Cần có tầm nhìn xa và tăng cường dự báo để công tác đào tạo đáp ứng kịp thời hoạt động kiểm toán

Phát triển nguồn nhân lực là một trong ba trụ cột chiến lược của Kiểm toán nhà nước (KTNN), trong đó nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) là giải pháp có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển của Ngành.

Quang cảnh Tọa đàm “Đổi mới công tác ĐTBD của KTNN nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược đến năm 2030”. Ảnh: Nguyễn Ly

Quang cảnh Tọa đàm “Đổi mới công tác ĐTBD của KTNN nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược đến năm 2030”. Ảnh: Nguyễn Ly

Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) ban hành kèm theo Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 ngày 16/9/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định mục tiêu tổng quát phát triển KTNN, trong đó có nội dung: “Phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Đây không chỉ là mục tiêu mà còn là nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Theo đó, đội ngũ công chức, KTVNN cần được phát triển đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý về chuyên môn và ngạch bậc; có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, tương xứng với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) luôn gắn kết chặt chẽ với quá trình xây dựng và phát triển của KTNN, góp phần quan trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ.

Theo TS, Nguyễn Hữu Hiểu, sự phát triển của đất nước và của KTNN đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công chức, viên chức, KTVNN. Ảnh: Nguyễn Ly

Theo TS, Nguyễn Hữu Hiểu, sự phát triển của đất nước và của KTNN đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công chức, viên chức, KTVNN. Ảnh: Nguyễn Ly

Đào tạo, bồi dưỡng bám sát thực tiễn hoạt động kiểm toán

Thông tin tại Tọa đàm “Đổi mới công tác ĐTBD của KTNN nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược đến năm 2030”, TS, Nguyễn Hữu Hiểu - Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - cho biết: Thời gian qua, công tác ĐTBD nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp trở thành nhiệm vụ và được thực hiện thường xuyên; không ngừng đổi mới cả về nội dung và hình thức, đào tạo theo hướng gắn với thực tiễn và sẵn sàng thích nghi với môi trường công nghệ kiểm toán hiện đại theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Theo thống kê của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, từ năm 2010 đến nay, KTNN đã giao Trường chủ trì tổ chức các lớp ĐTBD chuyên môn kiểm toán theo chương trình ngạch, bậc cho hàng nghìn lượt công chức, viên chức và bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ kiểm toán và kiến thức khác cho hơn 24.000 lượt học viên. Cụ thể: Ngạch KTV có 58 lớp với 3.750 lượt học viên; Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng tổ chức 20 lớp cho 870 lượt học viên; Bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng kiểm toán có 361 lớp với 24.522 lượt học viên; Tin học 48 lớp 1.382 lượt học viên.

ThS, Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán nhấn mạnh việc triển khai công tác ĐTBD phải linh hoạt, thường xuyên đổi mới. Ảnh: Nguyễn Ly

ThS, Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán nhấn mạnh việc triển khai công tác ĐTBD phải linh hoạt, thường xuyên đổi mới. Ảnh: Nguyễn Ly

Thực hiện theo mục tiêu của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN đổi mới theo hướng đào tạo theo vị trí việc làm. Không chỉ có các lớp về kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, KTNN còn quan tâm tổ chức các lớp bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp kiểm toán, phòng, chống tham nhũng, cập nhật kiến thức vĩ mô, pháp luật. KTNN đã đẩy mạnh bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng và đội ngũ quy hoạch các cấp, đặc biệt là nâng cao kỹ năng diễn thuyết, phát biểu, chủ trì cuộc họp, từ đó tạo nguồn cán bộ có chất lượng đảm nhiệm các nhiệm vụ được giao.

Đội ngũ giảng viên được phát triển về số lượng và liên tục bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng sư phạm. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng được xây dựng có tính hệ thống, khoa học, hiện đại và thường xuyên được rà soát, hoàn thiện. Công tác xây dựng kế hoạch ĐTBD, tổ chức quản lý lớp học, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo… được quan tâm và không ngừng nâng cao chất lượng.

