Cần có chính sách ưu đãi cho sản xuất xanh

Khó khăn với ngành dệt may được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2023, do sự sụt giảm của tổng cầu thế giới. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, hiện nhiều quốc gia phát triển đã có những quy định liên quan đến bảo đảm tính bền vững, tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh (SXKD) hàng may mặc.

Đây là điểm các doanh nghiệp (DN) dệt may cần có chiến lược trong SXKD, nhất là các chính sách ưu đãi cho sản xuất xanh nếu không sẽ không thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kiên định tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Phóng viên (PV): Ông nhìn nhận như thế nào về kết quả của ngành dệt may trong thời gian qua?

Ông Lê Tiến Trường: Thị trường dệt may thế giới đã có sự đảo chiều khó lường trong hai tháng cuối năm 2022 khi nhiều DN xuất khẩu Việt Nam bị sụt giảm đơn hàng, có nơi lên tới 70-80%, ngược với quy luật thường kỳ mọi năm. Đặc biệt, trong những tháng đầu quý IV, các DN trong ngành rơi vào tình thế khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may thì nhu cầu giảm mạnh. Có thể thấy, dù xuất khẩu dệt may Việt Nam cả năm 2022 đạt mức cao với 44 tỷ USD, song tốc độ tăng trưởng của ngành trong quý IV-năm 2022 đã chậm lại và tình hình khó khăn dự kiến còn tiếp diễn trong năm 2023. Nhìn chung, hiện không ai dám dự báo kịch bản tăng trưởng dệt may năm 2023 sẽ thế nào. Tình hình hiện tại cho thấy cầu vẫn thấp trong quý I và phụ thuộc nhiều sự phục hồi kinh tế thế giới.

 Ông Lê Tiến Trường

Ông Lê Tiến Trường

PV: Với những tín hiệu không có nhiều tích cực từ thị trường, các DN dệt may, đặc biệt là Vinatex sẽ làm gì, thưa ông?

Ông Lê Tiến Trường: Toàn ngành dệt may hiện có 13.000 DN, mỗi đơn vị có cách ứng phó khác nhau, chứ không có "đơn thuốc" chung cho tất cả. Tựu trung lại, trải qua nhiều khó khăn từ biến đổi của thị trường, nhất là trong hai năm dịch Covid-19 diễn ra, tới nay, các DN dệt may đã không còn hoang mang trước những bất định, từng bước chủ động hơn, sẵn sàng các giải pháp ứng phó với điều kiện kinh doanh không tích cực. Trước mắt, trong bối cảnh cầu tiêu dùng thấp, các DN phải chấp nhận kinh doanh không có lợi nhuận để duy trì đơn hàng. Về lâu dài, con đường duy nhất là kiên định tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số... Với Vinatex, chúng tôi có lợi thế hơn những đơn vị khác là có đa dạng lĩnh vực sản xuất (sợi, dệt, nhuộm, may...), nên khi cầu còn thấp chúng tôi tận dụng để tăng kết nối năng lực chuỗi nội bộ. Việc này, giúp hệ thống của Vinatex liên thông về nguồn vốn lưu động, giảm tải tồn kho trên hệ thống của nhau, từ đó tạo ra dư địa cạnh tranh với giá tốt hơn và bảo đảm việc làm, giữ lao động.

Nên ưu đãi về tín dụng cho sản xuất xanh

PV: Theo ông, lợi thế cạnh tranh của dệt may Việt Nam như thế nào?

Ông Lê Tiến Trường: Năm 2022, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt khoảng 44 tỷ USD, đứng thứ 3 về quy mô, sau Trung Quốc và Bangladesh. Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam đứng thứ hai sau Bangladesh. Năng lực khác biệt của DN dệt may Việt Nam là có thể làm được đơn hàng nhỏ, nhiều loại sản phẩm, kỹ thuật khó. Đơn hàng nhỏ vẫn là xu thế tới đây, các nhà mua không đặt số lượng quá lớn, chỉ vài nghìn đơn vị trên một đơn hàng. Điều này cho thấy DN có kỹ năng quản trị tốt, nhanh nhạy thay đổi để thích ứng.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định. Ảnh: NAM QUANG

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Sợi Vinatex Nam Định. Ảnh: NAM QUANG

PV: Bảo đảm tính bền vững, tuần hoàn trong SXKD hàng may mặc đang được các quốc gia phát triển đặt ra. Áp lực thay đổi các hoạt động SXKD trong ngành dệt may sẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Tiến Trường: Xanh hóa dệt may không phải là câu chuyện muốn hay không mà hiện nay là yêu cầu bắt buộc nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi toàn cầu. Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã có những quy định liên quan đến việc bảo đảm tính bền vững, tuần hoàn trong SXKD hàng may mặc. Đi đầu là châu Âu với “Thỏa thuận xanh” cùng hàng loạt quy định về chuỗi cung ứng và tuân thủ báo cáo phát triển bền vững đã được đưa ra và có hiệu lực áp dụng trong 1-2 năm tới. Châu Âu cũng chính là thị trường tiêu thụ sản phẩm dệt may lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu sản xuất xanh, DN Việt Nam còn nhiều thách thức. Thứ nhất, công nghệ để sản xuất được ra sản phẩm là khó hơn bình thường; thứ hai là về giá thành, vì tất cả nguyên liệu đầu vào để sản xuất xanh đều đắt, trong khi chuẩn mực giao dịch trên thị trường chưa tương xứng với yêu cầu đầu vào. Thực tế cho thấy, những DN sản xuất xanh hiện nay đang có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với sản xuất thông thường. Các DN cần phải chấp nhận hy sinh tài chính, vượt qua những thách thức này để đáp ứng được yêu cầu và không bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng. Nói điều này để thấy, để DN thực hiện xanh hóa cần phải có nguồn lực tài chính và thời gian, không thể nói 1-2 năm là xong được. Theo đó, Chính phủ cần tạo hành lang chính sách nhằm khuyến khích nhà đầu tư hướng đến sản xuất xanh. Trong đó chủ yếu là những chính sách về tín dụng với lãi suất và hạn mức ưu đãi hơn cho DN đầu tư và sản xuất sản phẩm xanh. Đây cũng chính là bước đi cụ thể của Việt Nam để đạt được cam kết mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

VŨ DUNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-co-chinh-sach-uu-dai-cho-san-xuat-xanh-721338