Cần cơ chế tốt hơn để người dân miền núi sống được nhờ rừng

Sơn La bắt buộc phải bảo vệ rừng vì đó là trách nhiệm liên quan đến môi trường, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước... Để phát triển lâm nghiệp bền vững, tỉnh cần phải có những cơ chế chính sách tốt hơn, để người dân sống được nhờ rừng.

Nhằm tìm hiểu, cập nhật thông tin về công tác quản lý, bảo vệ rừng ở tỉnh miền núi Sơn La, Báo VietNamNet vừa có cuộc phỏng vấn ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh.

Ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La. Ảnh: Bình Minh

Ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La. Ảnh: Bình Minh

Bắt buộc phải bảo vệ rừng

Ông đánh giá thế nào về vai trò và sự cần thiết của công tác quản lý, bảo vệ rừng ở tỉnh Sơn La?

Sơn La là một trong những tỉnh có diện tích lâm nghiệp lớn. Năm 2024, tổng diện tích rừng của Sơn La ước khoảng 670 nghìn ha, đứng trong Top 3 các tỉnh có nhiều diện tích rừng ở vùng núi phía Bắc.

84% dân số Sơn La là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ người dân sống nhờ vào rừng tương đối cao.

Bời vậy, chúng tôi rất quan tâm việc phát triển rừng, các sinh kế liên quan đến rừng.

Sơn La là tỉnh đầu nguồn lưu vực của những con sông rất lớn, thậm chí có tính chất phòng hộ cho cả vùng đồng bằng Bắc bộ. Chúng tôi bắt buộc phải bảo vệ rừng bởi liên quan đến nhiều vấn đề lớn như bảo vệ môi trường, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước…

Sơn La là 1 trong 4 tỉnh được nhận hỗ trợ từ dự án Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM2) của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Dự án này giúp ích gì cho địa phương?

Giai đoạn 1, dự án SNRM2 của JICA đã hỗ trợ chúng tôi rất tốt trong việc xây dựng định hình khung quy hoạch phát triển lâm nghiệp. Dự án cũng giúp nâng cao năng lực của lực lượng trực tiếp tham gia công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nòng cốt là lực lượng kiểm lâm.

Ứng dụng công nghệ giúp tăng hiệu quả quản lý bảo vệ rừng ở Sơn La. Ảnh: Bình Minh

Ứng dụng công nghệ giúp tăng hiệu quả quản lý bảo vệ rừng ở Sơn La. Ảnh: Bình Minh

Nhờ dự án hỗ trợ công nghệ, đào tạo nhân lực, mua sắm trang thiết bị theo dõi diễn biến rừng, công tác quản lý bảo vệ rừng của tỉnh đã tăng hiệu quả hơn nhiều so với trước.

Giai đoạn 2 triển khai từ năm 2021 trên địa bàn huyện Phù Yên với một số nội dung hỗ trợ về giống, kỹ thuật để trồng sa nhân dưới tán rừng, trồng bạch đàn và trồng thông… Đơn vị trực tiếp thụ hưởng là Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Phù Yên, đối ứng bằng đất, nhân công quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng, và sẽ thụ hưởng thành quả sau khi dự án kết thúc.

Thông qua dự án, chúng tôi có thêm kinh nghiệm, sở cứ trong việc xây dựng kế hoạch phát triển nông lâm nghiệp của kỳ trung hạn tiếp theo (2026-2030); xây dựng các cơ chế, nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến hỗ trợ người dân phát triển lâm nghiệp…

Với đặc thù địa bàn miền núi phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, Sơn La làm cách nào để thuyết phục bà con tham gia dự án?

Dự án có thể hỗ trợ trồng được vài chục ha hoặc vài trăm ha rừng sản xuất để phục vụ sinh kế cho người dân. Nhưng khả năng đối ứng của người dân rất thấp. Có khi cả một cộng đồng chỉ dăm ba người hào hứng trong việc tham gia đối ứng để triển khai dự án.

Một vấn đề nữa, trồng ngô, trồng sắn có thể mang lại thu nhập nhanh trước mắt, trong khi phát triển lâm nghiệp mất thời gian khá lâu, trồng cây gỗ lớn muốn có sản phẩm cũng phải 5-7 năm, cần có những sinh kế khác bù đắp trong quá trình chờ đợi.

Để thuyết phục được bà con không hề đơn giản. Các ban quản lý dự án, chủ rừng phải gần dân, sát dân, hiểu dân, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của dân. Đặc biệt là phải biết tiếng dân tộc. Đi tuyên truyền ở vùng người Mông, người Mường mà phải phiên dịch thì khó đạt hiệu quả.

Cần cơ chế tốt để phát triển lâm nghiệp bền vững

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được kỳ vọng góp phần cải thiện đời sống cho bà con. Thực tế triển khai tại Sơn La có được như kỳ vọng?

Lâm Đồng và Sơn La là 2 tỉnh thực hiện thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Sơn La hiện là một trong những địa phương có quỹ về môi trường rừng thuộc loại lớn của toàn quốc, mỗi năm khoảng 220-250 tỉ đồng.

