Cần cơ chế, chính sách hỗ trợ mạnh hơn đối với ngành du lịch

Là ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Việt Nam được đặt mục tiêu trở thành động lực kinh tế quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Các định hướng chiến lược giai đoạn 2025-2030 đặt mục tiêu tăng trưởng lượng khách quốc tế đạt 25-30 triệu lượt vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng trung bình 10-12% mỗi năm, củng cố vị thế Việt Nam trong top điểm đến châu Á; doanh thu du lịch đóng góp 36 tỷ USD vào GDP, tương đương 12-14% tổng GDP quốc gia…

Để đạt các mục tiêu trên, ngành du lịch sẽ đa dạng hóa thị trường khách quốc tế thông qua việc mở rộng thu hút khách từ các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Trung Đông, bên cạnh các thị trường truyền thống như EU, Mỹ và Trung Quốc. Nâng cấp hạ tầng du lịch như hoàn thiện sân bay quốc tế Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài; phát triển thêm 300 cơ sở lưu trú tiêu chuẩn 4-5 sao để đáp ứng nhu cầu khách cao cấp.

Về chuyển đổi số, toàn ngành sẽ đưa 80% giao dịch du lịch, từ đặt tour, vé máy bay đến thủ tục nhập cảnh, lên các nền tảng số nhằm nâng cao trải nghiệm của du khách và hiệu quả quản lý. Ngay trong năm 2025 này, mục tiêu đặt ra với ngành du lịch cả nước là đạt 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng doanh thu đạt 980 -1.050 tỷ đồng.

Những mục tiêu trên đòi hỏi một chính sách mang tính đột phá, nhắm đúng các thị trường chiến lược và phù hợp với xu hướng du lịch toàn cầu. Trong đó Nhà nước phải là "bà đỡ" về phát triển hạ tầng và các chính sách ưu tiên, ưu đãi cho ngành du lịch, bởi mục tiêu này chủ yếu trông chờ vào các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và hạ tầng lưu trú của khối tư nhân.

Theo ông Nguyễn Quốc kỳ, Chủ tịch HĐQT Viettravel, cả nước chỉ có 2 doanh nghiệp du lịch có vốn Nhà nước, còn lại 96-97% là các doanh nghiệp tư nhân. Trong năm nay, dự kiến đầu tư công từ khu vực Nhà nước là 36 tỷ USD, doanh nghiệp FDI đầu tư khoảng 28 tỷ USD, thì nguồn vốn đầu tư của tư nhân vào xã hội đã lên đến 96 tỷ USD, trong đó, ngành du lịch chiếm nguồn vốn lớn trong đầu tư. Không riêng gì ngành du lịch, những con số trên đã cho thấy vai trò chủ đạo của kinh tế tư nhân.

Xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch.

Xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch.

Mục tiêu đặt ra rất lớn với ngành du lịch như vậy, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Việt Nam vẫn đang xếp thứ 59 trong chỉ số về phát triển du lịch và lữ hành. Trong khi đó, tại khu vực Asean, ngành du lịch Singapore đứng thứ 13, Indonesia thứ 52, Thái Lan thứ 25, Malaysia xếp thứ 35… Như vậy, trong những nước cạnh tranh trực tiếp, trực diện về điểm đến, chúng ta đang đứng ở vị trí thấp nhất. Về vấn đề visa, nếu như Việt Nam mới chỉ mở cửa với 9 quốc gia và vùng lãnh thổ, thì con số này của Singapore là 158, Indonesia là 163, Thái Lan là 93, Malaysia 162 và Philipine đã là 167. Thời gian lưu trú các nước cho phép đa số từ 30-90 ngày, Việt Nam đang áp dụng là 30-45 ngày.

Dù Việt Nam có lợi thế là lệ phí visa thấp hơn các nước trong khu vực, nhưng thời gian xử lý, cấp visa kéo dài hơn, khi phải mất từ 3-5 ngày trong khi của các nước trong khu vực xử lý chỉ từ 1-3 ngày, thậm chí chưa đến 1 ngày. Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, visa chỉ là một vấn đề, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần thiết kế cơ chế, chính sách mạnh hơn nữa cho du lịch.

Trước làn sóng cạnh tranh ngày càng quyết liệt về thu hút khách quốc tế, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ Việt Nam cần nhanh chóng có những bước đi đột phá để không đánh mất vị thế trong khu vực. Do đó ngoài vấn đề cải thiện hạ tầng và quản lý nhập cảnh, cần triển khai công nghệ như sinh trắc học, kiosk nhập cảnh tự động. Phối hợp với an ninh quốc tế để tăng cường an ninh, đồng thời đào tạo nhân viên hải quan và hướng dẫn viên đa ngôn ngữ để nâng cao trải nghiệm du khách.

Để phân bổ lượng khách và khuyến khích du lịch mùa thấp điểm, cần quảng bá điểm đến mới như Quy Nhơn, Phú Yên và Côn Đảo… kết hợp chương trình giảm giá tour hoặc vé máy bay trong các tháng thấp điểm. Sử dụng công nghệ IoT để quản lý lưu lượng khách, giảm quá tải tại Hội An, Đà Nẵng… cũng như tăng cường hợp tác công - tư như làm việc với các hãng bay và công ty lữ hành để cung cấp gói ưu đãi vé máy bay hoặc tour…

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch Phát triển của Vietnam Airlines cho rằng, cần thành lập nhóm công tác giữa các cơ quan của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Xây dựng và hãng hàng không nhằm đồng bộ hóa chính sách ưu đãi về du lịch với kế hoạch phát triển mạng đường bay, thị trường. Ngoài ra, cần tăng ngân sách cho chiến dịch quảng bá du lịch quốc tế, trong đó các hãng hàng không và công ty du lịch lữ hành đóng vai trò trung tâm trong việc giới thiệu chính sách ưu đãi và các điểm đến của Việt Nam.

Để đáp ứng yêu cầu này, chính sách hỗ trợ cần đi trước một bước nhằm tạo nền tảng thuận lợi để hàng không mở rộng mạng bay, nâng cao hiệu quả khai thác và đóng góp tích cực cho mục tiêu phát triển chung của ngành du lịch.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/can-co-che-chinh-sach-ho-tro-manh-hon-doi-voi-nganh-du-lich-i767193/