Cần có chính sách tận dụng lực lượng lao động để góp phần phục hồi kinh tế
Nêu rõ tác động của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cần có chính sách tận dụng lực lượng lao động để góp phần phục hồi kinh tế, đồng thời có chính sách hỗ trợ tốt hơn người lao động, vì hỗ trợ người lao động cũng chính là hỗ trợ tăng trưởng đất nước.
Tận dụng lực lượng lao động góp phần phục hồi kinh tế
Phát biểu tại phiên thảo luận ngày 8/11, đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) cho biết, tính riêng trong quý 3/2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người (tăng thêm 15,4 triệu người so với quý 2/2021) từ 15 tuổi trở lên phải chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ thất nghiệp trong quý 3 là 3,72%, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39% (cao nhất từ quý 1/2020 đến nay). Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động, đại biểu Mai đề nghị cần đánh giá thực trạng nguyên nhân và có chính sách để tận dụng lực lượng lao động, huy động lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ nhằm phát huy tối đa sức mạnh của nguồn lực trong kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Bên cạnh đó, đại biểu Mai cũng cho rằng cần có chính sách hỗ trợ nhóm lao động phi chính thức thực chất hơn, bởi đây chính là nhóm ít có khả năng được hưởng các chế độ an sinh xã hội, trong khi đó họ lại mức tiết kiệm thấp hơn các nhóm khác nên khả năng rơi vào đói nghèo cao hơn.
Để có kế hoạch mở cửa trở lại có tính khả, đại biểu Mai đề nghị cần nghiên cứu chính sách nhằm thu hút lực lượng lao động, trong đó phải quan tâm tới các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung đông người lao động kết hợp với các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động và gia đình họ để họ an tâm quay trở lại làm việc.
Đặc biệt, để bảo đảm quyền lợi của phụ nữ trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, đại biểu Mai cho rằng cần tăng cường đào tạo nâng cao năng lực về kinh doanh, hỗ trợ cơ hội việc làm cho phụ nữ, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho phụ nữ, giúp họ phục hồi hoạt động kinh doanh, cải thiện sinh kế, vay vốn thoát nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ngoài ra, cần thúc đẩy quá trình chuyển đổi của phụ nữ từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực lao động chính thức; hỗ trợ đào tạo cho phụ nữ kịp thời thích ứng với xu hướng số hóa, tận dụng được nền tảng số để tiếp cận cơ hội việc làm mới.
Đặc biệt, cần hỗ trợ nhóm phụ nữ có sinh kế bấp bênh, phụ nữ lao động trong khu vực chính thức để họ có thể tiếp cận những việc làm thay thế, có nguồn tài chính ổn định giúp đảm bảo cuộc sống.
Hỗ trợ người lao động cũng chính là hỗ trợ tăng trưởng
Cho ý kiến về lĩnh vực lao động và việc làm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho biết, trong hai năm qua, lao động nước ta đối diện với tình trạng không có và thiếu việc làm trên diện rộng.
Trước dự báo tình hình năm 2022 sẽ còn nhiều tiềm ẩn phức tạp và khó khăn, đại biểu cho rằng bên cạnh việc đẩy nhanh tiêm vaccine cho người dân để duy trì lại nguồn cung lực lượng lao động an toàn thì cần tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng.
Bên cạnh đó, cần tập trung vào kết nối lại nhu cầu doanh nghiệp và người lao động. Công đoàn các cấp, các cơ quan, xí nghiệp cần tạo lập các nhóm tương trợ để hỗ trợ người lao động chăm sóc con cái khi trường học chưa được trở lại bình thường.
Đồng thời, đẩy mạnh và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động.
Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng dại dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục là một thách thức đặc biệt với Việt Nam và thế giới. Để phục hồi ổn định phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đại biểu Khải đề nghị cần tiếp tục quan tâm hơn nữa tới lực lượng công nhân lao động, bởi vì cần phải xem người lao động là động lực tăng trưởng, và hỗ trợ người lao động cũng chính là hỗ trợ động lực tăng trưởng của đất nước.
Theo đại biểu, đối với những người lao động phải di chuyển để tìm việc, động lực lớn nhất để họ quay lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường an toàn.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ kết nối cung cầu lao động mà còn kiến tạo các động lực về cơ hội hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn.
Bên cạnh đó, cần tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm, tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tâm lý yên tâm quay lại nơi làm việc cho người lao động.