'Cần có chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính'

Trao đổi về việc thúc đẩy ngành hoạch định tài chính cá nhân phát triển, TS Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện Trưởng - Viện Chiến lược Ngân hàng nhấn mạnh: Việt Nam cần có những giải pháp chiến lược về truyền thông, giáo dục cũng như xây dựng hệ thống tiêu chuẩn để quản lý giám sát chặt chẽ.

- Tài chính toàn cầu giai đoạn 2021-2023 đang có nhiều biến động và đòi hỏi nhiều quốc gia phải có chính sách thích ứng với tình hình mới. Trong bối cảnh đó, vai trò của ngành hoạch định tài chính cá nhân được cho là xu thế tất yếu và cần thiết. Bà có nhận xét gì về thực trạng ngành hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam hiện nay?

TS Nguyễn Thị Hiền: Có đặc điểm chính là định hướng tổng thể giúp con người quản lý được tài chính trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, hoạch định tài chính cá nhân cơ bản là thiết lập ngân sách, tiết kiệm tiền, có giải pháp cho nhu cầu chi tiêu cá nhân... dựa trên nguyên tắc lập kế hoạch tài chính cá nhân một cách bài bản và thận trọng.

Hoạch định tài chính cá nhân không chỉ có vai trò quan trọng đối với các mỗi người mà còn đối với tổng thể nền kinh tế - xã hội. Việc nâng cao nhận thức về tài chính cá nhân và phát triển hoạt động hoạch định tài chính cá nhân sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống con người, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính, cũng như sự phát triển bền vững của xã hội.

Hiện nay, tại Việt Nam, mức độ hiểu biết tài chính của người dân so với các nước trong khu vực còn khá khiêm tốn và hạn chế. Nhiều khảo sát cho thấy mức độ hiểu biết tài chính của người dân có thu nhập thấp ít hơn rất nhiều so với người dân có mức thu nhập trung bình và cao.

Nhận thức rõ về vấn đề này, trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 - định hướng đến năm 2030, Chính phủ đã xác định 1 trong 5 yếu tố chính là phải nâng cao kiến thức tài chính cho người dân.

Theo đó, rất nhiều tổ chức như Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức tư nhân… đã thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức hoạch định tài chính cá nhân cho người dân. Tuy nhiên đa số các chương trình này đều mang tính chất tự phát. Điều này tạo ra sự chồng lấn về nhiệm vụ, vai trò của các đơn vị khi triển khai. Bởi vậy, cần có một chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính, phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa các cơ quan quản lý và ban ngành các cấp.

- Tùy theo đối tượng, lứa tuổi mà sẽ có cách nhìn nhận, tư duy về tài chính cá nhân khác nhau. Đâu là mấu chốt để mục tiêu quản lý tài chính cá nhân phát triển bền vững và toàn diện trong xã hội?

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ý thức được tầm quan trọng của hoạch định tài chính cá nhân. Họ đã xây dựng nhiều chương trình truyền thông giúp nâng cao nhận thức và tư duy về tài chính cá nhân của mỗi công dân. Đặc biệt, ở các quốc gia phát triển, tầm quan trọng của việc hình thành, phát triển chuyên ngành hoạch định tài chính cá nhân cũng như thiết lập tiêu chuẩn và điều kiện giấy phép cho ngành này rất được quan tâm.

Do đó, theo quan điểm cá nhân, mấu chốt để lan tỏa và phát triển mục tiêu quản lý tài chính cá nhân trong toàn xã hội, chúng ta cũng cần bám sát 2 nội dung: Một là, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính. Chẳng hạn như việc tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam” ngày hôm nay là một cơ hội vô cùng tuyệt vời để lan tỏa, truyền tải thông điệp về tầm quan trọng của hoạch định tài chính cá nhân đối với sự phát triển bền vững của mỗi công dân, cá nhân hộ gia đình trong toàn xã hội.

Hai là, trong dài hạn, cần nghiên cứu, hình thành, phát triển chuyên ngành hoạch định tài chính cá nhân tại các trường đại học, các Hiệp hội. Song song với đó, thiết lập các tiêu chuẩn thống nhất và điều kiện giấy phép cho ngành này; để các nhà chuyên môn hoạch định tài chính cá nhân sẽ trở thành một kênh tư vấn công minh và đáng tin cậy, hỗ trợ người dân, hộ gia đình tự đưa ra các giải pháp phù hợp để giải quyết các khó khăn tài chính tạm thời của họ!

-Rõ ràng vai trò của hoạch định tài chính cá nhân rất quan trọng với lĩnh vực tài chính hiện nay. Bà có đề xuất nào đối với các nhà quản lý để mảng tài chính cá nhân phát triển hiệu quả hơn nữa?

Dựa trên thực trạng hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam và kinh nghiệm một số quốc gia, tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp như sau để phát triển ngành hoạch định tài chính cá nhân như sau:

Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) cần phối hợp với các trường đại học, báo chí truyền hình để đẩy mạnh truyền thông về hoạch định tài chính cá nhân, giúp người dân hiểu rõ hoạch định tài chính cá nhân là gì và tầm quan trọng của hoạch định tài chính cá nhân trong đời sống tài chính cá nhân.

VFCA cần phối hợp với Bộ Giáo dục – Đào tạo và hệ thống các trường đại học để thiết lập Hoạch định tài chính cá nhân thành một chuyên ngành chính thức, thuộc bộ môn Tài chính – Ngân hàng ở các trường cao đẳng, đại học.

Mặt khác, cần thiết lập Hiệp hội hoặc Hội đồng tiêu chuẩn về hoạch định tài chính cá nhân để thiết lập tiêu chuẩn và quản lý, giám sát chất lượng cung ứng dịch vụ hoạch định tài chính cá nhân của các cá nhân và tổ chức có chứng chỉ hành nghề.

Có thể nói, hiện nay ngành hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam đang phát triển nhanh. Việc đẩy mạnh truyền thông, giáo dục và thiết lập tiêu chuẩn quản lý, giám sát là rất cần thiết.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này

Khánh Nam

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/can-co-chien-luoc-quoc-gia-ve-giao-duc-tai-chinh-20180504224287334.htm