Cần đảm bảo tiến độ các dự án thủy điện

ĐBP - Ðiện Biên có tiềm năng phát triển thủy điện vừa và nhỏ, những năm qua đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát và đầu tư xây dựng. Bên cạnh những lợi ích như: Góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho lao động địa phương… thì việc phát triển thủy điện đòi hỏi quản lý chặt chẽ, đảm bảo tiến độ và tránh dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân vùng hạ du.

Công nhân Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại số 6 thi công Dự án Thủy điện Huổi Chan 1.

Ðầu tư hàng loạt

Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 53 dự án thủy điện đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ, với tổng công suất lắp máy dự kiến 557,3MW. Cụ thể, ngoài 11 dự án thủy điện hiện đang vận hành khai thác, có công suất lắp máy 137,3MW thì toàn tỉnh có 22 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng công suất lắp máy dự kiến hơn 307MW (trong đó có 6 dự án thủy điện đang thi công xây dựng với tổng công suất lắp máy 123MW và 16 dự án hoàn thiện thủ tục để khởi công, công suất dự kiến hơn 184MW). Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 13 dự án thủy điện đã được tỉnh cho chủ trương nghiên cứu khảo sát, lập dự án đầu tư với công suất dự kiến 106,3MW, như: Thủy điện Nậm Mức 2 (huyện Tuần Giáo); Thủy điện Nậm Nhé 2A, Nậm Nhé 2B (huyện Mường Nhé); Thủy điện Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà)… và 7 dự án thủy điện chưa có nhà đầu tư, với công suất dự kiến 26,6MW. Ngoài các dự án nằm trong quy hoạch, toàn tỉnh có 11 dự án ngoài quy hoạch đã được tỉnh cho chủ trương nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với công suất lắp máy dự kiến 93,2MW, như: Thủy điện Chiềng Sơ (Ðiện Biên Ðông); Thủy điện Mùn Chung (huyện Tuần Giáo); Thủy điện Sính Phình (huyện Tủa Chùa)…

Các dự án thủy điện sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhiều thủy điện cũng đặt ra những vấn đề lo ngại.

Trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông hiện có tổng cộng 8 dự án thủy điện (bao gồm các dự án đã đầu tư khai thác; đang đầu tư xây dựng; các dự án được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư; các dự án ngoài quy hoạch) như: Thủy điện Chiềng Sơ 2, Sông Mã 1, Sông Mã 2, Mường Luân 1, Mường Luân 2… Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện chính quyền địa phương và người dân thì việc đầu tư quá nhiều thủy điện sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và đời sống của người dân, nhất là khu vực các bản Mường Luân 1, 2 khi xây dựng Thủy điện Chiềng Sơ 2. Trong khi, các dự án thủy điện được triển khai với mật độ dày: Dọc theo lưu vực sông Mã chảy qua địa bàn huyện khoảng 40km, nhưng hiện nay đã và đang có chủ trương khảo sát, đầu tư 7 công trình thủy điện.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Tính đến hết năm 2020, hầu hết các dự án thủy điện đang thi công hoặc các dự án đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư để khởi công đều chậm tiến độ, không thể thực hiện phát điện theo chứng nhận đầu tư đã được cấp; thậm chí có dự án thủy điện chậm tiến độ cả gần chục năm nay. Cụ thể, đối với 6 dự án đang triển khai thi công đều chậm tiến độ; 16 dự án đang hoàn thiện các thủ tục dự án để khởi công xây dựng cũng bị chậm tiến độ.

Dự án Thủy điện Sông Mã 3 trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông là một trong những dự án đang thi công chậm tiến độ so với kế hoạch. Dự án được khởi công từ năm 2016, công suất 29,5MW với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Ðầu tư và Xây dựng Ðông Á chủ đầu tư. Thời gian dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2018. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân, đến nay dự án vẫn đang thi công và dự kiến hoàn thành, phát điện cuối tháng 12/2021.

Tương tự, Thủy điện Huổi Chan 1, xã Mường Pồn (huyện Ðiện Biên) được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 8/2019, có công suất lắp máy 15MW do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại số 6 làm chủ đầu tư với kinh phí xây dựng khoảng 500 tỷ đồng. Phê duyệt đầu tư từ năm 2019, tuy nhiên đến tháng 2/2020 dự án mới chính thức được khởi công xây dựng. Hiện nay, đơn vị đang thi công các phần đập biên, đập giữa, đập dâng, đập tràn và các hạng mục xây dựng nhà máy đã cơ bản hoàn thành 30% khối lượng đề ra. Dự kiến đến giữa năm 2022, dự án hoàn thành và đưa vào phát điện.

Nguyên nhân các dự án thủy điện chậm tiến độ chủ yếu do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn; công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thời gian kéo dài. Cùng với đó, công tác đấu nối gặp nhiều khó khăn, hệ thống lưới điện quốc gia 110kV chưa được Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đầu tư xây dựng theo quy hoạch và các dự án đã khởi công xây dựng nhưng chậm tiến độ (gồm: Trạm biến áp 110kV Mường Chà; đường dây 110kV Mường Chà - Long Tạo; đường dây 110kV Mường Lay - Ðiện Biên…) cũng ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành đưa vào vận hành khai thác của một số thủy điện. Bên cạnh đó, về thủ tục quy hoạch, chưa có hướng dẫn cụ thể trong công tác lập, trình, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh các dự án nguồn điện vào quy hoạch theo Luật Quy hoạch nên quá trình triển khai thực hiện gặp khó khăn. Công tác khảo sát, lập dự án đầu tư, thực hiện các nội dung công việc về đầu tư xây dựng công trình thủy điện của các nhà đầu tư còn chậm, kéo dài....

Ðể tăng cường công tác quản lý, đẩy nhanh tiến độ, đối với nhóm dự án thủy điện chậm tiến độ do thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, UBND tỉnh sớm chỉ đạo cơ quan chức năng tạo điều kiện tốt nhất để khẩn trương thực hiện các thủ tục chuyển đổi. Với các nhóm dự án đã và đang thi công xây dựng nhưng phải giãn tiến độ để phù hợp với tiến độ thi công hạ tầng lưới điện truyền tải 110kV, tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam, Tổng Công ty Ðiện lực miền Bắc tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công công trình truyền tải 110kV và các trạm biến áp 110kV. Ðối với những dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hoặc phê duyệt điều chỉnh đang thực hiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa có hạ tầng đấu nối để thực hiện các thủ tục thẩm định thiết kế, hoàn thiện thủ tục đầu tư thì cần thực hiện theo phương án xây dựng theo đúng quy hoạch được phê duyệt hoặc nhà đầu tư thuộc cụm, khu vực có nhu cầu đấu nối đầu tư hạ tầng và đề nghị Bộ Công Thương cho cơ chế hạch toán chi phí hạ tầng đường truyền tải vào giá bán điện hàng năm để đối trừ kinh phí đầu tư. Còn lại với nhóm các dự án thủy điện đang kêu gọi thu hút đầu tư, cần rà soát, nếu các dự án không khả thi thì thực hiện các thủ tục loại bỏ khỏi quy hoạch phát triển thủy điện của tỉnh.

Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/186767/can-dam-bao-tien-do-cac-du-an-thuy-dien