Cần có cơ chế giữ chân người tài để họ yên tâm công tác, dốc sức cống hiến vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước
Góp ý về Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) tại phiên thảo luận ở hội trường của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào ngày 7-5, đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến dự án luật này.

Đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Ảnh: CTV
Theo đó, về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, đại biểu nêu yếu tố đầu ra chưa được tính toán kỹ lưỡng. Đó là, khi đã thu hút được người tài năng vào cống hiến trong hệ thống chính trị rồi thì cần có cơ chế giữ chân người tài mới là quan trọng và bền vững, để họ yên tâm công tác, dốc sức cống hiến vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Bên cạnh đó, thu hút được người tài năng rồi nhưng quan trọng là làm sao để phát huy hơn nữa tài năng của họ trong hoạt động công vụ. Bởi lẽ, có tình huống người tài năng nhưng năng lực đó chỉ phù hợp với môi trường ngoài nhà nước. Khi tuyển dụng, bổ nhiệm vào làm trong cơ quan nhà nước thì họ không còn phát huy được tài năng nữa thì chế độ đãi ngộ đối với người tài cũng không nên là mãi mãi mà phải bảo đảm tương xứng với năng lực cống hiến, đóng góp.
Đại biểu cho rằng, tại dự thảo luật này nếu đặt ra vấn đề thu hút người tài thì cũng cần quy định mang tính nguyên tắc về việc dừng áp dụng chính sách đối với người có tài năng tại dự thảo luật. Đồng thời, cần có quy định chung thống nhất và cơ chế giám sát/hậu kiểm hiệu quả của chính sách này và cam kết của người có tài năng để bảo đảm người tài năng luôn phát huy được tố chất, năng lực đặc biệt của mình cống hiến cho cơ quan, tổ chức và đất nước.
Góp ý về hợp đồng thực hiện một số nhiệm vụ của công chức, đại biểu Lê Hoàng Hải phân tích, quy định cho phép cơ quan quản lý công chức ký hợp đồng có thời hạn với chuyên gia, nhà khoa học là bước đi linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh đổi mới công tác quản trị công. Cách làm này giúp Nhà nước tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chuyên môn phức tạp, đòi hỏi trình độ cao. Đồng thời đây cũng là tín hiệu tích cực trong việc mở rộng cơ chế trọng dụng nhân tài, khuyến khích cống hiến trong khu vực công.
Tuy nhiên, việc thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức chuyên môn, nghiệp vụ theo hợp đồng đòi hỏi phải quy định chặt chẽ về quyền, nghĩa vụ, cơ chế giám sát, đánh giá định kỳ để bảo đảm hiệu quả trong sử dụng nguồn lực. Đặc biệt, cần quy định việc bảo đảm an toàn thông tin và xử lý hành vi vi phạm liên quan đến bí mật nhà nước như với công chức chính thức. Bên cạnh đó, cần xác định rõ tiêu chí lựa chọn, phạm vi công việc được giao và thời hạn thực hiện, tránh nguy cơ lạm dụng hoặc làm mờ ranh giới giữa công chức và người lao động hợp đồng.

Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu. Ảnh: CTV
Về các hình thức kỷ luật đối với công chức, đại biểu góp ý, quy định công chức bị kết án về tội tham nhũng đương nhiên bị buộc thôi việc là cần thiết để bảo vệ kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, quy định “công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm” là không cần thiết, đúng ra là quy định thừa.
“Lý do là chỉ cần là công chức vi phạm, bị xử lý hình sự thì đương nhiên bị thôi việc rồi; bản chất đã là bị hạn chế quyền công dân, công việc còn không được tiếp tục làm, nói gì đến giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước. Nôm na là mắt xích đầu tiên đã tuột thì nói gì đến mắt xích tiếp theo là chức vụ nữa” - đại biểu Lê Hoàng Hải nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CTV
Ngoài dự án luật trên, cũng trong chiều 7-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Góp ý hoàn thiện dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), các ý kiến cho rằng, dự thảo luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và các nội dung đang được dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 2013, cụ thể hóa các yêu cầu, định hướng về thực hiện mô hình địa phương 2 cấp; sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đại biểu đồng tình với chủ trương chuyển phần lớn nhiệm vụ, quyền hạn cấp huyện về cấp xã; tăng thêm thẩm quyền, tổ chức, bộ máy cho cấp xã, nhất là các công việc nhằm giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân. Tuy nhiên, các quy định của dự thảo luật còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm của cấp tỉnh - cơ quan trực tiếp theo dõi, đánh giá khả năng thực hiện nhiệm vụ của cấp xã.
Về mô hình tổ chức HĐND, UBND các xã, một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định về mô hình tổ chức UBND linh hoạt đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, vùng miền và đúng với tinh thần tinh gọn bộ máy tổ chức. Tương tự, đối với mô hình của HĐND cấp xã, không nên quy định cứng trong luật, mà giao cho cơ quan có thẩm quyền quy định mô hình tổ chức, hoặc điều chỉnh lĩnh vực hoạt động của các ban của HĐND cấp xã.
Thanh Hải (ghi)