Cần có chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân hoạt động không chuyên

Như những loại hình nghệ thuật truyền thống khác, hát bội hay còn gọi là tuồng đang đứng trước nguy cơ mai một. Hiện toàn tỉnh Bình Định có 12 đoàn tuồng, trong đó có 11 đoàn tuồng không chuyên do người dân yêu thích thực hiện. Đa số các nghệ nhân phải làm nghề khác để duy trì cuộc sống. Hiện chưa có chính sách nào hỗ trợ cho các nghệ nhân không chuyên này. Việc bảo tồn để duy trì và phát triển nghệ thuật tuồng đang là 'bài toán' khó.

Hiện nay, các đoàn tuồng không chuyên gặp khó khăn trong việc đi lưu diễn khi phải bắt buộc đoàn tuồng có giấy phép kinh doanh. Để tiếp tục lưu diễn, đoàn tuồng Nhơn Hưng đã phải đăng ký giấy phép. Hiện đoàn có khoảng 20 thành viên. Trừ đi các chi phí, mỗi buổi lưu diễn chỉ đem lại kinh phí khoảng 5 triệu đồng cho toàn đoàn.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các nghệ nhân không chuyên vẫn gắn bó và duy trì vốn văn hóa quý của quê hương. Vừa qua, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch thuộc chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu quan tâm đến vấn đề hỗ trợ cho các nghệ nhân không chuyên nhằm duy trì và bảo tồn nghệ thuật truyền thống.

Hiện, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định tiến hành rà soát lại các chính sách, quy định của Trung ương cũng như của tỉnh về nghệ thuật biểu diễn để đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc truyền nghề, tuyển dụng, hỗ trợ biểu diễn cho các đoàn nghệ thuật tuồng không chuyên.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Bảo Lâm

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/can-co-chinh-sach-ho-tro-cho-nghe-nhan-hoat-dong-khong-chuyen-225886.htm