Cần có những chính sách đãi ngộ đội ngũ cô đỡ thôn bản

Cô đỡ thôn bản được ví như cánh tay nối dài của ngành Y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Thế nhưng, việc bố trí kinh phí cho hoạt động của cô đỡ thôn bản tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Ảnh: TTXVN

Trước đó, Thông tư số 07/2013/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 8/3/2013, "cô đỡ thôn bản" chính thức được công nhận là một chức danh trong hệ thống y tế Việt Nam. Dù vậy, việc bố trí kinh phí cho hoạt động của cô đỡ thôn bản tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để duy trì, củng cố và phát triển đội ngũ cô đỡ thôn bản, song việc thực thi các chính sách còn có sự khác nhau giữa các địa phương, dẫn tới việc duy trì hoạt động của đội ngũ cô đỡ gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ cho cô đỡ thôn bản hoạt động.

Theo báo cáo của các địa phương trên cả nước, tính đến 31/1/2023 đã có 1.528 cô đỡ thôn bản được đào tạo đã ngừng hoạt động do không có kinh phí. Hiện tại, số cô đỡ thôn bản được hưởng phụ cấp đã giảm xuống chỉ còn 911 người, trong đó có 732 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên Y tế thôn bản.

Cô đỡ thôn bản Lò Thị Luấn, bản Mật Sàng, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, cho biết, giao thông ở khu vực rất khó khăn, bản xa nhất cách trạm y tế xã 18km, phải đi bộ nhiều giờ đồng hồ mới đến nơi. Khó khăn là thế nhưng cô đỡ thôn bản không có phụ cấp. Từ năm 2020 đến nay, phụ cấp y tế thôn bản bị cắt hoàn toàn, tiền đi lại, xăng xe không có, ảnh hưởng lớn đến triển khai công việc hàng ngày.

Cô đỡ thôn bản Lò Thị Luấn tại buổi gặp mặt với Bộ trưởng Bộ Y tế vào tháng 3/2023

Cô đỡ thôn bản Lò Thị Luấn tại buổi gặp mặt với Bộ trưởng Bộ Y tế vào tháng 3/2023

"Có những khi chồng không đồng ý cho đi làm vì con nhỏ, nhiều người gọi đi đỡ đẻ lúc đêm khuya. Nhưng vì thương bà con trong bản nên em thuyết phục chồng tiếp tục cho đi làm. Chúng em đề nghị có phụ cấp hàng tháng mang tính bền vững để yên tâm thực hiện các hoạt động của cô đỡ thôn bản. Hàng năm được tập huấn học tập kinh nghiệm để thực hiện công việc tốt hơn", cô Lò Thị Luấn nói.

Bà Lý Thị Đảm - Phó Trưởng Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang - chia sẻ, Hà Giang là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống. Tại đây, mỗi cô đỡ thôn bản chỉ được hỗ trợ trung bình mỗi người khoảng 700.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, nhiều lần công việc này bị gián đoạn vì thiếu phụ cấp, họ phải làm thêm các công việc khác để có thu nhập.

Theo bà Đảm, việc các cô đỡ thôn bản ngừng hoạt động vì khó khăn kinh tế là sự lãng phí vô cùng lớn đối với nguồn nhân lực này ở vùng đồng bào DTTS. Bởi họ đã được đào tạo bài bản và lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc, nhằm phục vụ nguồn bệnh nhân tại chỗ, ở những nơi mà hệ thống y tế chưa phát triển.

Thêm động lực cho Cô đỡ thôn bản

Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được triển khai với 10 dự án thành phần, trong đó có nội dung chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn bản (thuộc Dự án 7).

Theo đó, chính sách hỗ trợ nhân viên y tế, cô đỡ thôn bản đỡ đẻ tại nhà cho bà mẹ không đến đẻ tại cơ sở y tế: 200.000 đồng/ca; chăm sóc sau sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh: 100.000 đồng/lần. Đây sẽ là động lực mới cho đội ngũ cô đỡ thôn bản phát huy hết vai trò của mình để chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng DTTS và miền núi.

Cô đỡ thôn bản được ví như cánh tay nối dài của ngành Y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số

Cô đỡ thôn bản được ví như cánh tay nối dài của ngành Y tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số

Phát biểu tại Hội nghị Vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn bản, được Bộ Y tế tổ chức hồi tháng 3/2023, ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - đề nghị, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở các cấp vùng DTTS và miền núi cần xác định rõ vai trò, vị trí của cô đỡ thôn bản; quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là thực hiện kịp thời, linh hoạt, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cô đỡ thôn bản... nhằm phát huy vai trò của đội ngũ cô đỡ thôn bản, xứng đáng là cánh tay nối dài của ngành Y tế trong việc thực hiên sứ mệnh chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi.

Tại buổi gặp mặt Cô đỡ thôn, bản tiêu biểu tháng 3/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng đề nghị ngành Y tế các cấp phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, tổ chức liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng và thực thi đầy đủ các chính sách đãi ngộ đối với cô đỡ thôn, bản, nhằm hỗ trợ, động viên cho đội ngũ cô đỡ thôn, bản yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Lãnh đạo Bộ Y tế chụp ảnh lưu niệm với các cô đỡ thôn bản

Lãnh đạo Bộ Y tế chụp ảnh lưu niệm với các cô đỡ thôn bản

Thục Nhi

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/can-co-nhung-chinh-sach-dai-ngo-doi-ngu-co-do-thon-ban-20230430193156559.htm