Cần có chế tài với cơ sở y tế không thực hiện triển khai bệnh án điện tử theo đúng lộ trình

Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử trên toàn quốc phải hoàn thành trong tháng 9/2025. Thời gian từ nay đến đó không còn nhiều, đâu là vấn đề các cơ sở y tế cần quan tâm? Báo Sức khỏe và Đời sống đã phỏng vấn TTND. PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam.

PV: Thưa ông, thời gian từ nay đến tháng 9/2025 không còn dài, ông cho biết tình hình triển khai bệnh án điện tử ở nước ta hiện nay ra sao?

TTND. PGS.TS. Trần Quý Tường: Với sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của Chính phủ, cùng với nỗ lực cố gắng của toàn ngành Y tế, sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, việc ứng dụng CNTT phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người dân và việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh ở Việt Nam đã phát triển tốt và bước đầu đạt được một số thành quả rất đáng khích lệ. Một số thành tựu bước đầu về triển khai bệnh án điện tử ở Việt Nam đến nay như sau:

Về kiến tạo thể chế, xây dựng hành lang pháp lý ứng dụng công nghệ thông tin y tế (CNTT YT) và triển khai bệnh án điện tử: Bộ Y tế đã ban hành các văn bản có ý nghĩa thực tiễn, có tính đột phá trong ứng dụng CN TTYT và triển khai bệnh án điện tử, như: Thông tư số 53/2014/TT-BYT ngày 29/12/2014 của Bộ Y tế quy định điều kiện hoạt động y tế trên môi trường mạng; Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về bệnh án điện tử; Thông tư số 27/2021/TT-BYT ngày 20/12/2021 của Bộ Y tế quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử.

PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam.

PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam.

Hiện nay ở Việt Nam theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giao dịch điện tử và các văn bản pháp lý có liên quan nêu ở trên đã có đủ cơ sở pháp lý để triển khai bệnh án điện tử và hồ sơ bệnh án điện tử có giá trị pháp lý như hồ sơ bệnh án giấy.

Nhận thức về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số y tế và hồ sơ bệnh án điện tử của cán bộ, nhân viên trong ngành đã nâng cao. Hằng năm, Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị của Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị, tập huấn về ứng dụng CNTT, truyền cảm hứng cho đội ngũ cán bộ, thầy thuốc trong ngành về chuyển đổi số y tế và bệnh án điện tử.

Nhiều địa phương đơn vị đã tích cực, chủ động huy động, bố trí nguồn lực cho chuyển đổi số y tế và triển khai bệnh án điện tử, như Sở Y tế Phú Thọ, Sở Y tế Quảng Ninh, Sở Y tế Hà Nội…. .

Về hạ tầng CNTT: Hầu hết các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phòng máy chủ, máy chủ chuyên dụng. Nhiều cơ sở khám, chữa bệnh đã trang bị máy tính cho 100% thầy thuốc, nhân viên có nhu cầu. Nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trang bị hệ thống mạng không dây (Wifi) miễn phí cho người bệnh & người nhà; 39,1% các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc đã triển khai hệ thống an toàn, an ninh mạng.

63 Sở Y tế trên toàn quốc đã tiến hành nhập hồ sơ, thông tin cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thông tin người hành nghề trên Hệ thống quản lý Quốc gia về đăng ký, cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc (bao gồm cả bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân) đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), có phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS). Có 62,16% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã có bộ phận chuyên trách CNTT riêng, trong đó có 95% các bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt đã thành lập phòng công nghệ thông tin, các đơn vị khác đã có bộ phận, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin. Trung bình trên cả nước, mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có 3,15 nhân viên chuyên trách, 46,5% bệnh viện triển khai đặt lịch khám trực tuyến, 61,1% bệnh viện triển khai lấy số xếp hàng.

Các bệnh viện đã kết nối phần mềm quản lý thông tin của bệnh viện (HIS) với cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam đạt 100% để thực hiện việc giám định bảo hiểm y tế điện tử.

Đến tuần đầu của tháng 4/ 2025, toàn quốc đã có 153 cơ sở khám, chữa bệnh công bố đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy. Trong đó có 2 Sở Y tế đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy ở tất cả các bệnh viện thuộc Sở Y tế là Phú Thọ năm 2020 và Sở Y tế Bắc Ninh tháng 4/2025.

Ngày 14/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về Đẩy mạnh triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo, đôn đốc 100% các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử; liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh của địa phương với các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, tận dụng dữ liệu đã được liên thông liên tuyến để cắt giảm xét nghiệm cho người dân, hoàn thành trong tháng 9/ 2025.

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng hiện nay UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang chỉ đạo rất quyết liệt Sở Y tế triển khai hồ sơ bệnh án điện tử ở tất cả các bệnh viện thuộc thẩm quyền quản lý. Tin rằng, đến 30/9 các bệnh viện trên toàn quốc sẽ triển khai thành công hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy.

Hình thành mạng lưới với nhiều công ty, doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, triển khai và có sản phẩm tốt về chuyển đổi số y tế và EMR, đủ năng lực cung cấp các sản phẩm về EMR có chất lượng.

