Cần chính sách đột phá để hiện thực hóa trung tâm nguyên phụ liệu thời trang

Đối mặt với nút thắt phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, ngành thời trang rất cần những chính sách đột phá và sự hỗ trợ phù hợp từ Nhà nước để hiện thực hóa ý tưởng xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu tầm cỡ.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài ngày 22/7, hàng loạt kiến nghị thiết thực nhằm thúc đẩy ngoại giao kinh tế đã được các hiệp hội ngành hàng nêu lên. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo và giao dịch nguyên phụ liệu cho ngành thời trang.

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) đã chỉ rõ “nút thắt” lớn nhất của ngành hiện nay chính là sự phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.

“Phần lớn doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình gia công, nguồn cung nguyên phụ liệu do đó vẫn phụ thuộc vào sự chỉ định của khách hàng. Để phát triển bền vững, chúng ta phải tiến tới tự chủ sản xuất”, bà Xuân nhấn mạnh.

Trong bối cảnh phải phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, 3 hiệp hội gồm: Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Dệt may và Hiệp hội Gỗ đề xuất xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu - phát triển và giao dịch nguyên phụ liệu phục vụ ngành thời trang.

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO). Ảnh: VGP.

Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO). Ảnh: VGP.

Theo bà Xuân, dự án đã xác định được quỹ đất ban đầu khoảng 40ha, nhưng để biến ý tưởng thành hiện thực, rất cần những chính sách đột phá và sự hỗ trợ phù hợp từ Nhà nước. Mô hình này không mới trên thế giới, với các ví dụ thành công điển hình tại Trung Quốc.

"Chúng tôi kỳ vọng mạng lưới các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài sẽ hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hoạt động hiệu quả để chúng tôi học hỏi", bà Xuân bày tỏ.

Việc hình thành trung tâm không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn cung, thúc đẩy sáng tạo mà còn có thể vươn ra cung ứng cho các thị trường trong khu vực như Indonesia, Campuchia, Bangladesh. Để tạo động lực, bà Xuân kiến nghị Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan nghiên cứu xây dựng một đề án tổng thể với cơ chế hỗ trợ cụ thể, nhằm thu hút đầu tư và hình thành chuỗi cung ứng nội địa vững chắc.

Tại hội nghị, ông Trương Văn Cẩm - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã đủ tiềm lực để đầu tư ra nước ngoài, hướng tới việc hình thành các tập đoàn toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường có nhân công giá rẻ như Bangladesh, Ấn Độ.

Ông kiến nghị các cơ quan đại diện ngoại giao tăng cường cung cấp thông tin về môi trường, chính sách đầu tư và cảnh báo rủi ro để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong khi đó, đại diện ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký VASEP nhấn mạnh vai trò của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và bày tỏ mong muốn trong các đợt rà soát tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đàm phán để mở rộng thêm ưu đãi cho các mặt hàng chủ lực. Cụ thể, với Hàn Quốc, mở thêm hạn ngạch cho mặt hàng tôm, với Liên minh châu Âu (EU), mở rộng hạn ngạch cho sản phẩm cá ngừ.

"Đây là những mặt hàng gắn liền trực tiếp với sinh kế của hàng triệu nông dân và ngư dân Việt Nam", ông Nam nhấn mạnh.

Thu An

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/hiep-hoi-doanh-nghiep/can-chinh-sach-dot-pha-de-hien-thuc-hoa-trung-tam-nguyen-phu-lieu-thoi-trang/20250723085054243