Cần có cái nhìn lạc quan về GD-ĐT Đồng bằng sông Cửu Long
'Từ nay không gọi khu vực ĐBSCL là vùng trũng về giáo dục nữa, giờ đã bằng rồi, thậm chí còn có những điểm khả quan, đáng mừng', bộ trưởng chia sẻ.
GD&ĐT vùng ĐBSCL có bước tiến quan trọng
Phát biểu tại hội nghị Giáo dục ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ban tổ chức mong muốn nghe nhiều ý kiến từ các đại biểu, đặc biệt là những cán bộ quản lý, giáo viên đang trực tiếp điều hành, giảng dạy tại địa phương.
Chúng ta đã nghe báo cáo của Bộ GD&ĐT cả bằng ngôn từ và hình ảnh, thêm 10 ý kiến trao đổi tham luận của đại diện các tỉnh/thành, cơ sở giáo dục đại học, Bộ, ngành. Các ý kiến phong phú, để cập trực diện, thực tiễn về giáo dục, đào tạo khu vực ĐBSCL.
Qua báo cáo và thảo luận cho thấy quá trình phát triển GD&ĐT ĐBSCL, nhất là 10 năm trở lại đây, đã có bước tiến, có kết quả quan trọng, xem như bứt phá. Căn cứ vào minh chứng các số liệu, có thể khẳng định ĐBSCL đã thoát khỏi vùng trũng về giáo dục. “Từ nay không gọi khu vực ĐBSCL là vùng trũng về giáo dục nữa, giờ đã bằng rồi, thậm chí còn có những điểm khả quan, đáng mừng”, Bộ trưởng chia sẻ.
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ niềm vui, đồng thời ghi nhận sự quan tâm và nỗ lực không mệt mỏi trong suốt thời gian qua của lãnh đạo các địa phương, đội ngũ thầy cô giáo, để GD&ĐT đạt được những thành tựu quan trọng.
Đặc biệt chất lượng giáo dục phổ thông của vùng ĐBSCL rất khả quan, đang trong nhóm thứ 2 của 6 vùng. Mặc dù chỉ số cơ sở vật chất rất khó khăn nhưng chỉ số chất lượng giáo dục phổ thông đứng thứ 2 là điều đáng ghi nhận, cho thấy sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ.
Theo Bộ trưởng, trước mắt GD&ĐT khu vực ĐBSCL còn rất nhiều khó khăn, thách thức còn chồng chất. Hiện nay toàn ngành đang đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT với mục tiêu phấn đấu rất cao, toàn diện, kỳ vọng của xã hội rất lớn. ĐBSCL đang đứng trước thách thức kép: Vừa phấn đấu đổi mới để vươn cao cùng cả nước, vừa củng cố bù đắp cho yếu tố có tính chất tối thiểu, nền tảng, cơ bản để có đủ trường lớp, thu hút học sinh tới trường, giảm tỷ lệ mù chữ...
Tầm nhìn lạc quan hướng tới phát triển
Đã khó càng khó, đã thách thức càng thách thức. Năm 2023 - 2024 lại là thời điểm nước rút. Thời gian 2 năm với 6 lớp - một nửa quá trình đổi mới, yêu cầu về cơ sở vật chất, giáo viên gay gắt hơn những năm vừa rồi.
Tuy vậy, bên cạnh thách thức trước mắt là rất lớn, vùng ĐBSCL cũng có những điểm ưu thế, thuận lợi. Dù đứng trước khó khăn về kinh tế, biến đổi khí hậu… nhưng dự báo ĐBSCL sẽ là khu vực phát triển năng động - đấy là điều kiện cải thiện về hạ tầng cho giáo dục đào tạo. Chúng ta cảm nhận đầy đủ sự quan tâm, quyết tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo. Đặc biệt, học sinh vùng ĐBSCL nền nếp, con người hào hiệp, phóng khoáng - cần coi đó là thuận lợi trong giáo dục con người.
Vì thế, Bộ trưởng đề nghị cần có cái nhìn lạc quan về GD&ĐT ĐBSCL, với cái nhìn đó sẽ đi con đường riêng bằng niềm tự hào, tìm ra điểm mạnh, lợi thế.
Trong đó, khó khăn về cơ sở hạ tầng cần có giải pháp tổng thể, chứ không thể là giải pháp đơn lẻ. Cấp bách là kiên cố hóa trường, lớp; đầu tư trang thiết bị phòng học bộ môn phục vụ chương trình mới; Có phương án phù hợp trong sắp xếp điểm trường phù hợp nhất với địa hình chia cắt, sông nước; không dồn cho bằng được nhưng không để phân tán. Cần có mẫu trường học phù hợp với địa hình, khí hậu của khu vực.
Đối với ĐBSCL, cần phải đặt mục tiêu nâng cao mặt bằng dân trí, xem đó là một yêu cầu đặc thù, thiết thân của vùng. Từ câu chuyện tỷ lệ mù chữ, tỷ lệ người chưa được huy động đến trường; tỷ lệ người chưa thiết tha với việc đi học; tỷ lệ vào đại học thấp trong 6 khu vực… cần nhấn mạnh nâng cao dân trí là việc quan trọng, sau đó mới tính đến nhân lực chất lượng cao.
Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần quan tâm, ráo riết hơn, vì mỗi một tỉnh và cả vùng tuy có vấn đề chung nhưng tình hình khá khác nhau. Một số tỉnh, thành khá thuận lợi nhưng cũng còn tỉnh khó khăn. Do đó cần tập trung phối hợp với các bộ, ngành có giải pháp khắc phục, cùng tiến với tốc độ tốt hơn trong giai đoạn tới. Về ngân sách, địa phương cần quan tâm hơn, nhất là thời điểm 2023 - 2024 khi Chương trình GDPT 2018 vào trọng tâm của đổi mới; đầu tư cần tập trung để đạt hiệu quả cao nhất.
Bộ trưởng cho biết, hiện ngành Giáo dục đang được giao tổng kết 10 năm Nghị quyết 29 của Trung ương; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang triển khai giám sát đổi mới giáo dục phổ thông, các tỉnh/thành phố đã triển khai báo cáo giám sát. Mong các tỉnh thành đặc biệt lưu ý, để qua việc giám sát thấy được hết công sức, sự sáng tạo, nỗ lực của nhà giáo, những việc làm được; thấy hết khó khăn để có giải pháp, xem đây là cơ hội để đề xuất chính sách.
Bộ GD&ĐT cũng xác định một loạt việc phải làm, mong các bộ, ngành phối hợp. Ngay sau hội nghị này Bộ sẽ xây dựng kế hoạch hành động của ngành, nhấn mạnh thể chế - một trong những đột phá; rà soát chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, tài chính, đất đai trong giáo dục. Cùng với đó tăng cường kiên cố hóa, đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ phát triển giáo dục đại học, đào tạo nhân lực cho vùng ĐBSCL; quan tâm phát triển giáo dục dân tộc… - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn