Cần cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ

Chiều 10.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tăng số lượng đại biểu HĐND từ 95 lên 125 đại biểu

Tờ trình dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày nêu rõ, việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Dự thảo Luật được xây dựng dựa trên 5 quan điểm, đó là thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; Bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; Chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; Kế thừa, phát triển các quy định đang phát huy tác dụng tốt của Luật Thủ đô 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012), với các nội dung như tăng số lượng đại biểu HĐND (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch HĐND (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực HĐND so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của HĐND. HĐND Thành phố thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND thành phố Hà Nội, quận, huyện. Hà Nội được tăng thêm biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế.

Dự thảo Luật cũng quy định cán bộ được quản lý thống nhất từ cấp xã đến thành phố; áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền. Quy định đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo; được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại đơn vị sự nghiệp công lập...

Bổ sung quy định đổi mới phương thức hoạt động HĐND thành phố, quận, thị xã

Báo cáo thẩm tra dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành việc ban hành luật. Tuy nhiên, đề nghị trong quá trình xem xét, ban hành Luật cần chú trọng một số quan điểm, yêu cầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quang Khánh

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Quang Khánh

Thứ nhất, đây là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Do đó, việc sửa đổi Luật phải bám sát các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn về xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị.

Thứ hai, dự thảo Luật cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng đồng thời là giao nhiệm vụ cho chính quyền TP. Hà Nội trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô. Đồng thời, cần bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện nhiệm vụ của Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính của quốc gia, đồng thời là đô thị đặc biệt. Thứ ba, cách thức thể hiện trong dự thảo Luật cần bảo đảm cụ thể, rõ nội dung, phạm vi, đối tượng phân quyền và cơ chế phân cấp, ủy quyền tiếp gắn với chế độ trách nhiệm; hạn chế những quy định không mang tính quy phạm; không quy định lại các vấn đề đã được quy định trong các luật khác…

Về tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội (Điều 8), Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội trên cơ sở kế thừa mô hình đang được thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội. Để tiếp tục thực hiện mô hình chính quyền đô thị hiệu quả, Ủy ban Pháp luật đề nghị, cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật quy định về đổi mới phương thức hoạt động của HĐND Thành phố và HĐND quận, thị xã.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Cũng có ý kiến cho rằng, TP. Hà Nội nên nghiên cứu, áp dụng mô hình chính quyền đô thị như tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng (không tổ chức HĐND ở quận và phường).

Về thu hút, trọng dụng nhân tài (khoản 1 Điều 17), Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm nhân tài sau khi đã vào làm việc trong hệ thống.

Ngoài việc ban hành các chính sách thu hút nhân tài thì chính quyền TP. Hà Nội cũng cần quan tâm, có biện pháp chủ động tìm kiếm nhân tài hoặc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân tài từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có để đáp ứng nhu cầu của địa phương…

T. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/can-co-che-chinh-sach-dac-thu-dac-biet-the-hien-su-phan-quyen-manh-me-i349561/