Cần cơ chế, chính sách đặc thù 'gỡ nút thắt' cho đầu tư phát triển đường sắt

Ngày 5/5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú đã chủ trì phiên họp thẩm định Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy cùng tham dự phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Theo báo cáo tại phiên họp, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch, Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã có Danh mục, lộ trình, dự kiến nhu cầu vốn của các dự án đầu tư xây dựng đường sắt quốc gia; Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt các quy hoạch tỉnh, thành phố trong đó xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại các trung tâm của tỉnh, thành phố lớn như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ… Riêng 02 thành phố Hà Nội, và Thành phố Hồ Chí Minh phải cơ bản hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị vào năm 2035.

Thực tiễn công tác đầu tư xây dựng các dự án đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị trong thời gian vừa qua cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc tập trung vào các vấn đề chính như: huy động nguồn lực; trình tự thủ tục đầu tư; việc triển khai thực hiện quy hoạch; công tác giải phóng mặt bằng; công tác đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp đường sắt…

Để tháo gỡ căn bản những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Chính phủ đã trình và được Quốc hội ban hành 02 Nghị quyết về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, 01 Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện Bộ Xây dựng báo cáo tại phiên họp.

Đại diện Bộ Xây dựng báo cáo tại phiên họp.

Để tiếp tục triển khai các dự án đường sắt theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về tiến độ như chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, vượt trội tương tự như các cơ chế, chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với các dự án đường sắt.

Việc đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới đã được các cấp có thẩm quyền đánh giá là việc khó, có những dự án được xác định là chưa có tiền lệ và cũng đã cho phép Chính phủ tiếp tục đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt. Thực tiễn quá trình triển khai các dự án thời gian qua đã xuất hiện một số vấn đề phát sinh đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách này mới có thể đạt được mục tiêu, tiến độ theo yêu cầu.

Vì vậy, việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để áp dụng chung cho đầu tư xây dựng các dự án đường sắt là rất cần thiết và cấp bách để tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, hiện thực hóa mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị theo quy hoạch.

Tại phiên họp, các đại biểu tham dự cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo nghị quyết, đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ, bổ sung một số nội dung như huy động và bố trí nguồn vốn đầu tư đường sắt quốc gia; quản lý hợp đồng; trình tự, thủ tục đầu tư dự án đường sắt… để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong triển khai, thực hiện.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú phát biểu kết luận phiên họp.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú phát biểu kết luận phiên họp.

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết không chỉ bổ sung một số dự án nằm ngoài phạm vi ba nghị quyết trước đó (Nghị quyết 172/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; Nghị quyết số 187/2025/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết số 188/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tạo thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) mà còn phải phản ánh đầy đủ các chính sách đặc thù mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và định hướng lớn của Chính phủ.

Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý việc cập nhật đầy đủ các nội dung từ Thông báo số 213/TB-VPCP ngày 4/5/2025 của Văn phòng Chính phủ, trong đó thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt – tại Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Về sự phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, Thứ trưởng cho rằng nội dung dự thảo cơ bản đã đáp ứng, nhưng cần làm rõ hơn sự liên hệ với Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chínhtrị về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn, bao gồm cả lĩnh vực đường sắt.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú lưu ý dự thảo cần “hút” được các nội dung đặc thù từ Nghị quyết 188 để đảm bảo tính kế thừa và đồng bộ, không bỏ sót các điểm đổi mới quan trọng. Đồng thời đặt vấn đề phải xử lý rõ mối quan hệ giữa đầu tư công và đầu tư tư; rà soát kỹ các điều khoản liên quan đến phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ, bảo đảm không tạo ra sự phân biệt đối xử hoặc mâu thuẫn với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về các vấn đề phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, nguồn lực tài chính và nhân lực, Thứ trưởng yêu cầu phải thể hiện, giải trình rõ trong dự thảo nghị quyết, nhất là với các dự án đầu tư tư nhân. Việc thiết kế cơ chế mới phải giúp rút ngắn quy trình, giảm bớt thủ tục, phù hợp với yêu cầu tại Thông báo số 213.

Thiên Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/can-co-che-chinh-sach-dac-thu-go-nut-that-cho-dau-tu-phat-trien-duong-sat-post547468.html