Cần chú trọng dạy chính khóa hiệu quả thay vì dạy thêm cuối cấp miễn phí nhiều
Mỗi trường, mỗi GV cần tập trung nâng cao chất lượng dạy học chính khóa, bởi đó mới là 'gốc rễ' quyết định kết quả thi cử và sự phát triển lâu dài của học sinh.
Vừa qua, tại Hội nghị hướng dẫn quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh yêu cầu chung của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay và những năm trước là tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, hiệu quả, đúng quy chế, giảm áp lực, giảm tốn kém, đảm bảo độ tin cậy, đảm bảo chất lượng.
Từ yêu cầu chung này, Thứ trưởng chỉ đạo cần tập trung làm tốt 8 nhóm vấn đề cả cho công tác chuẩn bị và trong chỉ đạo triển khai. Trong đó, trước hết là làm tốt việc tổ chức dạy học, ôn thi.
Theo Thứ trưởng, muốn thi tốt phải dạy và học tốt. Từ đầu năm học cho tới lúc chuẩn bị thi, đề nghị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng chuyên môn chỉ đạo việc dạy học tốt đối với lớp 12. Dạy đúng giờ chính khóa, đổi mới phương pháp.
“Nếu thầy cô hàng ngày, hàng kỳ, cả năm học dạy học tốt rồi kỳ thi sẽ không còn áp lực”, nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng cũng nhắc tới dự kiến sang năm sau khi hoàn thành chương trình học sẽ tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông sớm hơn, để việc ôn thi không phải kéo dài. [1]
Ôn thi miễn phí rất nhân văn nhưng cần chú trọng giờ chính khóa hiệu quả
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nàng Xô Vi - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Giáo viên Phân hiệu Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh tại huyện Ia H'Drai (tỉnh Kon Tum) nhận định, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tập trung đổi mới phương pháp dạy học trong giờ chính khóa là hoàn toàn đúng đắn, vì đây là nền tảng căn cốt của một nền giáo dục chất lượng và công bằng.

Cô Nàng Xô Vi - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Giáo viên Phân hiệu Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh tại huyện Ia H'Drai (tỉnh Kon Tum). Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kom Tum
Mặt khác, trong bối cảnh thực tế tại nhiều trường thuộc vùng khó khăn, nơi điều kiện học tập của học sinh còn nhiều hạn chế thì việc giáo viên tự nguyện tổ chức ôn tập miễn phí ngoài giờ học chính khóa là một điều đáng trân trọng, thể hiện tinh thần trách nhiệm với học trò.
“Tôi cho rằng, hoạt động này vẫn nên được khuyến khích, song cần có sự định hướng rõ ràng từ phía ngành giáo dục, nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa chất lượng chuyên môn và đời sống, sức khỏe của giáo viên,” cô Vi bày tỏ quan điểm.
Theo cô Vi, trách nhiệm ôn tập cho học sinh lớp 12 thuộc về nhà trường và giáo viên là điều hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, khi chất lượng dạy học chưa đảm bảo, thay vì chỉ tập trung quy trách nhiệm cho đội ngũ giáo viên thì các cơ quan quản lý nên có cái nhìn toàn diện hơn, xét đến nhiều yếu tố tác động như chính sách giáo dục, điều kiện cơ sở vật chất, trình độ học sinh đầu vào, cũng như hoàn cảnh cụ thể của giáo viên ở từng địa phương.
“Do đó, chúng ta không nên vội vàng quy kết, nhất là với những địa phương đã rất nỗ lực vượt khó, nhưng vẫn còn gặp trở ngại do các yếu tố khách quan ngoài tác động. Bởi trên từ thực tế, nhiều nơi vẫn tồn tại tình trạng một số giáo viên chưa tận dụng hiệu quả thời lượng dạy học chính khóa để ôn tập cho học sinh. Theo tôi, nguyên nhân có thể đến từ áp lực chương trình học, quỹ thời gian hạn chế, hoặc do một số giáo viên còn đang trong quá trình làm quen và thích ứng với các phương pháp dạy học mới.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta được phép phủ nhận sự tận tâm và nỗ lực không ngừng của giáo viên. Vì vậy, để dạy học chính khóa đạt hiệu quả thực chất, tôi cho rằng cần có một chuỗi giải pháp đồng bộ, từ khâu quản lý, xây dựng chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy đến việc đảm bảo các điều kiện thực thi tại cơ sở.
