Cần chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Cộng đồng doanh nghiệp đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này vẫn còn khá khiêm tốn. Thời gian tới cần có sự điều chỉnh về cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng một nền nông nghiệp phát triển xanh, bền vững.
Doanh nghiệp nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024 do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức ngày 18.12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện kế hoạch năm 2024 trong điều kiện thuận lợi và thách thức đan xen; trong đó có yếu tố thiên tai, đặc biệt là Bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp... Tuy nhiên, toàn ngành đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn và vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện.
Tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp ước đạt 3,1 - 3,4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt lần lượt là 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% và thặng dư thương mại tăng cao kỷ lục18,6 tỷ USD, tăng 53,1%. Trong đó, đã có 7 hàng, nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD: Gỗ và sản phẩm gỗ 16,1 tỷ USD (tăng 19,7%); Rau quả 7,2 tỷ USD (tăng 28,4%); Gạo gần 5,8 tỷ USD (tăng 23,1% với lượng 9,01 triệu tấn, tăng 10,9%); Cà phê gần 5,5 tỷ USD (tăng 28,7% với lượng 1,46 triệu tấn, giảm 11,3%); Hạt điều 4,3 tỷ USD (tăng 19,1% với lượng 747.000 tấn, tăng 16%); Tôm 3,8 tỷ USD (tăng 12,3%); Cao su 3,2 tỷ USD (tăng 12,3% với lượng 2,02 triệu tấn, giảm 5,6%).
Để có được kết quả đó, doanh nghiệp đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Là doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nông nghiệp (ngành mía đường) hơn 45 năm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) Huỳnh Bích Ngọc chia sẻ, thời gian qua nhờ sự quan tâm sát sao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các cấp chính quyền, nhiều chủ trương chính sách lớn về “tam nông” đã được triển khai mạnh mẽ, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch với giá trị cao. Nền nông nghiệp nước ta tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh biến động.
Tuy nhiên, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Hồ Xuân Hùng cho rằng, trên thực tế số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này vẫn còn khá khiêm tốn do cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không đủ mạnh; cách huy động, kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chưa thật sự tốt nên vẫn chưa có sức hấp dẫn, cuốn hút doanh nghiệp. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà nông còn chưa thật sự tốt, người nông dân vẫn bị động từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Nêu rõ khó khăn, theo Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách, Nghiên cứu trưởng Chuỗi Chiến lược Dữ liệu quốc gia Lê Nguyễn Thiên Nga, việc tiếp cận để tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp nông nghiệp gặp nhiều vướng mắc. Quy hoạch vùng nguyên liệu còn thiếu ổn định, quá trình tích tụ đất nông nghiệp diễn ra chậm; bài toán tín dụng vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng. Nguồn giống cây trồng và vật nuôi phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu, trong khi các viện nghiên cứu trong nước chưa phát huy hiệu quả trong chuyển giao công nghệ. Thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện cũng tồn tại nhiều bất ổn. Chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và các nhà phân phối chưa chặt chẽ; thách thức lớn đến từ chất lượng nguồn nhân lực. Các chính sách ưu đãi về đầu tư công nghệ trong nông nghiệp chưa đủ mạnh...
Hỗ trợ thiết thực về cả chính sách lẫn nguồn tài chính
Thời gian tới, ngành nông nghiệp hướng tới phát triển bền vững trong đó đẩy nhanh phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp số. Để thực hiện mục tiêu đó, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp rất cần có sự đồng hành từ cả Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và cả người nông dân.
Tổng Giám đốc Huỳnh Bích Ngọc kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục duy trì và mở rộng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước; nhất là các giải pháp bảo vệ ngành đường trước áp lực từ hàng hóa không chính ngạch, nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Cần có thêm các chương trình hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong nông nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Tăng cường các gói tín dụng ưu đãi, giúp bà con có nguồn vốn đầu tư vào vùng nguyên liệu. Đặc biệt, khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP), đây sẽ là nền tảng quan trọng để tăng cường liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.
“Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có những hỗ trợ về tài chính và chính sách cho doanh nghiệp” là đề xuất của Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH De Heus Việt Nam Nguyễn Quang Hiếu. Theo đó, cần đẩy mạnh tài trợ các dự án sáng tạo, giúp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu và thiết bị công nghệ cao. Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp phép và kiểm tra chất lượng sản phẩm, minh bạch quy trình đấu thầu và cấp phép các dự án nông nghiệp. Đẩy mạnh liên kết vùng, hỗ trợ chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã nông dân; tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics và kho bãi.
Tại Diễn đàn, các doanh nghiệp cũng mong muốn, Chính phủ, các Bộ ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô, hiệu quả hoạt động thông qua chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ. Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động...
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người dân, hợp tác xã, hiệp hội, doanh nghiệp để thực hiện các định hướng của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Đề xuất cơ chế chính sách và biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, các nhân là thành viên phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ chuyển đổi số và đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, thương mại nông, lâm, thủy sản...