Cần có tiêu chuẩn, quy trình quản lý tài nguyên nước

Sáng 14-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ Tài nguyên nước (sửa đổi). Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị có tiêu chuẩn, quy trình quản lý tài nguyên nước. Nội dung này được tiến hành dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Thiếu biện pháp hậu kiểm

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng theo quy định trong dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) thì chủ yếu quản lý bằng giấy phép. Giấy phép cũng quan trọng, nhưng chỉ là tiền kiểm. Dự án luật cần bổ sung những quy định mang tính hậu kiểm, đó là tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình để các đối tượng tự giác tổ chức thực hiện.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

“Nước bao la bể sở như thế này, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngành tài nguyên, Chính phủ, từ Trung ương đến địa phương có ngồi trông coi được hết đâu? Phải bằng một quy chuẩn, tiêu chuẩn để cho tất cả người dân tham gia vào vấn đề quản lý, khai thác, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Cũng liên quan tới nội dung đăng ký cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu ý kiến, không nên chỉ tập trung quản lý nguồn nước mặt, mà cũng cần cân nhắc quy định về quản lý nước ngầm. Hiện nay, nước ngầm được các hộ gia đình khai thác rất bừa bãi, dẫn tới hiện tượng thẩm thấu, làm cho các tầng nước ngầm “lẫn lộn vào nhau”, đồng thời cũng gây ra hiện tượng sụt lún đất rất nguy hiểm.

Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả gắn với tuần hoàn nước

Liên quan tới quy định về sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị bổ sung cụm từ “tuần hoàn nước” thành quy định “sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và tuần hoàn nước”.

 Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu.

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, có những trường hợp nếu yêu cầu bảo đảm tuần hoàn nước thì không bảo đảm hiệu quả của nhà đầu tư. Do vậy, nếu không quy định vào luật thì nhà đầu tư sẽ không thực hiện và khi đánh giá tác động cũng bỏ qua nội dung sử dụng nước tuần hoàn.

Tuy nhiên, sử dụng nước tuần hoàn lại bảo đảm hiệu quả tổng thể về kinh tế-xã hội. Ví dụ được nêu ra là tại Nhà máy xử lý nước Yên Xá, toàn bộ nước thải sau khi xử lý xong đều đổ hết ra sông, ra biển, không quay trở lại để bổ cập cho sông Tô Lịch, không quay trở lại phục vụ nước tưới cho nông nghiệp. Trong khi đó, tại Israel, việc sử dụng nước tuần hoàn rất được chú trọng. Không chỉ tận dụng nước thải sau xử lý, Israel còn tận dụng bùn thải sau xử lý để phục vụ trồng rừng, phát triển rừng.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu quan điểm, việc bê tông hóa bề mặt đang diễn ra nhanh chóng và phổ biến. Hiện trạng này đã tác động trực tiếp vào chu trình nước, ảnh hưởng đến chu trình sinh địa hóa, tái tạo lại nước trong hệ sinh thái. Nên chăng dự án luật cần bổ sung quy định hoặc giao Chính phủ nghiên cứu quy định cụ thể về việc các cơ sở hạ tầng nào bắt buộc phải có các bể thu, hồ chứa nước mưa nhằm gom toàn bộ hoặc một phần thể tích nước trong một cơn mưa trung bình điển hình; bên cạnh đó cần có nghiên cứu nhằm hướng đến việc giảm tỷ lệ bê tông hóa, giảm phát thải khí nhà kính trong tương lai.

 Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Quy định loại trừ trách nhiệm của cấp tỉnh

Về vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm, quy định như dự án luật là loại trừ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong khi dồn hết trách nhiệm xuống cấp xã.

“Với điều kiện nhân lực và nguồn lực như hiện nay thì có bảo đảm tính khả thi hay không. Nếu dồn trách nhiệm về cho cấp xã như thế này thì trong các quy định về bảo đảm để thực hiện khả thi quy định này như thế nào thì các đồng chí phải xem xét lại”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, dự án luật quy định “Bộ Quốc phòng trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện xây dựng, tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, sự cố mất an toàn đập, hồ chứa nước, ứng phó với sự cố, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn liên quan đến nước theo pháp luật về phòng thủ dân sự…”.

Tuy nhiên còn nhiều luật khác có liên quan như Luật Tình trạng khẩn cấp; Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản… Do vậy, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị rà soát kỹ và có quy định rõ hơn về nội dung này.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước như dự án luật là vừa không thống nhất, vừa thiếu; nên quy định khái quát, còn các nhiệm vụ cụ thể đã được quy định trong luật thì các bộ cứ thực hiện theo quy định của luật.

* Cũng trong sáng 14-8, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 657/2019/UBTVQH14 ngày 13-3-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định trong Luật Công an nhân dân với 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành.

CHIẾN THẮNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/can-co-tieu-chuan-quy-trinh-quan-ly-tai-nguyen-nuoc-738605