'Căn cứ hải quân nổi' của Mỹ có làm tăng căng thẳng với TQ?
Việc Mỹ đưa vào vận hành 'căn cứ hải quân nổi' có thể làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc tại khu vực cảng biển Trung Quốc kiểm soát.
Việc Mỹ đưa vào vận hành "căn cứ hải quân nổi" sẽ khiến cuộc cạnh tranh quân sự giữa nước này và Trung Quốc tại các khu vực cảng biển Trung Quốc kiểm soát trở nên căng thẳng hơn, tờ South China Morning Post dẫn nhận định của một số chuyên gia quốc phòng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vì căn cứ này rất dễ bị tấn công nên nó sẽ chủ yếu được sử dụng trong các cuộc xung đột cường độ thấp và phi chiến tranh.
Căn cứ hải quân nổi muốn nói đến này là USS Miguel Keith.
Khả năng của tàu đổ bộ viễn chinh USS Miguel Keith
Nhận định được đưa ra sau khi tàu USS Miguel Keith - căn cứ di động viễn chinh trị giá 525 triệu USD - được đưa vào hoạt động trong Hải quân Mỹ vào ngày 8-5. Lầu Năm Góc cho biết điểm đến đầu tiên của căn cứ này sẽ là Saipan - thuộc quần đảo Northern Marianas, là một lãnh thổ của Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương.
Tàu có thể chở khoảng 100 thủy thủ và 44 dân thường, có tầm hoạt động hơn 9.500 hải lý và tốc độ tối đa là 15 hải lý/giờ. Sàn đáp của nó đủ lớn để chứa các máy bay trực thăng lớn nhất của Hải quân Mỹ, MH-53 và máy bay phản lực F-35B của Thủy quân Lục chiến Mỹ.
Tàu Miguel Keith có thể cung cấp cho Hải quân Mỹ khả năng thực hiện các hoạt động hậu cần quy mô lớn như vận chuyển phương tiện và trang thiết bị từ biển vào bờ. Những căn cứ như vậy cũng có thể được sử dụng cho các hoạt động quân sự khác, chẳng hạn như chiến tranh, chống cướp biển và hỗ trợ nhân đạo. Đồng thời, nó có thể được sử dụng như một cảng nổi trong trường hợp không có cơ sở trên bộ.
Ông Timothy Heath - một chuyên gia an ninh từ tổ chức nghiên cứu Rand ở Mỹ - cho biết tàu Miguel Keith sẽ cải thiện tính linh động và khả năng sống sót của các lực lượng đổ bộ và lực lượng hải quân Mỹ.
“Con tàu mới này cho phép Mỹ thiết lập căn cứ trên biển ở nhiều nơi trên thế giới mà không cần đến các cảng và cơ sở hạ tầng trên đất liền. Điều đó cũng có nghĩa là các lực lượng Mỹ có thể hoạt động ngoài khơi ở những địa điểm không thể đoán trước được. Điều này giúp cải thiện khả năng sống sót vì các căn cứ trên biển khó bị phát hiện và khó bị tấn công hơn căn cứ trên đất liền” - ông cho biết.
Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự Trung Quốc Song Zhongping lại cho rằng tàu này chủ yếu hoạt động như tàu hỗ trợ.
Ông nói: “Nó có thể được sử dụng như một trung tâm vận chuyển chiến đấu cơ đơn giản với chức năng bổ sung tương tự như một bến cảng".
Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh quân sự chính của Mỹ
Tàu Miguel Keith là căn cứ nổi thứ ba của Hải quân Mỹ và được Mỹ đưa vào hoạt động giữa lúc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang.
Tại lễ biên chế, Đô đốc Craig Faller thuộc Bộ Tư lệnh miền Nam của Mỹ nhận định rằng tàu Miguel Keith có thể đi khắp nơi thế giới, từ những nơi như Caribe, Biển Đông, cho tới Eo biển Hormuz. Tàu sẽ ở tuyến đầu trong cuộc xung đột toàn cầu chống lại các mối đe dọa đối với Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc.
Ông Faller nói: “Để có thể tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu này, chúng ta buộc phải là người đứng đầu. Chúng ta cần phải phát triển các công nghệ tốt nhất và những con tàu tốt nhất”.
Tiến sĩ Collin Koh - nghiên cứu viên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam, Singapore - cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc chính là đối thủ cạnh tranh quân sự chính của Washington.
Ông cho biết rằng tuy tàu Miguel Keith không thể thực hiện các cuộc tuần tra, nhưng giá trị của nó nằm ở chỗ nó là điểm tập kết cho các tàu chiến lẫn máy bay các loại. Đồng thời, ông nhận định rằng chính quyền Bắc Kinh chắc chắn xem đây là mối nguy đe dọa trực tiếp đến tham vọng thống trị Biển Đông của họ.
Theo ông Collin Koh, ngoài Trung Quốc, các quốc gia khác có thể cũng đang cảnh giác với các hoạt động của tàu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo ông, các quốc gia trên có thể thấy trước khả năng căng thẳng leo thang vì việc triển khai như vậy có thể làm tăng nguy cơ chạm trán giữa các lực lượng Trung Quốc và Mỹ trong khu vực.
Theo SCMP, hiện Trung Quốc không có căn cứ di động viễn chinh của riêng mình nhưng nước này đang có kế hoạch xây dựng một căn cứ tương tự.