Theo đó, tôi đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn thực chất, sát với thực tiễn, nhằm hỗ trợ giáo viên nâng cao năng lực, đặc biệt là về các phương pháp dạy học phát triển năng lực học sinh. Đồng thời, cần xem xét mở rộng thời lượng các tiết học tự chọn hoặc bổ trợ ngay trong khung chương trình chính khóa, tạo điều kiện để giáo viên có thể thực hiện phân hóa và hỗ trợ đối tượng học sinh yếu kém một cách hiệu quả hơn,” cô Vi kiến nghị.
Đặc biệt, với học sinh ở vùng khó khăn, cô Vi bày tỏ, Nhà nước cần có chính sách tăng cường đầu tư, hỗ trợ thêm ngân sách để trang bị thiết bị học tập, tài liệu ôn luyện và đảm bảo kết nối Internet ổn định, góp phần thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận tri thức giữa các vùng miền.
Cùng bàn vấn đề này, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội nhận định, thời điểm cuối năm học, khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cận kề, nhiều thầy cô tận tâm tổ chức những lớp ôn thi miễn phí cho học sinh, đặc biệt ở những vùng khó khăn. Đó là điều rất đáng trân trọng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết và tình yêu nghề của nhiều giáo viên đang nỗ lực đồng hành cùng học sinh trên hành trình “vượt vũ môn”.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. (Ảnh: Thành An)
Tuy nhiên, theo ông Tiến, dù xuất phát từ cái tâm tốt đẹp thì việc tổ chức dạy ôn thi miễn phí cũng cần được đặt trong khuôn khổ, quy củ và có sự cân nhắc về hiệu quả lâu dài. Điều quan trọng và căn cơ nhất vẫn là phải nâng cao chất lượng dạy học trong các giờ chính khóa, nơi học sinh được tiếp cận bài bản, đầy đủ và hệ thống với chương trình giáo dục phổ thông.
“Không ai phủ nhận ý nghĩa nhân văn của các lớp ôn thi miễn phí. Đặc biệt với những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, việc thầy cô bổ sung kiến thức ngoài giờ mà không tốn kém chi phí là một sự hỗ trợ vô cùng thiết thực đối với học sinh. Bởi hành động này góp phần xóa đi khoảng cách về điều kiện kinh tế trong tiếp cận tri thức, thể hiện tinh thần ‘không để ai bị bỏ lại phía sau’ trong giáo dục.
Trong thực tế, có những nơi giáo viên tổ chức dạy miễn phí với mật độ quá dày, học sinh vừa học chính khóa xong đã phải tiếp tục học tăng cường, học cuối tuần, học tối... Điều này vô hình trung khiến các em bị quá tải, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và hiệu quả học tập tổng thể. Đồng thời, giáo viên cũng bị áp lực lớn, nhất là khi phải làm việc vượt quá khối lượng được quy định mà không có cơ chế hỗ trợ thỏa đáng”, ông Tiến nêu quan điểm.
Cốt lõi của giáo dục vẫn phải bắt đầu từ tiết học chính khóa chất lượng
Theo Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi, việc phân nhóm học sinh theo năng lực là một giải pháp thiết thực, nhưng để triển khai hiệu quả, các trường cần hội tụ đủ ba điều kiện: sĩ số lớp học hợp lý, giáo viên cần được đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng và được tập huấn bài bản về kỹ thuật dạy học phân hóa.
Trong trường hợp thiếu giáo viên, các trường hoàn toàn có thể tính đến phương án linh hoạt như hợp đồng thêm giáo viên, huy động sự hỗ trợ từ sinh viên sư phạm đang thực tập hoặc các giáo viên đã nghỉ hưu nhưng còn đủ chuyên môn và sức khỏe. Những giải pháp này không chỉ giúp giảm áp lực cho giáo viên mà còn tạo điều kiện để việc dạy và học được hiệu quả hơn.

