Cần chú trọng vào học thật chứ không phải quan tâm chuyện bằng đại học loại gì...
Theo nhà nghiên cứu, dịch giả Nguyễn Quốc Vương, các bạn trẻ cần chú trọng vào học thật, học những nội dung thiết thực, phù hợp với khả năng của học sinh và nhu cầu của xã hội hơn là quan tâm bằng đại học loại gì, trường lớn hay trường bé...
Bằng cấp không phải là thứ quyết định
Chọn học đại học hay học nghề, tham gia thị trường lao động ngay mà không qua đào tạo… là những con đường khác nhau đặt ra cho mỗi thí sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Quan điểm của ông thế nào về việc lựa chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ hiện nay?
Tôi nghĩ, đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công trong nghề nghiệp, cuộc sống. Cuộc sống rất đa dạng, nhu cầu, khả năng, xu hướng của học sinh, thanh niên rất đa dạng.
Cơ hội để có nghề nghiệp, từ đó có thể sống tự lập, hạnh phúc đến từ rất nhiều lĩnh vực, rất nhiều không gian khác nhau. Học sinh, các bạn trẻ có thể nắm bắt nó bằng nhiều cách. Họ có thể tìm thấy cơ hội khi học nghề, học đại học hoặc vừa học vừa làm khi tham gia vào lao động, sản xuất ngay sau khi tốt nghiệp THPT.
Trước kia, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là kinh tế nhà nước và canh tác tiểu nông. Tình hình bây giờ đã khác, kinh tế Việt Nam cho dù chưa thể sánh được với nhiều nước trong khu vực và thế giới nhưng so với 20-25 năm trước nó đã trở nên phong phú và rộng mở hơn rất nhiều. Nhờ thế, cơ hội cho thanh niên cũng nhiều hơn, đa dạng hơn, phong phú hơn. Họ cũng có nhiều cơ hội hơn để học tập ngoài trường học hoặc vừa học vừa làm.
Thực tế cho thấy, nhà tuyển dụng không còn quá coi trọng bằng đại học, vậy theo ông cần thay đổi tư duy về việc học đại học hay học nghề thế nào?
Đối với một số ngành nghề nhất định, bằng đại học là tiêu chuẩn tối thiểu để được nhận vào làm do quy định bắt buộc của pháp luật hoặc quy chế ngành nghề. Tuy nhiên, có rất nhiều ngành nghề, bằng cấp không phải là yếu tố bắt buộc.
Đối với các ngành nghề đòi hỏi cần phải có bằng cấp là tiêu chuẩn thì cũng chỉ là một "tấm vé" vào cửa. Mọi thứ phải được thể hiện trong công việc thực tế, tức là năng lực thực sự của người được tuyển dụng.
Chính vì vậy, các bạn trẻ, gia đình và nhà trường cần chú trọng vào học thật. Các em cần học những nội dung thiết thực, phù hợp với khả năng của học sinh và nhu cầu của xã hội hơn là quan tâm tới chuyện bằng loại gì, đại học hay cao đẳng, trường lớn hay trường bé… Khối kinh tế tư nhân hiện tại rất năng động với số lượng đông đảo của các công ty vừa và nhỏ. Đó là "mảnh đất" tốt cho thanh niên thử thách năng lực thật của mình.
Trong không gian này, bằng cấp không phải là thứ quyết định. Nếu không theo đuổi con đường học thuật để trở thành giảng viên đại học, chuyên gia cao cấp, học giả… thì không nên quá nặng nề chuyện bằng cấp. Thanh niên có thể vừa làm vừa học và lấy bằng sau khi đã làm trong lĩnh vực đó, tích lũy được kinh nghiệm. Tức là, họ có thể trở lại đại học để học nghề mà họ đang làm và được cấp bằng. Chuyện đó hết sức bình thường trong xã hội học tập.
Đừng chọn nghề dễ dãi
Nhiều bạn trẻ không có định hướng cụ thể, học xong cầm tấm bằng đại học nhưng mờ mịt về tương lai. Lỗi ở đâu hay vì việc phân luồng, hướng nghiệp chưa tốt?
Theo tôi, có nhiều nguyên nhân, trong đó tâm lý xã hội và bối cảnh xã hội cũng có tác động lớn. Truyền thống khoa cử, thông tin từ truyền thông, giá trị quan của cộng đồng, gia đình đều tác động đến lựa chọn của các bạn trẻ. Không chỉ là chuyện học sinh chọn đại học, chọn khoa, ngành một cách dễ dãi để rồi “học đại” cho xong cốt kiếm tấm bằng, ngay cả học nghề, nhiều học sinh cũng chọn cho có và dễ dãi.
Tức là, khi không được giáo dục tốt về tư duy và ý chí cũng như có giá trị quan lành mạnh về học tập và lao động thì cho dù là tốt nghiệp THPT xong đi lao động, đi học nghề hay học cao đẳng, đại học, các bạn trẻ đều làm với một tâm thế hời hợt. Các em hờ hững, vật vờ chờ hết thời gian và trông đợi “cứ có bằng là mọi việc được giải quyết”. Vì vậy, câu chuyện ở đây lớn hơn chuyện học nghề hay học cao đẳng, đại học. Nó là câu chuyện giáo dục về giá trị, là triết lý giáo dục…
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, việc hợp tác liên kết thực hiện các công đoạn đào tạo giữa nhà trường với các doanh nghiệp nước ngoài (có ngành nghề tương ứng phù hợp) có phải là phương án khả thi?
