Cần chính sách thu hút bác sĩ chất lượng cao

Những năm qua, ngành Y tế Gia Lai đã tuyển dụng, quy hoạch, lựa chọn và liên tục cử cán bộ đi đào tạo để nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý, chuyên môn nghiệp vụ; nhất là đội ngũ y-bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên chuyên ngành ở các lĩnh vực chuyên môn và có tính đặc thù nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Theo Sở Y tế, toàn ngành hiện có 4.894 cán bộ, nhân viên, trong đó có 3 tiến sĩ, 20 bác sĩ chuyên khoa II, 265 bác sĩ chuyên khoa I, 639 bác sĩ đa khoa, 298 dược sĩ, 1.086 điều dưỡng, 465 y sĩ, 244 kỹ thuật viên, 468 nữ hộ sinh, 437 cán bộ thuộc chuyên ngành khác và có 1.295 nhân viên y tế thôn bản. Tổng số giường bệnh ngành Y tế tỉnh quản lý là 4.200 giường. Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ xã, phường có bác sĩ đạt 93%; đạt 27,5 giường bệnh/vạn dân; 8,2 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế (chuẩn giai đoạn đến năm 2020) là 92%.

Nếu so sánh từ năm 2015 đến nay, ngành Y tế tỉnh có gia tăng về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám-chữa bệnh. Đặc biệt, trong những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã hợp tác với ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh trong công tác khám-chữa bệnh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nên chất lượng điều trị ngày càng nâng lên, nhất là tuyến cơ sở.

Ngành Y tế tỉnh luôn thiếu đội ngũ bác sĩ có chuyên môn sâu. Ảnh: Đức Thụy

Ngành Y tế tỉnh luôn thiếu đội ngũ bác sĩ có chuyên môn sâu. Ảnh: Đức Thụy

Tuy nhiên, thực tiễn trong nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ y tế tỉnh ta vẫn còn thiếu trầm trọng, không tuyển đủ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt là nhân lực có trình độ cao, chuyên khoa sâu, ngành nghề đặc thù và phục vụ trong hệ y tế dự phòng, y học cổ truyền...

Mặc dù tỉnh đã có chính sách thu hút nhân tài nhưng chưa xứng tầm với các tỉnh khác như: hỗ trợ kinh phí, cấp đất ở, bố trí nơi ở tùy theo năng lực, bằng cấp, học hàm, học vị.

Bên cạnh đó, những năm qua, số sinh viên tốt nghiệp ngành Y và các chuyên ngành kỹ thuật khác không về tỉnh phục vụ mà chủ yếu bám trụ ở các thành phố lớn để có điều kiện học tập nâng cao trình độ, thu nhập cũng hấp dẫn hơn. Đơn cử như vừa qua, ngành Y tế tỉnh có nhu cầu tuyển dụng hơn 200 chỉ tiêu bác sĩ, nhưng chỉ có 66 hồ sơ dự tuyển, số đi thi thực tế là 35 thí sinh. Đa phần số bác sĩ này được đào tạo hệ cử tuyển hoặc vì điều kiện gia đình buộc phải về địa phương công tác.

Lý do không kém phần quan trọng khác chính là thu nhập của bác sĩ nói riêng, nhân viên y tế nói chung rất thấp. Nếu so với chương trình đại học các ngành khác thì đào tạo 4-5 năm, nhưng bác sĩ phải đào tạo đến 6-7 năm. Tuy nhiên, khi ra trường vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thì hưởng lương theo hệ số khởi điểm 2,34. Do đó, nhiều người đã chọn ở lại các thành phố lớn làm trong các bệnh viện tư nhân có thu nhập cao hơn. Trong khi đó, hiện nay tình trạng bác sĩ ở tỉnh ta nghỉ việc trong các bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư nhân cũng khá nhiều (năm 2021 có 18 bác sĩ xin nghỉ việc).

Đây là tình trạng đáng báo động mà ngành Y tế tỉnh cần quan tâm để tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời có chính sách thu hút nhân tài; đẩy mạnh công tác tuyển dụng; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực sẵn có để kịp thời bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, có biện pháp khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám” đang diễn ra hiện nay. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân.

NGUYỄN VĨNH

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1625/202202/can-chinh-sach-thu-hut-bac-si-chat-luong-cao-5767634/