Về thanh toán viện phí điện tử: đã có tiến bộ vượt bậc so với 5 năm trước đây khi Bộ Y tế có chỉ thị về triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Hiện nay: 71% áp dụng thanh toán điện tử, trong đó: qua kết nối trực tiếp ngân hàng 31,4%, qua cổng dịch vụ công quốc gia 10,5%, khác 15,4%; 29% tổng số các bệnh viện vẫn còn áp dụng thanh toán bằng tiền mặt.

PV: Là người gắn bó với đề án bệnh án điện tử từ những ngày đầu tiên, theo ông, những thách thức chính trong việc áp dụng bệnh án điện tử tại Việt Nam là gì? Chúng ta có thể làm gì vượt qua những thách thức này?

TTND. PGS.TS. Trần Quý Tường:Theo tôi, một số thách thức chính trong việc áp dụng bệnh án điện tử tại Việt Nam đó là:

Nền tảng và hạ tầng số của ngành y tế Việt Nam hiện còn chưa đáp ứng, trong khi điều kiện cần để áp dụng Bệnh án điện tử đã là một rào cản ban đầu. Từ đó phát sinh và dẫn tới TCO (tổng chi phí) để triển khai áp dụng bệnh án điện tử lớn và cần huy động nhiều nguồn lực mới có khả năng cân đối. Đây là yếu tố trọng yếu và cần phải được xem xét một cách nghiêm túc về "Tính sẵn sàng" (bao gồm: chính sách, hạ tầng CNTT, con người & tài chính) trong triển khai Bệnh án điện tử.

Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử giúp việc cập nhật thông tin sức khỏe cá nhân trong hồ sơ sức khỏe điện tử được dễ dàng, thuận lợi hơn.

Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử giúp việc cập nhật thông tin sức khỏe cá nhân trong hồ sơ sức khỏe điện tử được dễ dàng, thuận lợi hơn.

Một số giám đốc bệnh viện chưa thực sự quan tâm, chưa thấy rõ lợi ích và ý nghĩa của việc triển khai EMR, chưa chủ động triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại bệnh viện.

Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử làm thay đổi thói quen, nề nếp, quy trình làm việc của toàn bộ bệnh viện, từ cách làm truyền thống sang cách làm có tính khoa học chặt chẽ trên môi trường mạng, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo và sự hưởng ứng tham gia tích cực của tất cả nhân viên bệnh viện.

Vì ở Việt Nam, y tế công lập chiếm phần lớn nên Bộ Y tế phải có quy định về cơ chế tài chính thì các bệnh viện công lập mới có kinh phí triển khai EMR. Hiện nay, quy định về chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng chưa có hướng dẫn cụ thể (chưa có mục chi cho công nghệ thông tin, trong giá thành dịch vụ y tế chưa có thành phần CNTT), các bệnh viện chủ yếu sử dụng quỹ đầu tư phát triển của đơn vị để ứng dụng công nghệ thông tin, ảnh hưởng đến các hoạt động khác của bệnh viện.

Trình độ CNTT của các cán bộ, nhân viên y tế còn thiếu và yếu, không đồng đều tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc.

PV: Xin ông cho biết, lợi ích bệnh án điện tử mang lại?

TTND. PGS.TS. Trần Quý Tường: Đối với người bệnh: Bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh. Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ.

Người bệnh hoàn toàn dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ.

Kết hợp với việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử giúp người bệnh tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Lưu trữ tiền sử gia đình, tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc đầy đủ hơn. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình.

Người bệnh không cần phải lưu giữ các loại giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh.

Đối với Thầy thuốc và nhân viên y tế: Truyền tải dữ liệu người bệnh giữa các khoa phòng, giữa các bệnh viện một cách nhanh chóng. Khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Tránh được các chỉ định cận lâm sàng (siêu âm, xét nghiệm…) trùng lặp.

Hồ sơ bệnh án điện tử trình bày rõ ràng, dễ đọc hơn hồ sơ bệnh án giấy. Bác sĩ dễ dàng tìm lại hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, giảm thời gian thăm khám, hỗ trợ điều trị kịp thời, giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị.

Với hồ sơ bệnh án giấy, mọi thông tin khám, chẩn đoán, chữa trị của bệnh nhân trong một đợt điều trị được ghi chép bằng tay rất mất thời gian, tình trạng sai lệch thông tin vẫn còn xảy ra. Nhưng với hệ thống phần mềm bệnh án điện tử được sử dụng thống nhất, liên kết với tất cả khoa phòng trong bệnh viện, bệnh nhân được quản lý bằng mã số. Thông tin về tất cả các lần khám chữa bệnh của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học và sử dụng đơn thuốc điện tử,… góp phần giảm thiểu sai sót y khoa (do nhập lại, do chữ viết tay, …)

Việc đưa hồ sơ bệnh án điện tử vào hoạt động cũng giảm thiểu thời gian chờ đợi và thủ tục rườm rà cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Từ tiếp nhận thông tin đến chẩn đoán, kê đơn thuốc của bác sĩ đều được số hóa, cập nhật theo quy trình chuẩn, nhờ đó thủ tục khám, chữa bệnh và thanh toán cũng nhanh hơn trước.

Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử giúp việc cập nhật thông tin sức khỏe cá nhân trong hồ sơ sức khỏe điện tử được dễ dàng, thuận lợi hơn.

Các bác sĩ và bệnh nhân có thể truy cập hồ sơ bệnh án điện tử từ bất kỳ nơi nào trên thế giới chỉ cần có đường truyền internet.

Hồ sơ bệnh án điện tử giúp cho bác sĩ có thể theo dõi được toàn bộ quá trình điều trị của người bệnh, nhất là người bệnh được điều trị dài ngày.

Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời cho các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác.

Tiết kiệm được chi phí duy trì các kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy. Cung cấp dữ liệu cho công tác nghiên cứu.

Bệnh án điện tử cũng góp phần công khai, minh bạch trong khám chữa bệnh: Tiền thuốc, vật tư tiêu hao sử dụng, tiền giường hay chi phí thực hiện các cận lâm sàng.

Đối với công tác quản lý: Việc triển khai bệnh án điện tử cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đây là cơ sở dữ liệu về sức khỏe rất lớn (big data) của ngành mà việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin sẽ giúp ngành y tế có các chỉ đạo rất kịp thời về phòng chống dịch bệnh nói riêng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn.

Mặt khác, big data là nền tảng để phát triển các ứng dụng thông minh phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn. Trong thời đại ngày nay, việc quản lý thông tin có nghĩa rất lớn đối với công tác quản lý xã hội, có nhiều người còn khẳng định "thông tin quý hơn dầu mỏ!".

Đối với bảo hiểm y tế: Khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.

Sau khi hồ sơ bệnh án điện tử được ký số thì toàn bộ thông tin trên hồ sơ bệnh án điện tử không thể chỉnh sửa được nữa đảm bảo tính nguyên vẹn dữ liệu của hồ sơ bệnh án.

Như vậy, việc khai bệnh án điện tử rất có ích cho người dân, rất có lợi cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề, là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn, có tính thời sự cao trong việc xây dựng y tế điện tử.

PV: Để triển khai hiệu quả chuyển đổi số trong ngành y tế, theo ông đâu là những giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số y tế trong thời gian tới?

TTND. PGS.TS. Trần Quý Tường: Bộ Y tế tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đến công tác chuyển đổi số y tế nói chung và triển khai bệnh án điện tử nói riêng; các vụ, cục của Bộ Y tế vào cuộc sát sao hơn, chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Bộ các chính sách và giải pháp để thực hiện chuyển đổi số y tế. Trong đó cần đặc biệt chú trọng tới việc thực hiện triển khai đồng bộ các nền tảng, hệ thống ứng dụng và CSDL chuyên ngành làm nền tảng thúc đẩy tiến trình Ứng dụng bệnh án điện tử. Đây chính là giải pháp thiết thực và động lực tạo ra "tính sẵn sàng" cho triển khai ứng dụng Bệnh án điện tử một cách đồng loạt.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu chuyên môn hướng dẫn về chuyển đổi số y tế nói chung và triển khai bệnh án điện tử nói riêng.

Khẩn trương ban hành quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 110 Luật Khám bệnh, chữa bệnh (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024), trong đó tại điểm d, khoản 2 có quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm chi phí công nghệ thông tin, để các cơ sở khám, chữa bệnh có kinh phí thực hiện chuyển đổi số và triển khai bệnh án điện tử.

Bộ Y tế cần có chế tài đối với các đơn vị, địa phương không thực hiện triển khai bệnh án điện tử theo đúng lộ trình đã quy định. Đồng thời quan tâm hơn nữa đến công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời động viên, khen thưởng địa phương, đơn vị làm tốt việc triển khai bệnh án điện tử từ đó giúp lan tỏa và làm mô hình tham quan, học tập chia sẻ kinh nghiệm một cách hiệu quả.

Giám đốc bệnh viện phải thấy rõ lợi ích và ý nghĩa của việc triển khai bệnh án điện tử, từ đó thực sự quan tâm, chủ động triển khai quyết liệt hồ sơ bệnh án điện tử tại bệnh viện. Bao gồm cả chủ động về mặt nhận thức cũng như có sự đầu tư nguồn lực một cách thỏa đáng cho CNTT hàng năm.

Tăng cường sự phối hợp giữa Cơ quan quản lý nhà nước về y tế với các hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp, các địa phương, các chuyên gia liên quan để tạo sự thống nhất triển khai bệnh án điện tử trên toàn quốc có hiệu quả, thiết thực.

Nâng cao nhận thức, năng lực CNTT của cán bộ, nhân viên y tế thông qua các buổi hội thảo chuyên đề, các lớp đào tạo, tập huấn về CNTT y tế.

Hà Thủy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-co-che-tai-voi-co-so-y-te-khong-thuc-hien-trien-khai-benh-an-dien-tu-theo-dung-lo-trinh-169250405225550205.htm