Cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ sách giáo khoa từ khâu biên soạn đến phát hành
Chiều 14/8, Thường vụ Quốc hội tổ chức thảo luận về giám sát chuyên đề Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tại đây, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã phát biểu ý kiến.
Mở đầu phát biểu, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông là một việc rất hệ trọng, nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và các tầng lớp nhân dân. Khi tổng hợp ý kiến của cử tri, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến về vấn đề này. Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam rất hoan nghênh Quốc hội đã tổ chức giám sát chuyên đề Nghị quyết 88/2014/QH13 (NQ 88) và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội.
“Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã cử các đồng chí trong Ban Thường trực tham gia đoàn giám sát và bản thân tôi cũng đã tham gia giám sát 4 cuộc ở 4 ngành, địa phương: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và tỉnh Hưng Yên”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nói.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, trước những ý kiến của nhân dân, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp của Đoàn Chủ tịch và dành thời gian cho Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn có báo cáo trao đổi và chỉ trong hơn 30 phút, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra rất nhiều thông tin; qua đó, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã nhất trí cao với ý kiến của Bộ trưởng Bộ GDĐT rằng, chương trình sách giáo khoa mới có nhiều ưu điểm và đang hướng tới việc chuyển từ học thụ động sang phát huy năng lực phẩm chất của học sinh, cái này là rất ưu việt.
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, tuy còn một số ý kiến khác trái chiều, nhưng là đổi mới cho nên còn có khó khăn, vì vậy chúng ta không thể cầu toàn ngay đối với một chương trình lớn như vậy.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, phải có sự tiếp thu ý kiến một cách rất cầu thị để có những điều chỉnh cần thiết; mục đích là để chương trình tiếp tục đi đúng hướng và hoàn thành việc đánh giá kết quả được toàn diện.
Bày tỏ sự nhất trí cao với dự thảo báo cáo của đoàn giám sát, nhất là 7 nhóm nội dung và 3 nhóm giải pháp lớn do đoàn giám sát đề xuất, tiếp cận dưới góc độ MTTQ Việt Nam, người đứng đầu MTTQ Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tới 3 vấn đề:
Thứ nhất, theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, chúng ta có hay không một bộ sách giáo khoa do Bộ GDĐT biên soạn? điều này được nêu rất rõ trong Nghị quyết 88. Nghị quyết khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GDĐT tổ chức việc biên soạn 1 bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn. Ý kiến của ngành Giáo dục cũng có nêu, nếu như đã có 1 bộ rồi thì không phải biên soạn thêm 1 bộ của Nhà nước nữa.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, phải xem lại tính pháp quy của việc này và cho biết, Đoàn giám sát đưa ra kiến nghị trên cơ sở của Nghị quyết 88, nếu không ưu việt hơn thì chúng ta cũng phải sửa Nghị quyết trên cơ sở đảm bảo tính pháp chế.
Thứ hai, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn, phát hành và phải giảm giá sách giáo khoa phù hợp với thu nhập của người dân. Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, vấn đề giá sách giáo khoa cao hay thấp thì thực tế chứng minh rồi. Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng nhắc lại yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về việc phải giảm giá sách giáo khoa.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, thảo luận sâu là công việc của các nhà chuyên môn nhưng kiến nghị của đoàn giám sát là hoàn toàn có căn cứ, có cơ sở; thực hiện hay không thì phải căn cứ vào Nghị quyết. Bên cạnh đó, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, chúng ta phải làm tốt hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền để tạo sự thống nhất cao trong nội bộ ngành GDĐT và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thực hiện tốt hơn nữa phương châm “Dân biết- dân bàn- dân làm- dân kiểm tra- dân thụ hưởng”. Việc lớn thế này cần sự đồng tình cao của người dân.
Ghi nhận ý kiến khi đi giám sát tại Cao Bằng, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, hiện nay chúng ta có mấy bộ sách giáo khoa nhưng việc lựa chọn bộ sách nào là cả một vấn đề gian nan dù cán bộ, giáo viên đã được tập huấn. Chọn xong sách giáo khoa, học sinh chuyển trường lại thay sách giáo khoa khác và nhiều yếu tố khác nữa.
Thứ ba, theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, cần phải có chính sách đối với một chương trình lớn, nhưng khi đi giám sát không thấy có mục nào ghi cho đổi mới chương trình sách giáo khoa; vì thế, đối với địa phương tự chủ ngân sách thì có điều kiện, còn những địa phương không tự chủ ngân sách thì gặp khó trong căn cứ thực hiện. Đặc biệt là chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi những nơi còn khó khăn, người đứng đầu Mặt trận đề nghị, cần phải quán triệt sâu sắc hơn nữa nguyên lý cơ bản về chính sách dân tộc và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội trong cuộc chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua.
Kết thúc phát biểu, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, việc sửa đổi, điều chỉnh phù hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển tốt hơn. Dịp này, thay mặt cho Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gửi lời cảm ơn công lao của các thế hệ thầy, cô giáo đã dày công dạy dỗ, chăm sóc, đào tạo các thế hệ tương lai cho đất nước.