Cần chủ động đi khám khi phát hiện u mỡ

U mỡ được tạo thành từ những tế bào mỡ trưởng thành (một lớp chất béo tích tụ dưới da). U thường có hình tròn, mềm, di động, không đau và phồng lên dưới da. Nếu ấn mạnh đầu ngón tay vào thì thấy u lõm xuống. Là bệnh khá phổ biến, theo thời gian khối u phát triển thường gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và tâm lý của người bệnh.

Các bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên khuyến cáo người dân khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh tật, trong đó có các khối u mỡ.

Các bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên khuyến cáo người dân khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh tật, trong đó có các khối u mỡ.

Bác sĩ CKII Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), nói: U mỡ thường to dần theo thời gian, phát triển ở nhiều vị trí trên khắp cơ thể. U hay ở tổ chức dưới da hơn tổ chức nội tạng, gặp nhiều nhất ở nách, cổ, vai, lưng, bắp tay, mông và đùi. Nguyên nhân gây ra u mỡ là do rối loạn chuyển hóa mỡ và yếu tố di truyền. Đáng nói, những người nằm trong độ tuổi từ 40-60 có nguy cơ cao mắc bệnh so với ở độ tuổi khác. Những người trong gia đình có người mắc bệnh u mỡ cũng có nguy cơ mắc bệnh cao. Theo đó, một số người mắc hội chứng Cowden, hoặc Gardner khả năng mắc bệnh cũng cao hơn người thường.

Hầu hết u mỡ là lành tính không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, với các khối u xuất hiện trong ổ bụng, nếu phát triển to lên sẽ làm trướng bụng, gây chèn ép một số cơ quan nội tạng dẫn đến rối loạn chức năng của nhiều bộ phận trong cơ thể. Khối u to ở đầu cổ, vai gáy, phát triển sẽ chèn ép lên các dây thần kinh gây liệt hoặc ảnh hưởng các mạch máu lớn. Trong trường hợp khối u phát triển vào sâu trong thành hầu họng, ngực, trung thất sẽ khiến bệnh nhân khó thở, khó nuốt, thậm chí suy hô hấp.

Tại Thái Nguyên, hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đều điều trị hiệu quả u mỡ. Phương pháp điều trị có thể là chích, hút mỡ hoặc phẫu thuật (tùy vào kích thước khối u). Trong đó, người bị u mỡ sẽ được tiến hành phẫu thuật trong trường hợp các khối u gây đau đớn hoặc cản trở nhiều trong sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân; phần da bề mặt của khối u mỡ bị viêm, sưng nề, tấy đỏ; kích thước khối u phát triển khá nhanh hoặc gây ảnh hưởng khá nhiều đến thẩm mỹ.

Phẫu thuật loại bỏ u mỡ là một phẫu thuật nhỏ, khá đơn giản, thường chỉ yêu cầu gây tê tại chỗ cho bệnh nhân, được áp dụng với những khối u mỡ có kích cỡ dưới 3cm, u mỡ nằm ở vị trí sâu hoặc thành phần có nhiều sợi xơ. Phương pháp này giúp loại bỏ u triệt để, ít tái phát.

Theo bà Đ.T.M, 64 tuổi, ở xã Trung Hội (Định Hóa) - từng được các y, bác sĩ Khoa Răng - Hàm - Mặt của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên phẫu thuật lấy khối u mỡ trên vùng mặt, thì quá trình phẫu thuật và hồi phục của bà rất tích cực. Chỉ sau vài ngày phẫu thuật, bà đã được xuất viện.

Trước đó, khối u vùng má của bà M. đã xuất hiện nhiều năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khối u tăng kích thước, gây cảm giác khó chịu và tê vùng má phải. Các bác sĩ tiến hành thăm khám và chẩn đoán bà có u mỡ lành tính vùng má phải, chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u má phải. Trong quá trình phẫu thuật, bóc tách, nhận thấy khối u nằm sát thần kinh cằm, vị trí phức tạp, ê kip bác sĩ Khoa Răng - Hàm - Mặt của Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã tiến hành bóc tách bảo tồn thần kinh cằm và cắt bỏ khối u. Khối u sau khi cắt bỏ có kích thước 3x3cm.

Từ những bệnh nhân như bà M, các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế khuyến cáo mọi người, khi thấy các khối u mỡ xuất hiện trên cơ thể cần đến cơ sở y tế để khám và tư vấn điều trị hiệu quả, tránh để khối u phát triển to gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày và khiến quá trình phẫu thuật trở nên khó khăn hơn…

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/suc-khoe/202409/can-chu-dong-di-kham-khi-phat-hien-u-mo-c2b2fc5/