Các trường chú trọng hơn đến chất lượng kiểm tra định kỳ, thi học kỳ và tổ chức các hình thức đánh giá năng lực linh hoạt trong quá trình học. Ảnh minh họa: Thùy Linh
“Tăng cường đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cải thiện điều kiện dạy học chính khóa sẽ là nền tảng để nâng cao chất lượng ôn thi cho học sinh lớp cuối cấp. Tôi cho rằng, bên cạnh các chính sách về chuyên môn, các cơ quan quản lý và nhà trường nên cân nhắc bổ sung thêm các chương trình hỗ trợ tinh thần, động viên giáo viên một cách kịp thời. Bởi sự ghi nhận đúng lúc, dù nhỏ cũng là nguồn động lực rất lớn giúp thầy cô yên tâm cống hiến”, cô Vi nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh, cốt lõi của giáo dục vẫn phải bắt đầu từ tiết học chính khóa chất lượng. Nếu chương trình được phân phối hợp lý, phương pháp giảng dạy được đổi mới phù hợp, bài kiểm tra đánh giá kịp thời thì các em đã có thể nắm vững kiến thức cần thiết mà không cần đến lớp ôn tập.
Hơn nữa, giáo viên có thể tận dụng tối đa thời gian trên lớp để vừa truyền đạt kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng tư duy, xử lý tình huống, hướng dẫn phương pháp học tập hiệu quả cho học sinh. Khi đã có nền tảng vững chắc, học sinh bước vào giai đoạn ôn tập cuối cấp sẽ tự tin hơn.
“Tôi cho rằng, việc các trường chú trọng hơn đến chất lượng kiểm tra định kỳ, thi học kỳ và tổ chức các hình thức đánh giá năng lực linh hoạt trong quá trình học chính là chìa khóa giúp giáo viên và học sinh sớm phát hiện lỗ hổng kiến thức để điều chỉnh kịp thời, thay vì đợi đến giai đoạn cuối năm mới ‘chạy nước rút’.
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc tổ chức ôn tập cho học sinh cuối cấp, nhưng phải có định hướng rõ ràng. Trong đó, trường học cần xác định rõ mục tiêu: hỗ trợ ai, hỗ trợ như thế nào, với thời lượng bao nhiêu, theo hình thức gì và quan trọng nhất là phải lấy hiệu quả thực chất làm thước đo”, ông Tiến cho biết.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khi tổ chức ôn tập, nhà trường nên phân nhóm học sinh cụ thể để xây dựng nội dung phù hợp.
Bên cạnh đó, nhà trường nên giao cho tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch ôn tập tổng thể, trong đó có phân công giáo viên, xác định thời gian biểu phù hợp, không lấn quá nhiều vào ngày nghỉ hoặc giờ học chính khóa khác. Phụ huynh cũng nên được thông tin rõ để phối hợp hỗ trợ và giám sát quá trình học của con em mình.
“Tóm lại, việc dạy học là một quá trình bền bỉ, liên tục, không thể chỉ trông chờ vào giai đoạn ‘nước rút’. Tổ chức các lớp ôn thi miễn phí là cần thiết trong một số trường hợp cụ thể, nhưng không thể là giải pháp phổ biến cho toàn hệ thống. Thay vào đó, mỗi nhà trường, mỗi giáo viên cần tập trung nâng cao chất lượng dạy học chính khóa, bởi đó mới là ‘gốc rễ’ quyết định kết quả thi cử và sự phát triển lâu dài của học sinh.
Chúng ta cần dạy sao cho học sinh không cần đi học thêm vẫn có thể hiểu bài, làm bài và tự tin bước vào kỳ thi với tâm thế chủ động. Đó mới là giáo dục hiệu quả, bền vững và nhân văn nhất”, ông Tiến bày tỏ.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10432