Cần chính sách toàn diện, đi trước để đón đầu quá trình chuyển dịch việc làm
Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, ông Santiago AlonsoRodiguez - Tham tán thứ nhất, Trưởng phòng Hợp tác phát triển (Đại sứ quán Đức tại Việt Nam) cho rằng, chuyển dịch năng lượng công bằng sẽ đem tới những tác động tích cực cả về tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tạo ra tác động tích cực đối với thị trường lao động. Cần có chính sách toàn diện, đi trước để đón đầu quá trình chuyển dịch việc làm để tạo ra nhiều việc làm xanh hơn.
PV: Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã tuyên bố sẽ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này sẽ tạo ra những cơ hội gì cho thị trường lao động Việt Nam, thưa ông?
Ông Santiago AlonsoRodiguez: Trước hết, tôi rất hoan nghênh cam kết về net-zero của Việt Nam. Việc chuyển đổi từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng bền vững hơn như mặt trời và gió là then chốt cho nỗ lực này và Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trên thị trường năng lượng tái tạo. Chuyển dịch năng lượng công bằng sẽ đem tới những tác động tích cực cả về tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tạo ra tác động tích cực đối với thị trường lao động.
Theo kinh nghiệm của Đức, dù có nhiều việc làm cũ bị mất đi, nhưng sẽ có rất nhiều việc làm mới được tạo ra. Ngoài ra, sẽ có những việc làm được nâng cấp lên, ví dụ như đào tạo cho những vị trí làm việc về công nghệ cao, hoặc những vị trí làm việc yêu cầu chuyên môn cao. Chúng tôi cũng phát hiện ra rằng, có những vị trí công việc cũ có thể được nâng cấp lên cao hơn để hòa nhập vào môi trường mới, đóng góp cho sự thành công của quá trình này. Như vậy, kinh nghiệm thành công của nước Đức là rất hấp dẫn và đem lại nhiều bài học cho Việt Nam có thể áp dụng.
PV: Vậy còn thách thức về lao động mà Việt Nam sẽ phải đối mặt khi thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng để đạt mục tiêu net-zero là gì, thưa ông?
Ông Santiago AlonsoRodiguez: Tôi cho rằng, thách thức đối với thị trường lao động trong quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam chủ yếu rơi vào khu vực có liên quan đến khai thác than do cắt giảm điện than. Việc cắt giảm điện than có thể dẫn đến mất việc làm trong ngành năng lượng truyền thống.
Tuy nhiên, bài học từ Đức đã cho thấy, mặc dù việc cắt giảm điện than có thể dẫn đến mất việc làm trong ngành năng lượng truyền thống, nhưng nó cũng đồng thời đem lại những cơ hội cho việc đổi mới ngành kinh tế, tạo ra các ngành công nghiệp bền vững hơn và nhiều việc làm xanh hơn.
PV: Theo ông, Việt Nam cần làm gì để tận dụng được các cơ hội mới cho thị trường lao động từ việc chuyển dịch năng lượng công bằng? Các biện pháp nhằm tạo ra các điều kiện khung thuận lợi, có tầm nhìn cho việc nâng cao tay nghề và củng cố việc làm xanh cần được xác định và triển khai là gì?
Ông Santiago AlonsoRodiguez: Cần có chính sách toàn diện, đi trước để có thể đón đầu, chuẩn bị một cách đầy đủ cho quá trình chuyển dịch này. Điều này khá thách thức nhưng sẽ thành công nếu có cách tiếp cận toàn diện. Đối với khu vực liên quan tới điện than, ngoài việc thay đổi tạo ra cơ hội mới, nghề nghiệp mới cho người đang lao động trong khu vực này, có thể có chính sách hỗ trợ về mặt xã hội đối với gia đình của họ.
Bản thân tôi đã lớn lên ở khu vực công nghiệp nặng khai thác than rất ô nhiễm ở Đức, nhưng hiện nay, đó là khu vực rất sạch, với nhiều việc làm mới như dịch vụ, văn hóa, du lịch. Đó là những cơ hội mà Chính phủ đã tạo điều kiện thay đổi cuộc sống của người dân.
Chuyển đổi năng lượng mang lại lợi ích cho nền kinh tế
Theo thống kê, ở Đức, số lượng nhân viên làm việc trong các ngành nghề có kỹ năng xanh đã tăng 56,7%, lên 5 triệu từ năm 2012 đến năm 2020. Điều này cho thấy, quá trình chuyển đổi năng lượng là một quá trình phức tạp và đòi hỏi khắt khe, nhưng cũng có những cơ hội to lớn mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế.
