'Cần có đột phá về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Lào thông qua kết nối hạ tầng'

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cần có đột phá về hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam - Lào, thông qua việc đẩy mạnh hợp tác công-tư để phát triển hạ tầng, kết nối hai nền kinh tế, nhất là tuyến đường bộ cao tốc, đường sắt, hàng không...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Trần Quốc Phương. Ảnh: Thành Duy

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Trần Quốc Phương. Ảnh: Thành Duy

Chiều 16/8 tại Cửa Lò, Nghệ An đã diễn ra Hội nghị giữa kỳ đánh giá triển khai Thỏa thuận kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2024 và rà soát, thúc đẩy Hiệp định hợp tác song phương hai nước giai đoạn 2021-2025.

Hội nghị là dịp để hai bên tiến hành rà soát, đánh giá giữa kỳ về tình hình triển khai thỏa thuận hợp tác Việt Nam-Lào năm 2024 và xác định các nội dung trọng tâm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong những tháng cuối năm 2024 và thảo luận về các nội dung quan trọng khác.

Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào 5,5 tỷ USD

Tại hội nghị, ông Phet Phomphiphak, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam đã trao đổi một số tình hình thế giới và trong nước của Lào mà hai bên cùng quan tâm, tình hình triển khai thực hiện thỏa thuận kế hoạch hợp tác năm 2024 và hiệp định về hợp tác song phương giai đoạn 2021-2025.

Riêng về lĩnh vực kinh tế, ông Phet Phomphiphak cho biết, từ năm 2021 đến nay, Lào đã cấp phép đầu tư mới cho doanh nghiệp Việt Nam triển khai một số dự án tại quốc gia này với tổng mức đầu tư 869,9 triệu USD.

Riêng 6 tháng đầu năm 2024, Lào đã cấp phép 6 dự án cho doanh nghiệp Việt Nam với tổng số vốn 339 triệu USD, trong đó có một dự án thuộc lĩnh vực khai thác mỏ, một dự án lĩnh vực điện lực và 4 dự án lĩnh vực y tế.

Tính đến nay, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào 256 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,5 tỷ USD, vốn thực hiện lũy kế đến nay đạt khoảng 2,8 tỷ USD.

"Nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng và chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sữa,...," Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cho biết.

Hợp tác thương mại giữa hai quốc gia cũng tiếp tục tăng, riêng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 927,8 triệu USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó Lào nhập khẩu từ Việt Nam 289,2 triệu USD và giá trị hàng hóa từ Lào xuất khẩu sang Việt Nam đạt 638,6 triệu USD. Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng bình quân thương mại hai nước đạt 17,7%.

Về hợp tác giao thông vận tải và xây dựng, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu khả thi và một số dự án đang trong quá trình khảo sát diện tích trên thực địa, như đường cao tốc nối Viêng Chăn - Hà Nội, tuyến đường sắt Viên Chăn - ThaKhek - Tân Ấp - Vũng Áng... Hai bên cũng tiếp tục đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận, nghị định thư thực hiện thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển cảng Vũng Áng 1, 2 và 3...

"Trong thời gian tới hai Bộ cần tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện, phối hợp chặt chẽ trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, xúc tiến và quản lý hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp tại mỗi nước, đồng thời làm đầu mối phối hợp thúc đẩy các doanh nghiệp đã có hợp đồng hoặc thỏa thuận liên doanh, triển khai theo đúng kế hoạch đề ra và giải quyết những vấn đề tồn tại của các dự án đầu tư đã được cấp phép," Bộ trưởng Phet Phomphiphak nêu.

Ông Phet Phomphiphak, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam. Ảnh: Thành Duy.

Ông Phet Phomphiphak, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam. Ảnh: Thành Duy.

Thúc đẩy hợp tác, kết nối kinh tế, nâng cao hiệu quả các lĩnh vực hợp tác

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Trần Quốc Phương cho biết mặc dù tình hình thế giới và khu vực tiếp tục biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, trong 6 tháng đầu năm 2024 các Bộ, ngành, địa phương của hai bên đã chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ, đạt hiệu quả thiết thực.

Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa hai nước 6 tháng đầu năm 2024 về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh ở mỗi nước, tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

"Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc gìn giữ, phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào, coi đó là tài sản vô giá, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của mỗi nước," Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.

Thứ trưởng Phương đề nghị, trong thời gian tới hai bên cần tiếp tục quán triệt nội dung, phối hợp, thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan phấn đấu hoàn thành tốt thỏa thuận về kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào năm 2024, theo đó:

Thứ nhất, tăng cường hợp tác về chính trị, ngoại giao, đưa quan hệ chính trị Việt Nam-Lào vào chiều sâu, giữ vai trò định hướng tổng thể quan hệ song phương hai nước, tập trung triển khai thực hiện tốt các Tuyên bố chung và Thỏa thuận cấp cao hai nước.

Thứ hai, tăng cường trụ cột hợp tác giữa hai nước về quốc phòng, an ninh, phối hợp chặt chẽ, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở mỗi nước, bảo đảm an ninh trên tuyến biên giới.

Thứ ba, thúc đẩy hợp tác, kết nối kinh tế, nâng cao hiệu quả các lĩnh vực hợp tác. Theo đó thời gian tới cần có đột phá về hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước, thông qua việc đẩy mạnh hợp tác công-tư để phát triển hạ tầng, kết nối hai nền kinh tế, nhất là tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, tuyến đường sắt Vũng Áng-Viêng Chăn để kết nối Lào ra biển, hợp tác hàng không, hạ tầng kết nối các cửa khẩu.

Cùng với đó, tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của hai nước, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong quan hệ giữa hai nước thời gian tới. Tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử....

Đối với hợp tác thương mại, Thứ trưởng Phương nhấn mạnh, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai nước theo các cam kết của hai nước đã ký kết tại Kỳ họp 46 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Lào như Biên bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào.

Việt Nam sẽ tiếp tục mua điện của Lào theo đúng Bản ghi nhớ đã ký. Để thúc đẩy hơn nữa về hợp tác năng lượng, cần xây dựng quy hoạch kết nối lưới điện giữa hai nước và kết nối lưới điện 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đề xuất.

Thứ tư, tiếp tục ưu tiên hợp tác giáo dục đào tạo; trong đó chú trọng đào tạo cán bộ cấp chiến lược, cán bộ trẻ có triển vọng; nâng cao chất lượng tuyển chọn sinh viên, giảng dạy và đào tạo các bậc học.

Thứ năm, tiếp tục triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn viện trợ của Việt Nam dành cho Lào. Nghiên cứu cách thức sử dụng nguồn vốn này với các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án lớn, trọng điểm, có tác động lớn hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của Lào.

Thứ sáu, thúc đẩy mạnh mẽ cơ chế hợp tác thông qua cơ chế Ủy ban hợp tác hai nước để phối hợp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy hiệu quả hợp tác kinh tế giữa hai nước.

KIỀU CHINH

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/can-co-dot-pha-ve-hop-tac-kinh-te-giua-viet-nam-lao-thong-qua-ket-noi-ha-tang-32496.html