Cần đảm bảo quyền lợi cho người dân bị ủi đất, chặt phá cây trồng
Hàng trăm hộ dân xã Ia Le, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) canh tác đất tại xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) đã gần 10 năm thì bất ngờ bị san ủi cây cối, hoa màu, nhà rẫy. Từ đó dẫn đến tranh chấp, xô xát.
Phát sinh tranh chấp sau gần 10 năm canh tác ổn định
Người dân thôn Puối Lốp, xã Ia Le đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để cày đất, trồng lại mì trên diện tích đã canh tác liên tục 10 năm nay. Tuy nhiên, bà con vẫn canh cánh lo là diện tích cây trồng này có thể bị san ủi, phá bỏ bất cứ lúc nào. Nguyên nhân diện tích này thuộc xã Ia Jlơi và đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cho Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (trụ sở: TP Hồ Chí Minh - Công ty Hoàng Gia Phát) thuê để làm dự án trồng cao su và quản lý, bảo vệ rừng.
Anh Lê Hồng Giảng (trú thôn Puối Lốp) cho biết: “Năm 2013, do thiếu đất sản xuất và thấy diện tích đất ở xã Ia Jlơi, cách làng khoảng 30km đang bỏ trống nên chúng tôi đã sang khai hoang, canh tác liên tục từ đó đến nay. Chúng tôi đã dựng nhà rẫy và trồng điều, xen lẫn mì để nâng cao thu nhập”.
Tháng 3/2022, bất ngờ có nhóm vài chục người xưng là người của Công ty Hoàng Gia Phát đến thông báo lấy lại đất vì đất này đã được cấp cho công ty. Sau đó, nhóm này đã dùng máy ủi, phá bỏ toàn bộ diện tích trồng điều, mì đã đến tuổi thu hoạch và nhà rẫy. Dân làng không chịu nên đã dẫn đến xô xát, có người trong làng bị thương phải đi cấp cứu, nghi do đạn bắn.
“Gia đình tôi có 8 sào trồng điều, mì bị san ủi, phá bỏ, ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Nếu thu hồi đất thì chúng tôi chấp hành thôi, nhưng phải đền bù công khai hoang, cây trồng cho chúng tôi”, anh Giảng nói.
Anh Kpă Sơn (trú thôn Puối Lốp) cho hay, trong lúc xảy ra xô xát, anh nghe tiếng nổ lớn thì phát hiện đùi chảy máu, người dân trong làng phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. “Tôi đã làm đơn gửi Công an huyện Ea Súp. Công an huyện đã mời tôi lên làm việc, lần gần nhất cách đây khoảng 1 tháng”.
Có 22 hộ dân xã Ia Piơr, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) cũng đã có đơn tập thể gửi Công an huyện Ea Súp, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ea Súp… tố cáo ông Hoàng Vũ, bà Tô Thị Bình (cùng trú xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh), ông Trần Hữu Quỳnh (trú xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) và Lương Xuân Hiệp (trú xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp) đã có hành vi chiếm đoạt 476 triệu đồng thông qua hình thức cho thuê đất.
Anh Đặng Tòn Cao (trú thôn Đoàn Kết, xã Ia Piơr) bức xúc: “Những người này nói là được ủy quyền của Công ty Hoàng Gia Phát để đứng ra cho chúng tôi thuê đất sản xuất với diện tích hơn 64ha, giá thuê 8 triệu đồng/năm, có xác lập hợp đồng. Chúng tôi đã đưa cho các ông bà trên 476 triệu đồng tiền thuê đất từ tháng 3/2022. Khi chúng tôi đến dọn đất để canh tác thì người dân xã Ia Le ra ngăn cản, chúng tôi mới biết đất này đang có tranh chấp giữa người dân xã Ia Le và công ty. Liên hệ đòi lại tiền thuê đất thì những người đứng ra cho thuê không trả mà còn thách thức”.
Cần tiếng nói chung để giải quyết triệt để
Tìm hiểu, chúng tôi được biết diện tích đất đang tranh chấp này nằm trong phạm vi đất UBND tỉnh Đắk Lắk cho Công ty Hoàng Gia Phát thuê từ năm 2010 để thực hiện dự án trồng cao su và quản lý, bảo vệ rừng; thời hạn cho thuê đất là 50 năm.
Tuy nhiên, do công tác quản lý của Công ty Hoàng Gia Phát không hiệu quả đã dẫn đến việc người dân xâm canh, sản xuất nông nghiệp trong thời gian dài nhưng không được thông báo, ngăn chặn kịp thời. Đến giữa năm 2022, Công ty Hoàng Gia Phát đã có đơn đề nghị điều chỉnh dự án này.
UBND xã Ia Le đã chủ động làm việc với UBND xã Ia Jlơi để giải quyết vụ việc. Hai xã đã thống nhất hướng giải quyết chung và phân nhiệm vụ cho từng xã. UBND xã Ia Le thống kê, lập danh sách, rà soát diện tích cây cối cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng hộ dân. UBND xã Ia Jlơi làm việc lại với Công ty Hoàng Gia Phát và xây dựng kế hoạch đối thoại giữa người dân và công ty.
Theo thống kê của UBND xã Ia Le, trên địa bàn xã có 103 hộ dân (hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số) đang canh tác, sản xuất với diện tích 48,5ha tại xã Ia Jlơi, lâm phần do cho Công ty Hoàng Gia Phát quản lý. Đây là diện tích đất đang tranh chấp giữa người dân và công ty. Người dân đề nghị đền bù công khai hoang, diện tích cây cối, hoa màu bị san ủi và những người thực hiện san ủi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ông Lê Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Ia Le đánh giá: “Giải pháp lâu dài vẫn phải là giải quyết triệt để vụ việc để tạo sự đồng thuận của người dân”.
Ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết: “Huyện đã chủ động làm việc với huyện Ea Súp, Công ty Hoàng Gia Phát đồng thời tổ chức buổi đối thoại giữa các hộ dân và phía công ty tại xã Ia Le. Phía Công ty cam kết sẽ hỗ trợ thiệt hại, công khai hoang cho các hộ dân có đất sản xuất bị ảnh hưởng. Tuy nhiên sau đó, phía công ty không hợp tác, không triển khai nội dung đã cam kết. Làm việc với phía huyện Ea Súp thì chúng tôi được biết cơ quan Công an huyện đang củng cố hồ sơ để khởi tố, xử lý vụ xô xát, đánh nhau do tranh chấp đất”.
Hiện toàn bộ hồ sơ vụ việc đã được huyện cung cấp cho Sở TN&MT để Sở tổng hợp, sắp xếp kế hoạch làm việc với phía tỉnh Đắk Lắk nhằm giải quyết triệt để vấn đề, tránh để xảy ra xung đột, gây mất ANTT tại địa phương.