Một trong những chìa khóa quan trọng cho thị trường lao động Việt Nam là nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động. Chính phủ Đức thông qua Tổ chức GIZ đã hỗ trợ Việt Nam thời gian qua với chương trình đào tạo nghề kỹ thuật TVET, nhằm tạo ra lực lượng lao động mới được trang bị những kỹ năng cần thiết trong quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng.
Chúng tôi đã hỗ trợ, đào tạo ra những thợ cơ khí, thợ điện, thợ máy có tất cả kỹ năng, nền tảng cho quá trình chuyển dịch các ngành nghề trong tương lai, nhất là khi Việt Nam thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng.
Trong thời gian qua, chúng tôi đã tập trung vào chương trình đào tạo nghề khu vực phía Nam để đào tạo kỹ sư lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng điện mặt trời mái nhà. Trong năm qua, có 35.000 người đã được đào tạo trong các chương trình TVET, trong số đó, 80% đã tìm được việc làm ngay trong 6 tháng đầu tiên sau khi tốt nghiệp. Như vậy, có thể thấy là thị trường đang rất cần nguồn nhân lực này.
Hơn nữa, theo chia sẻ từ khối doanh nghiệp thì hiện nay họ đang có những thiếu hụt nhất định về nhu cầu cho lực lượng lao động có kỹ năng, tay nghề cao. Chính vì vậy, cần phải có quá trình chuẩn bị và cần phải làm sao để nhân rộng mô hình này hơn nữa.
Chương trình phối hợp của GIZ với các trung tâm dạy nghề ở ở Việt Nam mang đến những tiêu chuẩn đào tạo của châu Âu, của Đức, đồng thời phối hợp bổ sung với các tiêu chuẩn Việt Nam, tạo ra chương trình có chất lượng cao và cập nhật những xu hướng, công nghệ, kỹ năng mà thế giới đang cần.
PV: Xin cảm ơn ông!
Cần chính sách toàn diện, đi trước để đón đầu quá trình chuyển dịch việc làm
Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), cho biết, trong thời gian gần đây, với các chính sách khuyến khích của Chính phủ, nguồn năng lượng tái tạo có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với những con số ấn tượng. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2045, cả nước có trên 75% là năng lượng tái tạo.
Các nghiên cứu hiện nay đã chỉ ra rằng, đối với năng lượng gió và mặt trời, khoảng 25% số việc làm tạo ra là dành cho lao động tay nghề cao. Xu hướng lao động có tay nghề cao trong ngành dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong thập kỷ tới tại Việt Nam.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, để đảm bảo chuyển dịch năng lượng thành công, hiệu quả, vấn đề chuyển dịch việc làm xanh, tìm kiếm các cơ hội việc làm công bằng trong thị trường lao động liên quan đến năng lượng tái tạo, năng lượng mới cũng là một nội dung quan trọng.
Do vậy, cần phải chủ động có chiến lược, kế hoạch đầy đủ cho việc đào tạo, chuyển dịch nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng xanh, đảm bảo vừa khai thác, phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực hiện có, vừa ứng dụng, phát huy các thành tựu tiên tiến của khoa học, công nghệ, các kỹ năng lao động mới liên quan đến chuyển dịch năng lượng.
Về phía cơ quan LĐTBXH, bà Nguyễn Thị Hà cho rằng, bồi dưỡng và nâng tầm kỹ năng cho người lao động là giải pháp cần thiết để hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, chuyển đổi việc làm từ đó duy trì sinh kế và ổn định cuộc sống trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Bà cho biết, với vai trò là một trong những thành viên tham gia triển khai Tuyên bố JETP (Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng của Việt Nam với các thành viên G7 trị giá 15,5 tỷ USD), trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ xây dựng kế hoạch triển khai và đưa ra các giải pháp nằm thúc đẩy việc làm và phát triển kỹ năng gắn với dịch chuyển năng lượng ở Việt Nam.
Cụ thể như, tạo thêm cơ hội việc làm thông qua hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển các ngành, phát triển các chuỗi giá trị liên quan đến dịch chuyển năng lượng. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn nghề liên quan đến các ngành, nghề năng lượng tái tạo và thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho việc chuyển đổi năng lượng.