ThS, Hà Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cho rằng, việc đổi mới công tác đào tạo cần lưu ý đến việc phù hợp với các đơn vị và toàn Ngành theo lộ trình cụ thể. Ảnh: Nguyễn Ly

ThS, Hà Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cho rằng, việc đổi mới công tác đào tạo cần lưu ý đến việc phù hợp với các đơn vị và toàn Ngành theo lộ trình cụ thể. Ảnh: Nguyễn Ly

Tuy vậy, công tác ĐTBD của KTNN còn một số hạn chế. TS, Nguyễn Hữu Hiểu đánh giá, hệ thống chương trình, tài liệu bồi dưỡng tuy nhiều, nhưng kết cấu chưa thật sự logic; chưa có tính tiên phong trong phát triển chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán. Nội dung bồi dưỡng chưa theo kịp những phương pháp, kỹ năng kiểm toán mới. Việc ứng dụng công nghệ trong tổ chức ĐTBD chưa hiệu quả, chưa định hình rõ nét triết lý và văn hóa học tập của KTNN.

Trong khi đó, sự phát triển của đất nước và của KTNN đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công chức, viên chức, KTVNN. Đội ngũ KTVNN cần được xây dựng tinh gọn, đủ về số lượng; được trang bị kiến thức chuyên môn; có khả năng phân tích, tổng hợp và đánh giá chính sách kinh tế vĩ mô, tương xứng với yêu cầu của nghề nghiệp kiểm toán, chuẩn mực quốc tế; có kỹ năng vận dụng hiệu quả công nghệ kiểm toán…

Gắn với quá trình triển khai hoạt động nghề nghiệp, KTVNN còn cần được trang bị những kiến thức, biện pháp để xây dựng và duy trì đạo đức nghề nghiệp trong sáng của công chức làm việc trong cơ quan thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Nghiên cứu và dự báo về các yếu tố tác động đến công tác đào tạo, bồi dưỡng

ThS, Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán nhấn mạnh, thực tế cho thấy, yêu cầu hiện nay của KTNN đã cao hơn và vượt xa so với các kế hoạch, chiến lược đã đề ra trước đây. Do đó, việc triển khai công tác ĐTBD cũng phải linh hoạt, thường xuyên đổi mới, bám sát thực tiễn của Ngành, vừa đáp ứng yêu cầu nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, vừa đáp ứng nhiệm vụ của KTNN là phục vụ hoạt động điều hành, giám sát của Quốc hội và các cơ quan dân cử.

Hơn nữa, việc tự học, tự đào tạo của từng đơn vị, KTV cũng rất quan trọng. Để có thể nâng cao chất lượng ĐTBD của toàn Ngành cũng như của các đơn vị trực thuộc, cần có sự đầu tư và kế hoạch triển khai cụ thể về số lượng, nội dung đào tạo, giảng viên, công nghệ, tài liệu, thời gian… Đồng thời, chúng ta phải nghiên cứu và có tầm nhìn xa hơn, tăng cường dự báo về các yếu tố tác động đến công tác ĐTBD của KTNN như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, kiểm toán từ xa…

Đồng quan điểm trên, ThS, Hà Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cho rằng, hoạt động ĐTBD được thực hiện thường xuyên, liên tục trên phạm vi toàn Ngành, trong đó Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán là một trong các đơn vị được KTNN giao chủ trì ĐTBD. Các đơn vị trực thuộc KTNN như các KTNN chuyên ngành, khu vực, đơn vị tham mưu đều có kế hoạch và triển khai công tác đào tạo bồi dưỡng riêng. Do đó, việc đổi mới công tác đào tạo để đáp ứng mục tiêu chiến lược đến năm 2030 cần lưu ý đến việc phù hợp với các đơn vị và toàn Ngành theo lộ trình cụ thể.

TS, Trần Đức Lâm - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ lưu ý về việc đào tạo theo từng giai đoạn, phù hợp với thực tiễn. Ảnh: Nguyễn Ly

TS, Trần Đức Lâm - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ lưu ý về việc đào tạo theo từng giai đoạn, phù hợp với thực tiễn. Ảnh: Nguyễn Ly

Liên quan đến tài liệu ĐTBD, KTNN cần nghiên cứu đến việc xây dựng các chương trình, tài liệu theo từng nội dung triển khai kiểm toán, ngạch, bậc và theo giai đoạn cụ thể. Bên cạnh đó, khi đào tạo các ngạch KTV, cần chú trọng đến việc càng lên cao càng phải đào tạo nhiều và mở rộng nội dung đào tạo không chỉ về chuyên môn mà bao gồm cả về quản lý, điều hành, công nghệ…

