Cần có lộ trình đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước uống có đường trong thời điểm này

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Một trong những nội dung được Bộ Tài chính đề xuất trong dự án Luật lần này là hạn chế sử dụng đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng...

Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5 g đường tự do mỗi ngày.

Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5 g đường tự do mỗi ngày.

Cải thiện sức khỏe của người dân, giảm gánh nặng an sinh xã hội

Đồ uống có đường là loại nước giải khát được nhiều người Việt Nam yêu thích. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng năng lượng nạp vào cơ thể, tăng cân và béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu khác đến sức khỏe con người.

Liên quan đến Bộ Tài chính đề xuất bổ sung mặt hàng đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế nêu tại dự thảo Luật dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi, được cho là đi theo xu hướng của thế giới. Rõ ràng, Bộ Tài chính đã dựa trên những lý do rất cụ thể để đi đến đề xuất này là hướng tới sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam là chính, sau đó là điều tiết ở mức hợp lý nhằm định hướng sản xuất và tiêu dùng sản phẩm đó thông qua chính sách thuế.

Chúng ta có thể thấy, đa phần các sản phẩm đồ uống có đường với quy mô công nghiệp, thường có sử dụng ít nhiều các hương liệu, chất tạo màu, mùi, vị để kích thích khẩu vị người tiêu dùng, xét về tính bền vững lâu dài thì không tốt cho sức khỏe con người. Trong khi đó, người kinh doanh những mặt hàng này lại mang về doanh thu và lợi nhuận khá lớn, nên việc đóng góp một phần vào nguồn thu của Nhà nước thông qua thuế TTĐB để góp phần cải thiện các vấn đề an sinh xã hội nói chung cũng là hợp lý.

Một số quan điểm của các Hiệp hội ngành nghề cho rằng, khi áp thuế, nhất là mức thuế cao thì doanh nghiệp sẽ không thể kịp thời phục hồi, đồng thời kéo theo các ngành nghề khác liên quan đi xuống, kéo theo tình trạng thất thu các khoản thuế khác. Tuy nhiên, xét về chiến lược dài hơi thì việc áp thuế là điều cần thiết vì đổi lại với những quan điểm đó, là góp phần cải thiện dần sức khỏe của người dân, giảm gánh nặng an sinh xã hội.

Áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường sẽ mang lại hiệu quả

Có thể thấy, hiện tại đã có khoảng 85 quốc gia đã áp dụng việc đánh thuế đối với các sản phẩm đồ uống có đường này rồi. Hiển nhiên Việt Nam có thể áp dụng được và nên tận dụng theo các bài học kinh nghiệm của các nước đã đi trước trên thế giới.

Khi Bộ Tài chính đưa ra đề xuất, rất nhiều ý kiến trái chiều cũng đã được các doanh nghiệp cũng như các Hiệp hội ngành hàng đưa ra. Họ cho rằng dự thảo này chưa đi vào thực tế, chưa cụ thể… ví dụ như sản phẩm sữa là đồ uống và cũng có đường, nhưng lại tốt cho sức khỏe… Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề xuất dự thảo này là có những căn cứ, mục tiêu cụ thể, đồng thời trên thế giới cũng đã có nhiều quốc gia áp dụng tương tự, nên vấn đề này chúng ta có thể áp dụng thành công ở Việt Nam nếu có những bước đi cẩn trọng.

Để áp dụng thành công, trong khoảng thời gian ban đầu này, Bộ Tài chính có thể lựa chọn thí điểm một vài sản phẩm cụ thể, sau đó có thể nhân rộng mô hình đối với các sản phẩm còn lại.

Đồng thời, dự thảo cũng cần phải đưa ra được những khái niệm và quy định cụ thể để quá trình triển khai luật được thông suốt, hạn chế tối đa tình trạng DN không biết sản phẩm của mình có thuộc diện chịu thuế TTĐB hay không.

Cần có lộ trình để áp dụng thuế để giúp DN thay đổi tư duy

Các sản phẩm đồ uống có đường với quy mô công nghiệp là loại sản phẩm có lợi nhuận khá lớn, tuy vậy việc đánh thuế bao nhiêu thì buộc các nhà làm luật phải cân nhắc cẩn trọng.

Ở đây, chúng ta có thể thấy đối với các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam có những trường hợp nhà nước chưa thu thuế là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, không thể nhìn vào các doanh nghiệp FDI để áp thuế đồng bộ đối với các doanh nghiệp trong nước.

Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế vừa bị cú sốc lớn từ dịch bệnh và chưa thực sự phục hồi, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nếu chúng ta áp thuế cao vào giai đoạn này, các doanh nghiệp sẽ cần nhiều thời gian hơn để ổn định, từ đó dẫn đến nền kinh tế sẽ trì trệ dài hơn.

Việc áp thuế cần có lộ trình cụ thể và có hai cách thức cho việc này. Một là theo giá trị tuyệt đối, trong đó thời gian ban đầu có thể áp dụng với mức 10% và thời gian sau khi kinh tế ổn định có thể tăng dần lên mức là 20%.

Thêm vào đó, thực hiện theo giá trị tương đối bằng cách dựa trên lượng đường chứa trong từng loại sản phẩm (tương tự như nồng độ cồn trong sản phẩm rượu) để áp thuế từ 10% - 20% như khuyến cáo. Hoặc là kết hợp cả hai.

Việc linh hoạt áp dụng thuế TTĐB với các sản phẩm có lộ trình sẽ góp phần giúp thay đổi tư duy của doanh nghiệp, dần chuyển dịch theo hướng sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới có lợi cho sức khỏe, thân thiện với môi trường và mang tính bền vững hơn.

Việc áp thuế là điều cần thiết như đã nói ở trên, nhưng Nhà nước cũng cần phải rất cân nhắc đến mức độ tác động đến nền kinh tế. Chính vì vậy, việc áp thuế theo dự thảo cần có lộ trình phù hợp, căn cứ, tình hình cụ thể của từng giai đoạn. Trong đó, cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, dự thảo Luật Thuế TTĐB cần đưa ra những khái niệm và quy định cụ thể để quá trình triển khai luật được thông suốt, hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp không biết sản phẩm của mình có thuộc diện chịu thuế TTĐB hay không.

Thứ hai, Nhà nước cần chọn ra các sản phẩm cụ thể để thí điểm với mức áp thuế từ thấp đến cao theo hướng điều tiết. Và lựa chọn cách thức áp thuế phù hợp như theo giá trị tuyệt đối hay tương đối hoặc kết hợp như đã nói trên.

Thứ ba, có thể cân nhắc việc nguồn ngân sách thu được phục vụ cho các vấn đề về y tế và an sinh xã hội. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu của Bộ Tài chính đưa ra là góp phần nhằm nâng cao sức khỏe của người dân. Các cơ quan chức năng cần phân tích, đánh giá cụ thể sức khỏe nền kinh tế hiện nay và trong ngắn hạn, trung hạn tương lai để có phương án đưa ra lộ trình. Ngoài ra, các cơ quan có chức năng kiểm tra nên phối hợp nhau để đưa ra nhận định về mức độ tác động của đồ uống có đường được sản xuất với quy mô công nghiệp đối với sức khỏe.

Huỳnh Thị Mỹ Nương

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/can-co-lo-trinh-danh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-nuoc-uong-co-duong-trong-thoi-diem-nay.html?source=cat-57