CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN NHÀ GIÁO GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TAY NGHỀ CAO
Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lâm Đồng cho rằng, cần có cơ chế, chính sách ưu tiên nhà giáo giáo dục nghề nghiệp có tay nghề cao, thành tích xuất sắc để bổ nhiệm, biệt phái vào các vị trí cao hơn.
Chiều 18/7, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lâm Đồng; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với nhà giáo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và góp ý dự thảo Luật Nhà giáo.
Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lâm Đồng khẳng định, hiện nay, giảng viên, giáo viên được các trường chú trọng, quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hỗ trợ rất nhiều về thời gian, kinh phí để nhà giáo hoàn thành tốt các tiêu chí, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu chất lượng giảng viên, giáo viên trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, việc đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các chương trình, phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo vẫn chưa được triển khai mạnh, đặc biệt là nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm cấp độ ASEAN, quốc tế.
Hiện, chưa thực hiện công nhận kỹ năng, trình độ đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ ở ngành nghề khác chuyển sang làm giáo viên, giảng viên trong các trường cao đẳng. Mặc dù phát triển mạnh đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề đủ năng lực tham gia đào tạo song vẫn yêu cầu các chứng chỉ, hồ sơ liên quan dẫn đến khó đáp ứng tình hình thực tế.
Khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo để tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo, trong đó có các quy định đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, song các ý kiến tại cuộc làm việc đề nghị cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng những sinh viên đã tốt nghiệp ở các trường sư phạm kỹ thuật hoặc trường nghề có nhu cầu, mong muốn trở thành giảng viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; có chính sách ưu đãi, thu hút nhân tài đào tạo bồi dưỡng để trở thành giảng viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, tay nghề, công nghệ mới, chuyển đổi số dành cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng sự thay đổi và phát triển về công nghệ hiện đại cho tương lai.
Về chính sách tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, thuyên chuyển, biệt phái đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, đề nghị có cơ chế, chính sách ưu tiên nhà giáo giáo dục nghề nghiệp có tay nghề cao, thành tích xuất sắc để bổ nhiệm, biệt phái về các vị trí cao hơn. Có chính sách thu hút nhân tài, đặc biệt đối với người lao động có kinh nghiệm làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về công tác tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cần bảo đảm nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp. Giữ nguyên phụ cấp thâm niên nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, để đảm bảo thời gian cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp của nhà giáo được công nhận.
Ngoài ra, cần có quy định nội dung quản lý nhà nước về nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về nhà giáo giáo dục nghề nghiệp từ trung ương đến địa phương và thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước về nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Quy định về môi trường làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, các chế độ làm việc ở môi trường không an toàn (ngoài quy định về ngành nặng nhọc)...
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=88073