Cần chính sách ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp xanh, tạo điều kiện doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận vốn
Thảo luận sáng 1/11 về giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Nhà nước cần đồng hành với doanh nghiệp nông nghiệp, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp xanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, để hóa giải những thách thức gặp phải.
Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Đại biểu Chamaleá Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, cho rằng, tình hình thế giới đang đặt ra nhiều khó khăn thách thức cho việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi Chính phủ có giải pháp điều hành linh hoạt và quyết liệt hơn nữa, tập trung nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, trước hết cần đầu tư hiệu quả vào yếu tố con người.
Bên cạnh đó, trong lúc khó khăn, thì nông nghiệp vẫn là cứu cánh cho nền kinh tế, tuy nhiên đại biểu đặt câu hỏi, tại sao đất nước với đa số người dân từ nông thôn, tài nguyên đất đai phù hợp, nhưng sản phẩm nông nghiệp ít sức cạnh tranh. Người nông dân vẫn phải đối mặt với giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá thành sản phẩm nông nghiệp giảm, sản phẩm làm ra không có người mua; trong khi đó chi phí, áp lực cuộc sống lại tăng cao.
Đại biểu đề nghị có giải pháp quyết liệt hơn, có chính sách phù hợp cho nền nông nghiệp phát triển, áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng kinh tế nông nghiệp có sức cạnh tranh và mang lại nhiều giá trị kinh tế...
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, cho rằng, thời gian qua, Chính phủ có nhiều giải pháp phát triển kinh tế, trong đó có giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, theo đại biểu, đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, người nông dân gặp nhiều rủi ro khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.
Theo đó đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tập trung phân tích, đánh giá thực chất và kỹ lưỡng nguyên nhân của tình trạng này, khắc phục những tồn tại, hạn chế, chấm dứt điệp khúc "được mùa - mất giá" và nhiều đợt "giải cứu nông sản" như thời gian qua.
Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu tạo điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn, nguồn lực cho việc phát triển nông nghiệp, tháo gỡ những vướng mắc về thị trường, giá cả, vật tư cho người nông dân. Các bộ, ngành cần đồng hành tháo gỡ khó khăn trong việc xin phép xây dựng các công trình phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, công trình phục vụ phát triển nông nghiệp.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần đồng hành với doanh nghiệp nông nghiệp, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp xanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, để hóa giải những thách thức gặp phải, đóng góp vào sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam.
Còn đại biểu Tạ Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, nhận định: Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hơn 2 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã mang lại kết quả tích cực, khung pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã được quan tâm, ban hành mới, ngành nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, giảm nghèo, tạo sự ổn định, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết, tiến độ thực hiện một số chương trình, nhiệm vụ, đề án trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp còn chậm. Kết quả đổi mới cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa đồng đều.
Đại biểu đề nghị rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, thu hút đầu tư, tăng sức hấp dẫn trong kinh doanh nông nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc hiện có, có chính sách đột phá, chiến lược trong phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, gắn với đô thị hóa.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ công việc cơ cấu lại nền kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, lồng ghép hiệu quả nội dung cơ cấu lại ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, tập trung ở các nội dung phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển liên kết gắn với chuỗi giá trị, đầu tư hạ tầng thương mại logistic, quan tâm lồng ghép hiệu quả để phát huy sức mạnh của các nguồn lực đầu tư cho hai lĩnh vực này.