuộc cấp mình quản lý. Khoản 3 điều 42: Chủ tịch UBND báo cáo HĐND cùng cấp việc thực hiện dự án đầu tư công khẩn cấp tại kỳ họp gần nhất). Có nơi làm xong lại không báo cáo.

 Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thế Toản phát biểu tại hội nghị. Ảnh: B. Hợp

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thế Toản phát biểu tại hội nghị. Ảnh: B. Hợp

Đối với Kế hoạch đầu tư công trình kỳ họp thường lệ cuối năm cơ bản kịp thời hạn theo quy định, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thế Toản lưu ý một số vấn đề chưa chuẩn. Đó là: chưa ưu tiên bố trí vốn cho dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm kế hoạch mà lại dành vốn cho dự án khởi công mới (dự án đến năm đó phải hoàn thành nhưng không được bố trí đủ vốn trung hạn và vốn kế hoạch năm cuối); bố trí vốn cho nội dung không nằm trong kế hoạch trung hạn (đã bổ sung danh mục và kế hoạch vốn năm nhưng trước đó lại quên không bổ sung nội dung đó vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn); kế hoạch đầu tư công năm chưa chi tiết mức vốn bố trí cho từng dự án theo quy định tại Điều 63 Luật Đầu tư công.

HĐND là cấp thẩm quyền giải quyết nhưng đã ban hành nghị quyết có nội dung giao/ủy quyền cho Thường trực HĐND xem xét, giải quyết một số nội dung là chưa đúng quy định; một số dự án, trong một năm thực hiện điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch năm nhiều lần; cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn mà không yêu cầu cung cấp đủ các tài liệu làm cơ sở cho phép kéo dài kế hoạch vốn theo quy định tại khoản 1 Điều 48 của NĐ số 40/2020/NĐ- CP...

Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn, khi điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm cần lưu ý, thời gian điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm giữa các dự án trong nội bộ của Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trước ngày 15.11 năm kế hoạch. Việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công phải tuân thủ nguyên tắc “kế hoạch đầu tư công trung hạn điều chỉnh trước, sau đó mới điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm”.

Chưa phải là giám sát việc chấp hành pháp luật

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thế Toản đặc biệt lưu ý: qua xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của một số đơn vị, nội dung giám sát chưa phải là giám sát việc chấp hành pháp luật về đầu tư công, chấp hành pháp luật về xây dựng, đất đai, môi trường, phòng cháy... mà lẫn/lai với giám sát của cấp ủy đảng (công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm; việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND huyện về đầu tư công; tình hình, tiến độ thực hiện dự án đầu tư công; tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công...).

Trong báo cáo kết quả giám sát ít chỉ ra các vi phạm về thẩm quyền, vi phạm về trình tự thủ tục, chỉ ra sai sót trong hồ sơ, các thiếu sót khuyết điểm trong thực hiện chức trách được giao hoặc vi phạm hợp đồng... mà mới nêu việc “triển khai thực hiện”, “tiến độ thực hiện” dự án đầu tư công còn chậm hoặc nêu những bất cập của công trình cần được điều chỉnh, về thiếu vốn hoặc vướng mắc trong giải phóng mặt bằng... Phần kiến nghị nêu khá chung chung (chủ yếu nêu kiến nghị nhằm giải quyết những vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, hoặc kiến nghị để khắc phục những bất cập của công trình, kiến nghị bổ sung thêm hạng mục) nên không đúng là kiến nghị của cơ quan dân cử khi giám sát việc chấp hành pháp luật về đầu tư công. Qua nắm bắt sơ bộ thấy, sau giám sát mới chỉ ban hành báo cáo kết quả giám sát mà chưa ban hành kết luận hoặc nghị quyết về cuộc giám sát đó...

BẢO PHƯƠNG

BẢO PHƯƠNG

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-chi-ra-vi-pham-ve-tham-quyen-trinh-tu-thu-tuc-post394151.html