Cần cú hích mạnh để phát triển nhà ở xã hội
Xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) là chính sách nhân văn, góp phần giải quyết bài toán an cư cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, tại TPHCM, việc triển khai còn đối mặt với hàng loạt nút thắt từ quy trình pháp lý đến lựa chọn nhà đầu tư. Để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển NƠXH đến năm 2030, thành phố cần một cuộc cải cách toàn diện, tạo cú hích mang tính đột phá.
Nỗ lực lớn nhưng chưa đủ
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM trước thời điểm sáp nhập, khu vực TPHCM (cũ) đã hoàn thành 2.745 căn NƠXH tính đến tháng 5/2025. Dự kiến hết năm nay, khu vực này sẽ có thêm 2.874 căn được đưa vào sử dụng, nâng tổng số lên 5.619 căn. Đối với khu vực Bình Dương (cũ), trước sáp nhập cũng dự kiến trong năm 2025, sẽ hoàn thành vượt chỉ tiêu xây dựng 8.247 căn NƠXH theo kế hoạch của Chính phủ. Tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) dự kiến phát triển hơn 14.400 căn NƠXH đến năm 2030. Riêng trong năm 2025, khu vực này dự kiến triển khai khoảng 15 dự án, với quy mô 12.366 căn hộ. Do đó, nếu tính chung cả 3 khu vực - TPHCM (mới) thì các con số vẫn còn rất khiêm tốn. Bởi vì, chỉ tính riêng mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao TPHCM trước sáp nhập đã là 100.000 căn. Để hoàn thành nhiệm vụ này, TPHCM (cũ) cần phải đạt tiến độ trung bình 18.800 căn/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Do đó, xét chung chỉ tiêu Thủ tướng giao cho cả 3 địa phương - TPHCM (mới) cần phải nỗ lực rất lớn.

Dự án căn hộ Thanh Bình dành cho người thu nhập thấp (đã bàn giao) tại phường Bình Hòa (thuộc TP Thuận An cũ), TPHCM. Ảnh: Hồng Phúc.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được, trước sáp nhập TPHCM (cũ) đã đưa vào sử dụng 5 dự án NƠXH với 2.377 căn; một dự án nhà lưu trú công nhân với 368 căn. Ngoài ra, 4 dự án khác có quy mô 2.874 căn đang thi công sẽ hoàn thành trong năm 2025. Đồng thời, thành phố đang đẩy nhanh thủ tục pháp lý để khởi công 16 dự án với hơn 14.000 căn trong năm 2025; 22 dự án, với hơn 32.700 căn vào năm 2026. Trước sáp nhập, thành phố cũng đã quy hoạch quỹ đất 1.400 ha cho phát triển NƠXH, trong đó 661 ha nằm trong 116 dự án đang triển khai và 739 ha nằm trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung. Thành phố cũng đang phối hợp với Bộ Công an và Bộ Quốc phòng để phát triển 20.000 căn nhà cho cán bộ, chiến sĩ. Theo lãnh đạo TPHCM, ngoài quỹ đất, việc đẩy nhanh thủ tục đầu tư, phê duyệt, lựa chọn chủ đầu tư, giao đất, giải phóng mặt bằng là các giải pháp thành phố tập trung trong thời gian tới.
Tháo nút thắt từ cơ chế
Hiện nay, mỗi dự án NƠXH phải mất từ 3 - 5 năm để hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng, cần không dưới 100 con dấu. Chỉ riêng việc xác định phù hợp quy hoạch, doanh nghiệp phải qua nhiều vòng thẩm định, dù nội dung không thay đổi.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Lê Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), thời gian qua, một dự án NƠXH cần trung bình một tháng để xin mỗi con dấu, tổng cộng có thể mất đến 100 tháng. Quy trình kéo dài gây tốn kém, làm nản lòng nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, nhiều cơ quan chức năng không dám quyết định, phải xin ý kiến chéo nhau, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ đến hàng năm. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị cần có một đầu mối duy nhất được giao toàn quyền xử lý thủ tục, thay vì chồng chéo như hiện nay.
Để cải thiện, từ đầu năm đến nay, TPHCM đang tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo thẩm quyền, như rút ngắn quy trình lựa chọn chủ đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, thẩm định thiết kế... Đồng thời, triển khai các chính sách đặc thù theo Nghị quyết 201 của Quốc hội. Theo TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TPHCM, một trong các quyết sách cần nhất thời gian tới, là chính quyền thành phố áp dụng trên thực tế các chính sách cải cách hành chính để tháo gỡ thủ tục cho NƠXH. Trong đó, một số thủ tục được rút gọn như miễn giấy phép xây dựng, chỉ định thầu rút gọn theo Luật Đấu thầu. Thành phố cũng triển khai cơ chế hoán đổi hoặc quy đổi giá trị quỹ đất 20% tại các dự án thương mại có nghĩa vụ làm NƠXH, để giảm áp lực cho doanh nghiệp mà vẫn bảo đảm yêu cầu pháp lý.
Kỹ sư Trần Văn Phương - nguyên Giám đốc Công ty dịch vụ bất động sản Tâm Phát cho rằng, dù TPHCM dự kiến triển khai nhiều dự án NƠXH trong năm nay, nhưng bối cảnh vừa sáp nhập, các chính sách sẽ thay đổi và cần thời gian cập nhật mới nên cần nỗ lực rất lớn để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm. Theo ông Phương, NƠXH là lĩnh vực cần ưu đãi, nhưng nếu thủ tục vẫn rườm rà thì rất khó thu hút doanh nghiệp. Mỗi bước đều bị kiểm tra quy hoạch, từ lúc xin mua đất đến khi cấp phép, làm mất hàng năm trời.Doanh nghiệp mong mỏi có một cơ quan duy nhất giải quyết toàn bộ quy trình.Nếu cải cách thủ tục hành chính, thời gian đầu tư có thể rút xuống còn một năm, giảm giá thành và tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho thị trường.
Một đề xuất đáng chú ý từ Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) là giao toàn bộ trách nhiệm nghiệm thu công trình NƠXH cho chủ đầu tư. Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, quy trình nghiệm thu hiện nay vừa hình thức, vừa dễ phát sinh nhũng nhiễu, khiến thời gian và chi phí tuân thủ luật pháp bị đội lên, làm tăng giá thành nhà ở. “Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về chất lượng công trình. Do đó, không cần thiết phải có thêm bước kiểm tra nghiệm thu từ cơ quan quản lý, trừ trường hợp đặc biệt” - ông Châu đề xuất.
Dự kiến, từ năm 2026 đến năm 2030, TPHCM phát triển hơn 94.000 căn NƠXH. Hiện nay, UBND TPHCM đã giao Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất trình UBND thành phố xem xét ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội TPHCM và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/can-cu-hich-manh-de-phat-trien-nha-o-xa-hoi-10309865.html