Bây giờ chi trả theo lưu vực. Có những khu vực mỗi năm được khoảng 1 triệu đồng/ha. Khoản này góp một phần rất quan trọng việc hỗ trợ các chủ rừng là người dân, cộng đồng thôn bản, các tổ chức chính trị - đoàn thể... Người dân cũng phấn khởi vì có thêm thu nhập dù thực sự cũng chưa lớn lắm.

Câu chuyện tín chỉ carbon thì sao, Sơn La đã được hưởng lợi thực sự?

Sơn La là một trong những tỉnh nhiều tiềm năng về tham gia thị trường carbon, tăng thêm nguồn thu từ tín chỉ carbon.

Trong giai đoạn 1 của dự án SNRM2, chúng tôi đã tiến hành đo đếm và có được cơ sở dữ liệu về carbon. Gần đây, Sơn La cũng là một trong những tỉnh đã dùng cơ sở dữ liệu này báo cáo với Quỹ Biến đổi xanh của Liên Hợp Quốc.

Trong chính sách lâm nghiệp hiện hành, carbon được xác định là một nguồn thu về môi trường rừng. Song đến giờ chúng ta vẫn chưa có cơ chế vận hành chung của toàn quốc, chưa lên được sàn giao dịch, chưa thống nhất được nội dung về tham gia thị trường tự nguyện hoặc thị trường bắt buộc…

Cả nước mới có một số tỉnh Bắc miền Trung, Bắc Trung bộ nhận được 51 triệu USD (Bộ Nông nghiệp và Môi trường đứng ra làm trung gian để nhận khoản tiền đó và tiến hành phân bổ cho các tỉnh).

Thủ tướng đã có kết luận đồng ý cho Sơn La cùng Quảng Nam được triển khai đề án thí điểm về tín chỉ carbon. Tuy nhiên, khi chúng tôi lập đề án và gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và Bộ Tài chính, họ phản hồi rằng chưa có cơ sở để tham gia ý kiến vào đề án của chúng tôi.

Sơn La đã và đang mời nhiều tổ chức trong nước và quốc tế về hướng dẫn, tập huấn nâng cao năng lực tiếp cận thị trường carbon, cũng như giúp Sơn La xây dựng các nội dung về đo đếm để sẵn sàng tham gia khi thị trường này chính thức vận hành.

Tỉnh thành lập hẳn một tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp phụ trách, chỉ đạo các ngành, trong đó có ngành Nông nghiệp và Môi trường về việc xây dựng các nội dung xung quanh tín chỉ carbon.

Hy vọng theo lộ trình của Nghị định số 06/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, tới năm 2027-2028, chúng ta sẽ hoàn thiện được khung thể chế về tín chỉ carbon.

Phát triển lâm nghiệp vẫn là một trong những mục tiêu lớn, mặc dù lâm nghiệp chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu GDP của tỉnh Sơn La. Ảnh: Bình Minh

Phát triển lâm nghiệp vẫn là một trong những mục tiêu lớn, mặc dù lâm nghiệp chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu GDP của tỉnh Sơn La. Ảnh: Bình Minh

Sơn La có đề xuất, kiến nghị gì để phát triển lâm nghiệp bền vững trong thời gian tới?

Ở tỉnh Sơn La, phát triển lâm nghiệp vẫn là một trong những mục tiêu lớn, mặc dù lâm nghiệp chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu GDP của địa phương.

Chúng tôi không đặt nặng vấn đề kinh tế, mà quan trọng nhất là làm sao phát triển được bền vững môi trường, người dân tham gia được thụ hưởng thực sự…

Để phát triển lâm nghiệp bền vững, tôi cho rằng trung ương nên có những cơ chế đặc thù cho những tỉnh có yếu tố đặc thù như Sơn La; phải có những cơ chế, chính sách tốt hơn, làm sao để người dân sống được nhờ rừng.

Hạ tầng giao thông và các hạ tầng thiết yếu còn yếu, khi chúng tôi mời doanh nghiệp đến Sơn La để triển khai chế biến sản phẩm lâm nghiệp, họ không mặn mà vì chi phí trung gian quá nhiều. Nếu được Trung ương quan tâm đầu tư, đường sá tốt lên sẽ góp phần giảm những chi phí khác, khi đó giá trị của lâm nghiệp sẽ tăng.

Để tăng thu nhập cho người dân từ rừng đa dụng, Sơn La cũng đã tính tới chuyện phát triển các lâm sản phụ, đặc biệt là dược liệu; phát triển mô hình liên kết làm du lịch…

Khi hạ tầng được đầu tư, có thêm cơ chế chính sách hỗ trợ hiệu quả, mở rộng hình thức tạo nguồn thu từ rừng, thì lâm nghiệp sẽ phát triển bền vững.

Cảm ơn ông!

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/can-co-che-tot-hon-de-nguoi-dan-mien-nui-song-duoc-nho-rung-2396622.html