Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Đây là ý kiến được các đại biểu nhấn mạnh tại Hội thảo góp ý kiến vào các dự thảo quy định về quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tinh giản biên chế và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 24/3.
Ba dự thảo được lấy ý kiến gồm Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; Nghị định quy định về tinh giản biên chế; Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Đề xuất chính sách “mạnh tay” để sắp xếp đơn vị hành chính
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, ba nghị định nêu trên liên quan đến việc tạo điều kiện cho sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã tới đây. Do đó, việc triển khai các nội dung này phải đảm bảo đồng bộ để tránh những khó khăn, vướng mắc trong việc tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách, quy định cụ thể để thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; sắp xếp các tổ chức hành chính, các đơn vị sự nghiệp.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố là một nội dung đột phá, theo đó sẽ tăng thêm biên chế đối với cấp xã nên phải báo cáo Bộ Chính trị để bổ sung số biên chế này.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng lưu ý, chúng ta đang thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế theo chủ trương Nghị quyết 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời với việc thực hiện chính sách về việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã dôi dư khi sắp xếp ĐVHC. Do vậy, Nghị định quy định về tinh giản biên chế phải tích hợp một số nghị định liên quan đến chính sách tinh giản biên chế. Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đây là chính sách Trung ương ban hành, căn cứ vào điều kiện thực tế, địa phương có thể bổ sung thêm chính sách để thực hiện việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Về chế độ trợ cấp cho số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, dự thảo Nghị định đưa ra chính sách “khá mạnh tay” để có thể thực hiện được ngay việc sắp xếp. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách giải quyết cán bộ, công chức dôi dư, tinh giản biên chế cũng gắn với cơ cấu lại và hướng tới nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện.
Đổi mới sáng tạo phải thượng tôn pháp luật
Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại Hội thảo là dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đây là một nghị định rất khó, mang tính chính trị rất cao. “Trong bối cảnh chúng ta đang tích cực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, một bộ phận cán bộ có tư tưởng chần chừ, giữ an toàn, sợ sai. Vì vậy, cần có những cơ chế, chính sách để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, theo tinh thần và tư tưởng của Bác Hồ “những gì có lợi cho dân thì quyết tâm làm, những gì có hại cho dân thì phải ra sức tránh”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ.
Nhấn mạnh đổi mới sáng tạo phải từ cán bộ, công chức, viên chức chứ không phải chỉ đội ngũ lãnh đạo, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh Lê Minh Đạo tán thành với phương án đối tượng áp dụng trong dự thảo Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp Nhà nước.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh, khoản 2 Điều 2 và khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ các trường hợp đã có ý tưởng, cách làm mới, mạnh dạn đột phá đã tháo gỡ những vấn đề có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn. Nội dung này nếu thực hiện được rất thuận lợi trong việc giải quyết những khó khăn phát sinh tại địa phương. Tuy nhiên, ông Lê Minh Đạo cũng cho rằng, nếu quy định “mở” quá, một số nội dung có thể bị lạm dụng.
Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa Trần Quốc Huy cũng đề nghị, cần quy định rõ cán bộ đột phá, dám nghĩ, dám làm nhưng phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật. Theo ông Trần Quốc Huy, dự thảo quy định “không được trái với Hiến pháp và điều lệ Đảng” là chưa đủ, cần phải quy định “không được trái với Hiến pháp, các quy định của pháp luật”, thậm chí không được trái với đạo đức xã hội.