Cần có có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi số cho báo chí

Cần có có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi số cho báo chí, đặc biệt là cơ quan báo chí địa phương, vùng sâu vùng xa, tạp chí khoa học... Đồng thời cần có tư duy đổi mới, tạo không gian phát triển thực chất cho báo chí khoa học, đúng tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, PGS.TS Phạm Ngọc Linh phát biểu khai mạc Hội thảo

Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, PGS.TS Phạm Ngọc Linh phát biểu khai mạc Hội thảo

Ngày 23.4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, PGS. TS Phạm Ngọc Linh cho biết, Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016 đã tạo khung pháp lý cơ bản cho hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động hiệu quả.

Tuy nhiên, sau 8 năm, với bối cảnh và tình hình mới, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã tác động rất sâu rộng tới các hoạt động của báo chí, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh, sửa đổi Luật Báo chí cho phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn.

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) so với Luật Báo chí 2016 có một số điểm mới như: Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, bổ sung quy định để nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản, quy định chi tiết để phân biệt giữa báo và tạp chí, điều kiện cấp thẻ nhà báo…

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 cho phù hợp thực tiễn nhằm tạo hành tang pháp lý thuận lợi để báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập; bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những phát sinh trong thực tiễn là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay.

Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (VUSTA),TS. Lê Công Lương cho rằng, cần có có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi số cho tạp chí khoa học

Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (VUSTA),TS. Lê Công Lương cho rằng, cần có có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi số cho tạp chí khoa học

Theo Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh, hệ thống báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến tri thức, công bố kết quả nghiên cứu, kết nối nhà khoa học với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, việc lấy ý kiến của các cơ quan báo chí trong hệ thống về Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cho thấy trách nhiệm xây dựng chính sách, pháp luật cũng như thể hiện tiếng nói, đóng góp của các cơ quan báo chí trong hệ thống trong việc xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế (VUSTA), TS. Lê Công Lương cho rằng, Dự thảo luật thể hiện sự tiếp thu và cập nhật các xu hướng mới của hoạt động báo chí, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số, mạng xã hội và sự phát triển của báo chí đa phương tiện. Tuy nhiên, một số khái niệm còn chồng lấn, chưa rõ ràng giữa “sản phẩm báo chí” và “sản phẩm thông tin có tính chất báo chí”.

TS. Lê Công Lương đề nghị dự thảo luật có quy định cụ thể hơn cơ chế tài chính tự chủ, cơ chế đặt hàng công bằng để bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh trong môi trường báo chí hiện đại; có chương riêng về "Chuyển đổi số báo chí, trong đó quy định rõ lộ trình, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, cơ sở hạ tầng số cho cơ quan báo chí, đặc biệt là cơ quan báo chí địa phương, vùng sâu vùng xa...

Các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá cao Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), thể hiện sự tiếp thu và cập nhật các xu hướng mới của hoạt động báo chí, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số, mạng xã hội và sự phát triển của báo chí đa phương tiện

Các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá cao Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), thể hiện sự tiếp thu và cập nhật các xu hướng mới của hoạt động báo chí, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số, mạng xã hội và sự phát triển của báo chí đa phương tiện

Cũng theo TS. Lê Công Lương, hệ thống báo chí, xuất bản trong khối Liên hiệp Hội hiện có gần 70 tạp chí khoa học và chuyên ngành, hoạt động gắn với các hội thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc, đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến tri thức, công bố kết quả nghiên cứu, kết nối nhà khoa học với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, các tạp chí đang gặp khó khăn vì thiếu nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức; thiếu cơ chế chính sách rõ ràng về tự chủ tài chính, xã hội hóa hoạt động tạp chí...

Do đó cần có có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi số cho tạp chí khoa học như: Đưa nội dung hỗ trợ số hóa tạp chí vào chiến lược phát triển báo chí quốc gia; cấp mã định danh số quốc gia cho từng tạp chí (tương tự như mã định danh ISBN trong xuất bản); hỗ trợ hạ tầng số và công cụ quản lý biên tập, xuất bản điện tử.

Cũng liên quan đến chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, nhà báo Đặng Đình Chấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Việt Nam Hội nhập cho rằng, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng báo chí tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho rằng cần có tư duy đổi mới, tạo không gian phát triển thực chất cho báo chí khoa học, đúng tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

PHAN LÂM PHƯƠNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/bao-chi/can-co-co-co-che-ho-tro-chuyen-doi-so-cho-bao-chi-129250.html