Đấy là điều cần thiết phải làm. Một khi chủ thể tiếp nhận người lao động là các công ty thì các trường cần phải biết các công ty trông đợi gì ở người lao động. Sự liên kết với các công ty sẽ giúp trường học đào tạo sát thực tế hơn và sinh viên hình dung ra nghề nghiệp tốt hơn.
Những sinh viên khá giỏi, thậm chí có thể tìm được việc làm, kiếm được tiền từ doanh nghiệp ngay trong quá trình học tập. Đổi lại, doanh nghiệp cũng có thể thu nhận và nắm trong tay những sinh viên tốt, học viên phù hợp. Đôi bên đều có lợi trong phương thức này.
Hãy để con chịu trách nhiệm với cuộc đời mình
Thí sinh và phụ huynh cần tìm hiểu về việc chọn trường, chọn nghề trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng thế nào? Cần thay đổi tư duy bằng cấp ra sao?
Cần phải đổi mới và đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp trong trường phổ thông với nội dung, phương pháp phù hợp cả trong chính khóa và ngoại khóa. Ngoài ra, các gia đình cần có nhiều kênh khác để giúp con mình như đọc sách, tìm hiểu trên mạng Internet, tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp, trường học…
Cha mẹ không thể quyết định thay con vì con sẽ phải chịu trách nhiệm với cuộc đời mình. Chính vì vậy, công việc phụ huynh nên làm là cho con có nhiều trải nghiệm, đọc sách, tiếp cận thông tin nhiều chiều để hiểu biết sâu sắc về xã hội. Từ đó, bản thân sẽ có lựa chọn trường, ngành nghề, con đường sau khi tốt nghiệp THPT phù hợp. Phụ huynh nên nhìn vào giá trị thật của việc học tập, lao động đem lại thay vì thích sự sang trọng của bằng cấp hay các danh hiệu hư ảo.
Mỗi mùa tuyển sinh, các chuyên gia luôn nhấn mạnh với các thí sinh về định hướng nghề nghiệp, xác định rõ lộ trình phát triển bản thân, đừng chạy theo những ngành nghề “hot”. Theo ông, đâu là giải pháp cho tình trạng cử nhân thất nghiệp hiện nay?
Tôi cho rằng, cử nhân thất nghiệp có thể có hai lý do. Một là, nền kinh tế chưa đủ mạnh để tạo ra nhiều việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Hai là, có nhiều việc làm nhưng sinh viên không đáp ứng được yêu cầu.
Trên thực tế, tôi thấy các doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng thường than phiền không tuyển được nhân sự phù hợp vì năng lực ứng viên không đủ. Khi sinh viên đã tốt nghiệp đại học mà cả nền tảng văn hóa nói chung và kỹ năng nghề nghiệp chuyên biệt không hơn gì người không học đại học thì chắc chắn sẽ thất nghiệp.
Thực tế này đặt ra một yêu cầu hiển nhiên sinh viên khi đi học phải thực sự tập trung vào việc học, tận dụng tối đa mọi cơ hội học tập trong và ngoài trường để có được kỹ năng nghề nghiệp tốt nhất, có khả năng làm việc chuyên nghiệp. Việc một số ngành nghề trở nên “hot” vào thời điểm nào đó không có nghĩa nó sẽ tiếp tục “hot”, ngay cả khi như thế thì năng lực của học sinh có phù hợp hay không lại là chuyện khác.
Trong chuyện học và làm nghề nên làm nghề gì mình có khả năng làm tốt nhất, say mê nhất, chuyên nghiệp nhất, có sức cạnh tranh lớn nhất thay vì chọn nghề đang được nhiều người quan tâm. Khi nó được nhiều người quan tâm đồng nghĩa với việc có rất nhiều sự cạnh tranh.
Nếu bản thân không có lợi thế trong cuộc cạnh tranh đó thì sẽ gặp thất bại. Nên chọn nghề bản thân có thế mạnh khi làm nghề đó sẽ phù hợp hơn. Đối với các cử nhân đã lỡ thất nghiệp, cơ hội vẫn còn rất nhiều. Nếu nhận ra những gì mình đã học không hữu dụng, hãy can đảm từ bỏ để học một nghề khác.
Trong xã hội hiện tại, cơ hội học tập rất rộng mở với sách vở, thư viện, Internet… Quan trọng là sự chú tâm, triết lý học tập đúng đắn và sự chuyên cần bền bỉ. Nếu có đủ những yếu tố đó thì không bao giờ có chuyện cử nhân phải thất nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Nhà nghiên cứu giáo dục, dịch giả Nguyễn Quốc Vương đã dịch và viết khoảng 90 cuốn sách về giáo dục, lịch sử, văn hóa. Một số cuốn tiêu biểu như:
- Sách dịch: Cải cách giáo dục Việt Nam, Phẩm cách quốc gia, Hạnh phúc với cuộc sống thường ngày...
- Sách viết: Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm, Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, Môn sử không chán như em tưởng, Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam, Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam…
Giải thưởng: Giải Sách Hay 2020 dành cho cuốn Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản.