Học 2 buổi/ngày, phải để phụ huynh thấy con không phải mang bài về nhà làm

Bộ GD-ĐT phải hướng dẫn việc học 2 buổi/ngày là để học sinh có cơ hội học tập và trải nghiệm nhiều hơn, chứ không phải để tăng áp lực học tập. Thậm chí phải để phụ huynh thấy con học 2 buổi thì về cơ bản sẽ không phải mang bài tập về nhà làm.

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin tới đây Bộ GD-ĐT sẽ hướng các trường THCS và THPT tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, thay vì chỉ áp dụng đối với cấp tiểu học như hiện nay.

Giải thích về việc này, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông (Bộ GD-ĐT) cho biết, qua khảo sát thực tế của Bộ GD-ĐT, toàn quốc có trên 60% số trường THCS và trên 80% số trường THPT đủ điều kiện về cơ sở vật chất để dạy học 2 buổi/ngày, nên phải xét đến việc tổ chức hoạt động này đúng nghĩa.

Trở ngại thiếu phòng học

Tuy nhiên, từ thực tế, hiệu trưởng một trường THCS tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho hay, nếu triển khai việc học 2 buổi/ngày, nhà trường gặp trở ngại lớn, nhất là thiếu phòng học. Hiện nhà trường chỉ có 41 phòng học nhưng có 57 lớp với 45 học sinh/lớp nên phải học theo 2 ca, sáng và chiều.

“Chỉ cần có đủ phòng học sẽ triển khai được dạy 2 buổi/ngày. Hiện nay, UBND phường và UBND quận Hoàng Mai cũng đang tìm vị trí phù hợp để chuẩn bị xây trường”, vị này nói.

Nhiều trường gặp trở ngại lớn, nhất là thiếu phòng học khi phải dạy 2 buổi/ngày cấp THCS, THPT. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Nhiều trường gặp trở ngại lớn, nhất là thiếu phòng học khi phải dạy 2 buổi/ngày cấp THCS, THPT. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Một giáo viên tại Hà Nội cho biết, nhiều trường trong nội thành không đủ phòng để học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, Bộ phải có hướng dẫn phù hợp về cách tổ chức, chương trình học để đảm bảo các mục tiêu.

Hiện chương trình chính khóa của cấp THCS đang có 29 tiết/tuần, học 6 buổi sáng. Nếu muốn học 2 buổi trong 5 ngày thì có thể chia sáng học 4 tiết và buổi chiều có thêm các tiết nữa để đảm bảo học sinh học ít nhất 3 tiết mỗi chiều. Vậy, các tiết đó học nội dung như thế nào, ai là người thực hiện cũng phải tính toán cho phù hợp.

Theo giáo viên này, việc dạy 2 buổi/tuần cũng “thêm việc” cho giáo viên trong khi hiện nay nhiệm vụ của họ đã quá tải.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, với việc học 2 buổi/ngày, nhiều người lo lắng là không đảm bảo cơ sở vật chất; giáo viên càng trở nên quá tải với khối lượng công việc nhiều hơn...

“Tôi nghĩ ngành giáo dục nên công khai con số thống kế về cơ sở vật chất của các trường THCS và THPT đảm bảo dạy học 2 buổi 1 ngày; có kế hoạch xây dựng thêm cho những ngôi trường chưa đáp ứng điều kiện để triển khai chủ trương này. Đảm bảo tận dụng tối đa, tránh lãng phí của công và việc các cơ sở giáo dục sử dụng cơ sở vật chất sai mục đích”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Học 2 buổi/ngày, học sinh có nhiều thời gian cho hoạt động giáo dục trải nghiệm

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, cá nhân ông ủng hộ chủ trương học 2 buổi/ngày đối với cấp THCS và THPT. Việc này có thể giúp nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường thời gian học sinh tương tác với giáo viên, bạn bè trong môi trường giáo dục được kiểm soát để phát triển toàn diện, không chỉ kiến thức mà còn kỹ năng mềm.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng

Ngoài ra, tăng thời gian đến trường cũng sẽ tạo điều kiện để giáo viên quan sát và tổ chức các hoạt động giáo dục cá nhân hóa, phát huy thế mạnh của từng học sinh. Chủ trương này cũng rất phù hợp với tinh thần nhân văn của Thông tư 29, giảm áp lực học thêm, góp phần tiết kiệm chi phí học thêm của các gia đình, trong khi học sinh vẫn được nhà trường quản lý học tập, tránh tham gia những lớp học không đảm bảo chất lượng.

Cũng theo ông Nam, Bộ cần có những hướng dẫn và quy định cụ thể để đảm bảo việc chuyển đổi từ dạy học 1 buổi sang 2 buổi, ví dụ như tổ chức ăn bán trú thế nào vừa phù hợp với điều kiện từng địa phương vừa đảm bảo an toàn; Tổ chức lại các hoạt động giáo dục trong ngày đảm bảo cân đối giữa hoạt động tư duy và hoạt động cơ thể; thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi hợp lý, theo nhu cầu phát triển của độ tuổi.

Theo chuyên gia, những lo lắng của phụ huynh về mâu thuẫn, bạo lực hay hành vi vượt quá giới hạn của học sinh thì dù học 1 buổi hay 2 buổi nhà trường đều phải đương đầu.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, việc chuyển sang học 2 buổi 1 ngày sẽ là điều kiện để học sinh có nhiều thời gian cho hoạt động giáo dục trải nghiệm, cũng như kết nối, chia sẻ, rèn các kỹ năng sống, kỹ năng của kỷ nguyên số hơn.

Tất nhiên, Bộ GD-ĐT phải có hướng dẫn để việc học 2 buổi/ngày là để học sinh có cơ hội học tập và trải nghiệm nhiều hơn, chứ không phải để tăng áp lực học tập. Thậm chí phải để phụ huynh thấy con học 2 buổi thì về cơ bản sẽ không phải mang bài tập về nhà làm, để dành thời gian tương tác chất lượng với các thành viên gia đình và kéo gần khoảng cách cha mẹ, con cái.

Cuối cùng, khi chuyển sang dạy học 2 buổi 1 ngày, Bộ phải đảm bảo quyền lợi của giáo viên (thu nhập, chế độ, đãi ngộ) sẽ tăng lên tương ứng cùng khối lượng công việc. Cũng cần thiết phải nghĩ đến những giải pháp, ví dụ hướng dẫn từng giáo viên tạo ra và huấn luyện được một trợ lý AI để giảm tải các công việc hành chính, chỉ tập trung vào chuyên môn.

Theo chuyên gia, trong bối cảnh sự phát triển của AI Agent; AI tự quyết, tự định hướng đang rất thịnh hành, việc này là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, để thực hiện thành công quyết định này, Bộ GD-ĐT cần tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp để kịp thời điều chỉnh và hoàn thiện các biện pháp “gỡ khó”.

Hoàng Thanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hoc-2-buoi-ngay-phai-de-phu-huynh-thay-con-khong-phai-mang-bai-ve-nha-lam-2388287.html