Về cơ sở vật chất, cần có những phân tích, đánh giá cụ thể để xác định được những cơ sở vật chất còn thiếu, cần bổ sung, đặc biệt là trang thiết bị công nghệ để phục vụ cho hoạt động ĐTBD tương ứng với từng giai đoạn, từng nội dung đào tạo.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia đều thống nhất, công tác ĐTBD tác động trực tiếp đến chất lượng hoạt động của KTNN. Do đó, việc xác định các yếu tố tác động đến ĐTBD là cần thiết, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn và khả thi. Kế hoạch ĐTBD của KTNN đã được xây dựng và triển khai thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể, trong đó giai đoạn 2021-2025 đã gần hoàn thành. Vì vậy, cần nghiên cứu, đánh giá, phân tích thực trạng ĐTBD của KTNN trong thời gian qua, từ đó có cơ sở đề xuất các giải pháp khả thi, triển khai kế hoạch giai đoạn 2025-2030 phù hợp và hiệu quả.

Theo TS, Nguyễn Hữu Hiểu, kinh nghiệm của các Cơ quan kiểm toán trên thế giới cho thấy, một trong những cách hiệu quả nhất để các Cơ quan kiểm toán tăng cường năng lực đó là phát triển đội ngũ KTV chuyên nghiệp thông qua ĐTBD. Đặc biệt, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, KTNN cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ĐTBD để triển khai linh hoạt, đa dạng các hình thức đào tạo nhằm phát huy công nghệ, xu hướng học tập trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi và thu hút tối đa số lượng học viên.

Bên cạnh đó, để phát triển và trau dồi kỹ năng của KTV, KTNN cần xây dựng lộ trình học tập và phát triển chuyên môn liên tục với cấu trúc hợp lý trong nhiều năm, bao gồm các khóa học chính quy, kinh nghiệm làm việc đa dạng, cập nhật kỹ thuật và tự học/trau dồi. Nội dung ĐTBD gắn với ưu tiên phát triển của Ngành, thực tiễn thực hiện nhiệm vụ được giao với các bài tập tương tác, nghiên cứu tình huống thực tế..., bảo đảm các KTV có đủ năng lực trước khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

Để đảm bảo việc học và trau dồi liên tục, có thể quy định một số hoạt động học tập và phát triển là bắt buộc đối với KTV. Cụ thể như: Để KTV cập nhật các chuẩn mực của ISSAI, có thể yêu cầu KTV phải tham gia đào tạo cập nhật kỹ thuật kiểm toán/tham dự hội thảo... trong khoảng thời gian trước khi chu kỳ kiểm toán mới bắt đầu hoặc quy định số giờ tối thiểu mà KTV cần cập nhật chuyên môn thông qua tham gia các khóa đào tạo/hội thảo - TS, Nguyễn Hữu Hiểu kiến nghị.

Cùng với đó, KTNN cần chú trọng hoàn thiện các yếu tố thuộc hoạt
động ĐTBD như: giảng viên, cơ sở vật chất... để nâng cao chất lượng ĐTBD. Tăng cường chuẩn hóa năng lực KTVNN thông qua chứng chỉ chuyên môn về KTNN được công nhận rộng rãi, tổ chức đào tạo và thi lấy chứng chỉ đối với KTVNN cũng như bộ máy kiểm toán/giám sát nội bộ của các cơ quan nhà nước. KTNN khuyến khích KTV theo học các chứng chỉ kế toán/kiểm toán trong khu vực công quốc tế được công nhận.

Chiều 24/7, Ban chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng của KTNN nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược đến năm 2030”, do TS. Nguyễn Hữu Hiểu (Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán) và TS. Phạm Ngọc Anh (Văn phòng KTNN) đồng chủ nhiệm đã tổ chức Tọa đàm khoa học nhằm thảo luận, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài Ngành.

Tham dự Tọa đàm có: ThS, Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán; ThS, Hà Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán; TS, Trần Đức Lâm - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; đại diện lãnh đạo các phòng ban thuộc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và các thành viên trong ban Đề tài.

THÙY LÊ

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/can-co-tam-nhin-xa-va-tang-cuong-du-bao-de-cong-tac-dao-tao-dap-ung-kip-thoi-hoat-dong-kiem-toan-33242.html