Cần có chính sách giữ chân lực lượng bảo vệ rừng

Bắc Giang - Thời gian qua, nhiều người công tác tại đơn vị chuyên trách bảo vệ rừng (lực lượng bảo vệ rừng) xin nghỉ việc, chuyển công tác trong khi việc tuyển dụng gặp không ít khó khăn. Thực tế này tạo áp lực cho việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Bắc Giang có hơn 160 nghìn ha rừng (gồm diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng); tỷ lệ che phủ rừng đến ngày 31/12/2022 là 38%. Diện tích rừng tập trung nhiều tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. Diện tích rừng lớn, địa bàn rộng song lực lượng tham gia bảo vệ rừng ngày càng giảm đi.

Cán bộ kiểm lâm tuần rừng ở xã Đèo Gia (Lục Ngạn).

Cán bộ kiểm lâm tuần rừng ở xã Đèo Gia (Lục Ngạn).

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, từ tháng 1/2020 đến tháng 7/2023, toàn tỉnh có 28 cán bộ bảo vệ rừng xin nghỉ việc, nghỉ hưu trước tuổi, chuyển công tác. Nguyên nhân chính là do thu nhập thấp so với mặt bằng chung, công việc yêu cầu thường xuyên đến nơi xa xôi, hẻo lánh. Mặt khác, những người làm nhiệm vụ giữ rừng thường xuyên xa gia đình, ngày lễ, ngày Tết không được nghỉ trọn vẹn.

Các trạm kiểm lâm thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, giao thông khó khăn. Thời gian qua đã có 1 cán bộ kiểm lâm Bắc Giang bị tai nạn giao thông, tử vong khi đang làm nhiệm vụ; có trường hợp bị thương khi trấn áp đối tượng phá rừng...

Anh Trương Văn Sơn, Phụ trách Trạm Kiểm lâm địa bàn Tân Lập (Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Tây Yên Tử) chia sẻ: “Trạm được biên chế 3 cán bộ trực tiếp quản lý, bảo vệ gần 2.700 ha rừng và đất rừng đặc dụng. Với đặc thù công việc, chúng tôi phải thường xuyên tuần tra rừng, sống với những cánh rừng nhiều hơn là với gia đình. Hằng tháng, mỗi anh em được nghỉ 4 ngày, thường chia 2 đợt nghỉ, mỗi đợt nghỉ 2 ngày để về thăm gia đình. Chúng tôi sắp xếp nghỉ luân phiên để bảo đảm trạm luôn có người trực, bất kể ngày lễ, Tết”.

Anh Nguyễn Hoài Nam (SN 1979), người đã 20 năm gắn bó với công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn trải lòng: “Tôi xin nghỉ việc tháng 7/2022, thời điểm đó đang là Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng xã Phong Vân. Lý do xin nghỉ bởi xa nhà, công tác ở vùng sâu, vùng xa. Mỗi tháng, tiền lương và các khoản phụ cấp được hơn 8 triệu đồng, không còn thu nhập nào khác. Ngoài tiền ăn, tiền xăng xe, tôi chỉ dành dụm được chút ít cùng vợ nuôi con nhỏ”.

Ngoài cán bộ đang công tác nghỉ việc thì việc tuyển dụng cũng khó khăn do ít hồ sơ dự tuyển, có vị trí không tuyển đủ số lượng, tỷ lệ trúng tuyển thấp. Nguyên nhân là do các trường có chuyên ngành lâm nghiệp tuyển dụng sinh viên để đào tạo rất ít. Sinh viên ra trường làm công tác bảo vệ rừng thu nhập thấp, điều kiện làm việc ở nhiều địa bàn còn khó khăn không khuyến khích, thu hút được sinh viên theo học.

Trước thực tế trên, ngày 26/7/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT đã báo cáo UBND tỉnh tình hình lực lượng bảo vệ rừng xin nghỉ việc; đồng thời, đề xuất bổ sung chế độ, chính sách đãi ngộ về tiền lương, phụ cấp khác tương xứng với tính chất, đặc thù của lực lượng bảo vệ rừng. UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Nội vụ nghiên cứu, tham mưu giải quyết những kiến nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT để lực lượng bảo vệ rừng sớm có chính sách hỗ trợ, tạo động lực cho họ tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ rừng.

Ông Từ Quốc Huy, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Đời sống của lực lượng bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, ngoài lương, phụ cấp ít ỏi thì họ không có thời gian làm việc gì khác tăng thu nhập. Để người lao động yên tâm bảo vệ rừng, đề nghị các cấp có thẩm quyền đánh giá khách quan, toàn diện nhiệm vụ, điều kiện làm việc của lực lượng bảo vệ rừng hiện nay. Từ đó, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách mới đặc thù, hỗ trợ cho chủ rừng cũng như lực lượng bảo vệ rừng nâng cao thu nhập, bù đắp những khó khăn mà lực lượng này đang đối mặt, tạo động lực cho họ yên tâm bám rừng”.

Dương Đại Tiến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/409603/can-co-chinh-sach-giu-chan-luc-luong-bao-ve-rung.html