Cần có lộ trình mở rộng phạm vi giao dịch được công chứng điện tử

Qua thảo luận tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các ý kiến của cơ quan thẩm tra và các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ quan tâm nhiều nội dung mới trong dự án Luật Công chứng (sửa đổi), nhiều ý kiến tán thành dự thảo luật không giới hạn phạm vi công chứng điện tử nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện cụ thể phù hợp lộ trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.

Thực hiện thủ tục công chứng cho người dân tại một phòng công chứng ở Hà Nội. (Ảnh: NGUYỄN GIA)

Thực hiện thủ tục công chứng cho người dân tại một phòng công chứng ở Hà Nội. (Ảnh: NGUYỄN GIA)

Theo đánh giá của các cơ quan soạn thảo và qua báo cáo thẩm tra, việc xây dựng luật nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng.

Ban soạn thảo và các chuyên gia pháp luật nhận định, việc bổ sung quy định về công chứng điện tử trong dự thảo luật nhằm đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động công chứng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế; bảo đảm đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023...

Việc sửa đổi luật về lĩnh vực này giúp khắc phục hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về công chứng...

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, so với Luật Công chứng năm 2014, dự thảo luật được sửa đổi, bổ sung xác định công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch dân sự bằng văn bản; việc chứng nhận bản dịch không còn thuộc phạm vi công chứng mà là hoạt động chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực. Trong trường hợp công chứng viên chỉ thực hiện việc chứng thực thì không được xem là hành nghề công chứng.

Ban soạn thảo và các chuyên gia pháp luật nhận định, việc bổ sung quy định về công chứng điện tử trong dự thảo luật nhằm đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động công chứng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế; bảo đảm đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023...

Dự thảo luật đã bổ sung bốn điều mới để quy định về công chứng điện tử là việc công chứng được thực hiện bằng phương tiện điện tử để tạo lập văn bản công chứng điện tử phải bảo đảm các nguyên tắc cụ thể, đáp ứng các điều kiện cụ thể. Quy định về khái niệm, thời điểm có hiệu lực, giá trị của văn bản công chứng điện tử và việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản công chứng điện tử và văn bản công chứng giấy...

Quy định về quy trình công chứng điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng, là cơ sở để Chính phủ quy định các vấn đề cụ thể về công chứng điện tử và triển khai thực hiện quá trình chuyển đổi số hoạt động công chứng trên thực tế.

Lần sửa đổi này, trong dự thảo luật đã bổ sung quy định về một số hành vi bị nghiêm cấm đối với công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, góp phần phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, tăng cường trách nhiệm, ý thức của cá nhân, tổ chức có liên quan việc công chứng.

Qua thảo luận tại các diễn đàn kỳ họp Quốc hội, các đại biểu bày tỏ quan tâm nội dung dự thảo luật bắt buộc nếu công chứng viên hơn 70 tuổi phải ngừng hành nghề, phải chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên hợp danh góp vốn còn lại. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, Ban soạn thảo cần cân nhắc, đánh giá kỹ, vì điều này có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội, hạn chế quyền tự do hành nghề của công chứng viên.

Thực tiễn cho thấy, phần lớn công chứng viên thuộc lứa tuổi này là những lớp công chứng viên thuộc thế hệ đầu tiên hành nghề công chứng, có bề dày về thành tích, công lao, kinh nghiệm nghề... Mặt khác, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, vừa đạt yêu cầu về điều kiện, chất lượng hành nghề của công chứng viên, cần có quy định khi hành nghề, công chứng viên từ đủ 70 tuổi trở lên phải giám định sức khỏe sáu tháng/lần gửi Sở Tư pháp nơi hành nghề...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thẩm tra dự án luật, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng. Về công chứng điện tử, dự thảo luật quy định công chứng điện tử thực hiện theo phương thức công chứng điện tử trực tiếp và công chứng điện tử trực tuyến.

Ủy ban Pháp luật cho rằng, công chứng điện tử là sự thay đổi về phương thức thực hiện công chứng, không được làm thay đổi bản chất và đặc điểm của mô hình công chứng Việt Nam là công chứng nội dung, hoạt động công chứng phải bảo đảm chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.

Để thực hiện chính sách này, Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý xác định rõ khái niệm, nội hàm của công chứng điện tử để thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật; hơn nữa, đề xuất giải pháp khắc phục các hạn chế mà công nghệ chưa thể thực hiện thay con người để có cơ sở thực hiện theo lộ trình.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay, khi áp dụng công chứng điện tử theo phương thức công chứng điện tử trực tuyến, vẫn có một số yếu tố cốt lõi của công chứng nội dung mà công nghệ chưa thể bảo đảm thay thế hoàn toàn vai trò của con người, do đó, việc thực hiện công chứng điện tử cần tiến hành thận trọng.

Trước mắt, dự thảo luật cần quy định rõ chỉ áp dụng công chứng điện tử ở phạm vi hẹp với một số giao dịch đơn giản, không áp dụng đối với các giao dịch về bất động sản, thừa kế... bảo đảm nguyên tắc những vấn đề “cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao” thì mới xây dựng, ban hành luật.

Thời gian tới, cơ quan thẩm tra và nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ căn cứ điều kiện kinh tế-xã hội xác định lộ trình mở rộng phạm vi giao dịch được công chứng điện tử, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Thực tế ở vùng sâu, vùng xa, những nơi mức độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, có thể cho phép thành lập loại hình Văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ là phù hợp. Điều đó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở đây sớm được tiếp cận dịch vụ công chứng mà không cần thiết phải đi xa để thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận)

Dự thảo luật bổ sung quy định về độ tuổi bổ nhiệm, hành nghề của công chứng viên không quá 70 tuổi. Cần cân nhắc việc giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên, như vậy không được công bằng với hệ thống pháp luật về độ tuổi hành nghề của các chức danh tư pháp khác như luật sư, thừa phát lại, quản tài viên, đấu giá viên...

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An)

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/can-co-lo-trinh-mo-rong-pham-vi-giao-dich-duoc-cong-chung-dien-tu-5015430.html