Cần đầu tư đồng bộ cho trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã
Cùng với việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các trung tâm phục vụ hành chính công (PVHCC) cấp xã chính thức đi vào hoạt động. Ðây là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế, nhiều trung tâm vẫn còn đang gặp khó khăn.
Việc ra đời của các trung tâm PVHCC cấp xã thể hiện quyết tâm của chính quyền trong việc tinh gọn bộ máy, giảm bớt khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch. Các trung tâm bố trí cán bộ, công chức đảm bảo vị trí tiếp nhận và trả kết quả TTHC. Người dân và doanh nghiệp hiện nay có thể đến một địa điểm duy nhất để nộp hồ sơ, nhận kết quả và được hướng dẫn tận tình, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Qua 17 ngày đi vào hoạt động, hầu hết trung tâm nhận được sự đánh giá tích cực từ phía người dân về thái độ phục vụ, hướng dẫn tận tình của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, nhiều trung tâm hiện nay vẫn đang gặp khó khăn do hạ tầng và trang thiết bị chưa đồng bộ, năng lực cán bộ chưa đồng đều, thiếu sự phối hợp liên thông, nguồn lực tài chính còn hạn chế... cần được quan tâm tháo gỡ kịp thời, để phục vụ tốt nhất nhu cầu giải quyết TTHC của Nhân dân.

Trung tâm PVHCC xã An Trạch còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, không gian làm việc hạn chế.
Xã An Trạch được hình thành trên cơ sở sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã An Trạch và xã An Trạch A cũ. Khi chuyển sang chính quyền địa phương 2 cấp, bộ phận một cửa xã An Trạch A cũ được nâng cấp, phát triển thành Trung tâm PVHCC cấp xã. Nơi đây hiện giải quyết 11 lĩnh vực, liên quan đến 425 thủ tục, trong đó có 292 thủ tục từ cấp huyện chuyển về và 5 thủ tục công bố mới. Qua 2 tuần vận hành, trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết hơn 140 thủ tục.
Anh Võ Văn Phất, công chức Tư pháp - Hộ tịch xã An Trạch, cho biết: "Việc giải quyết TTHC hằng ngày cho người dân tăng gấp đôi so với trước. Hiện nay chủ yếu nộp bằng hình thức trực tuyến, nhưng bà con chưa rành nên chúng tôi phải nộp giúp, rất mất thời gian. Nhiều thủ tục cấp huyện phân về, chúng tôi chưa được tập huấn, hướng dẫn nên đôi lúc còn bỡ ngỡ, phải tự nghiên cứu, thực hiện. Cái khó nữa là các máy vi tính đã xuống cấp, chạy chậm, trong khi tất cả hoạt động của trung tâm đều sử dụng phần mềm nên khó đáp ứng nhanh chóng công việc".

Đoàn viên thanh niên xã Trí Phải hướng dẫn người dân đến làm thủ tục hành chính, góp phần xây dựng nền hành chính gần dân, thân thiện và hiện đại.
Xoay quanh những khó khăn, bà Mai Thị Chiều, Phó Giám đốc Trung tâm PVHCC xã An Trạch, thông tin: "Trung tâm vẫn còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, không gian làm việc hạn chế, trang thiết bị công nghệ thông tin (máy tính, máy in, phần mềm chuyên dụng) chưa được đầu tư đầy đủ, đồng bộ. Ðiều này trực tiếp ảnh hưởng đến tốc độ xử lý hồ sơ và chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính của xã mới còn hạn chế nên không thể mua sắm, trang trí trung tâm một cách hiện đại, tiện nghi".
Tại Trung tâm PVHCC xã Trí Phải bố trí 6 công chức (trong đó có 1 phó giám đốc và 5 công chức chuyên môn), đã được cấp tài khoản dịch vụ công quốc gia và tài khoản hệ thống một cửa, tài khoản mail công vụ. Hiện còn thiếu nhân sự phụ trách công nghệ thông tin để thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử, theo dõi việc ứng dụng công nghệ thông tin tại UBND cấp xã và thực hiện chuyển đổi số.
Ông Chung Minh Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm PVHCC xã Trí Phải, cho biết: "Từ ngày 1/7 đến nay, trung tâm tiếp nhận và giải quyết gần 400 TTHC, được người dân đánh giá cao về thái độ, tinh thần phục vụ. Tuy nhiên, phần mềm lĩnh vực tư pháp thường xuyên bị gián đoạn do quá tải, gây ảnh hưởng tiến độ công việc. Các lĩnh vực: y tế, lao động, người có công chưa tiếp nhận trên phần mềm được, đa số người dân đến nộp hồ sơ đều là xã cũ hẹn qua tháng 7 nộp ở xã mới, do vậy cán bộ chuyên môn nhận hồ sơ giấy, đợi phần mềm hoàn thiện mới liên hệ người dân đến nộp trực tuyến".
Ðể các trung tâm PVHCC thực sự phát huy tối đa hiệu quả, cần có sự quan tâm và đầu tư đồng bộ. Theo đó, các địa phương đề xuất sớm bố trí ngân sách để sửa chữa, cải tạo trung tâm khang trang, hiện đại. Ðiều này không chỉ tạo môi trường làm việc tốt hơn cho cán bộ, mà còn mang lại sự thoải mái, tiện nghi cho người dân khi đến làm thủ tục. Ðặc biệt là đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, trang bị máy móc, thiết bị và đường truyền Internet tốc độ cao, đảm bảo việc vận hành hiệu quả mô hình chính quyền số tại xã, giúp các dịch vụ công trực tuyến hoạt động nhanh chóng và chính xác./.