Cần đầu tư, quản lý và sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Bài 2: Huy động nguồn lực đầu tư và linh hoạt trong quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao

Thiết chế văn hóa, thể thao là địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là diện mạo văn hóa của mỗi địa phương, có vai trò quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Đồng thời, cũng là nơi tổ chức các cuộc họp của cộng đồng. Để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao, một số giải pháp tích cực được đưa ra, trong đó nổi bật là giải pháp huy động nguồn lực đầu tư và linh hoạt trong quản lý, sử dụng.

Huy động tốt nguồn lực xã hội hóa

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng huyện Hướng Hóa vẫn quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Thông qua các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, nguồn lực đầu tư cho đời sống tinh thần được huy động, đặc biệt là nguồn lực từ xã hội hóa. Nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp sức người, sức của để xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở...

Phó trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hướng Hóa Nguyễn Hưng cho biết, trong những năm qua, công tác xã hội hóa và huy động các nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện đạt được một số kết quả.

Điển hình như thị trấn Lao Bảo có 10/12 nhà văn hóa cấp thôn được vận động kinh phí bằng nguồn xã hội hóa từ 150 triệu đồng đến 1,2 tỉ đồng; có 7 thôn, bản, huy động nguồn vốn xã hội hóa đạt 100% nguồn kinh phí trong việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại địa phương (do các dự án tài trợ). Một số địa phương đã phát huy tốt chức năng của thiết chế văn hóa, thể thao, từ đó, ngày càng phát huy vai trò quan trọng, cần thiết trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn.

Trung tâm văn hóa thôn Liêm Công Đông, xã Hiền Thành, Vĩnh Linh đáp ứng tốt nhu cầu rèn luyện sức khỏe, vui chơi, giải trí cho người dân - Ảnh: M.Đ

Trung tâm văn hóa thôn Liêm Công Đông, xã Hiền Thành, Vĩnh Linh đáp ứng tốt nhu cầu rèn luyện sức khỏe, vui chơi, giải trí cho người dân - Ảnh: M.Đ

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Đông Hà Lê Cửu Long cho hay, UBND thành phố đã chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch dành quỹ đất cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn. Hằng năm, đưa chỉ tiêu xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vào kế hoạch phát triển KT-XH.

Thành phố tổ chức thực hiện, lồng ghép thực hiện xã hội hóa về xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao kết hợp với nhà phòng, chống lụt bão; đồng thời chỉ đạo thống kê các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố, trên cơ sở đó có kế hoạch đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đáp ứng kịp thời nhu cầu của Nhân dân.

Hiện nay, thành phố có 1 Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể dục Thể thao (VHTTTDTT) thành phố, 1 nhà văn hóa thành phố; 9/9 Trung tâm VHTT-TDTT phường; 61/62 khu phố có nhà văn hóa. Toàn thành phố có gần 180 công trình thể thao như: cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn, võ thuật… Về nguồn lực đầu tư, tính đến nay, tổng kinh phí xây dựng các trung tâm VHTT-TDTT phường trên 22 tỉ đồng; 61 nhà văn hóa khu phố với tổng kinh phí đầu tư 38,89 tỉ đồng.

Năm 2021, thành phố đầu tư thêm 2 sân quần vợt tại Trung tâm VHTT-TDTT thành phố với tổng kinh phí xây dựng là 3,7 tỉ đồng. Tính từ năm 2020 đến tháng 4/2023, ngân sách tỉnh, thành phố đã cân đối bố trí 34.071 triệu đồng để đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa.

Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý và huy động xã hội hóa trong xây dựng, đầu tư các thiết chế văn hóa với khoảng 1.082 triệu đồng.

Với sự chỉ đạo tích cực, hiệu quả của lãnh đạo thành phố, hoạt động của các nhà văn hóa đã đáp ứng tốt việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phục vụ kịp thời những nhiệm vụ chính trị của địa phương, có tác dụng tích cực đối với việc tổ chức các hoạt động văn hóa, rèn luyện thể chất, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa nghệ thuật, hoạt động vui chơi giải trí của các tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng khu phố văn hóa, gia đình văn hóa, bài trừ các tệ nạn xã hội và các hủ tục, mê tín dị đoan.

Đến tháng 7/2023, có 60/62 khu phố được công nhận khu phố văn hóa, có 22.145/22.914 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỉ lệ 96,6%.

Với mong muốn góp phần tạo nên những hoạt động thể thao bổ ích, lành mạnh, nhiều sở, ban ngành, đơn vị trong tỉnh, trong đó, nổi bật là Tỉnh đoàn đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, dụng cụ phục vụ các hoạt động thể thao đặt tại các nhà văn hóa cho người dân được thụ hưởng.

Bí thư Tỉnh đoàn Trần Thị Thu cho biết, từ năm 2017 đến nay, các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh đã vận động các tổ chức, cá nhân, đoàn viên, thanh niên quan tâm tạo nên nhiều điểm vui chơi cho trẻ em, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi mà trẻ em thiếu thốn các hoạt động vui chơi, giải trí.

Tỉnh đoàn phát động các cấp bộ đoàn xây dựng các công trình thể thao ngoài trời như: xích đu, cầu trượt, đồ chơi… đặt tại các nhà văn hóa để các em có điểm vui chơi thuận lợi, an toàn. 5 năm qua, các cấp bộ đoàn đã xây dựng gần 160 điểm vui chơi cho trẻ em tại 125/125 các xã, phường, thị trấn với tổng trị giá hơn 4 tỉ đồng và hơn 3.000 ngày công.

Từ khi có các điểm vui chơi đó, thiếu nhi tại các địa bàn dân cư có thêm địa điểm làm sân chơi và tổ chức các hoạt động tập thể, sinh hoạt cộng đồng, góp phần tích cực giảm thiểu tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, nhất là trong dịp hè.

Ngoài sự tham gia tích cực của Tỉnh đoàn, nhiều doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ kinh phí để xây dựng thêm công trình sân thể thao ngoài trời như: bóng đá, bóng chuyền, hệ thống điện chiếu sáng, trồng cây xanh, ghế đá; tổ chức giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao…, qua đó, góp phần làm cho hoạt động ở các nhà văn hóa xã, thôn thêm phong phú, đa dạng.

Chủ động, linh hoạt khắc phục khó khăn

Trên thực tế, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp thôn trên địa bàn tỉnh, tại một số xã, thôn có dôi dư nhà văn hóa nhưng chất lượng không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân do diện tích nhỏ hẹp, không đảm bảo chỗ ngồi, dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức sinh hoạt, hội họp.

Trước thực trạng đó, nhiều địa phương đã chủ động, linh hoạt trong việc khắc phục khó khăn trước mắt, đảm bảo cho các nhà văn hóa cấp xã, cấp thôn hoạt động cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhất là sinh hoạt, hội họp.

Với sự đầu tư của các cấp bộ đoàn giúp thiếu nhi có điểm vui chơi lành mạnh, bổ ích -Ảnh: M.Đ

Với sự đầu tư của các cấp bộ đoàn giúp thiếu nhi có điểm vui chơi lành mạnh, bổ ích -Ảnh: M.Đ

Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình, huyện Gio Linh Bùi Ngọc Dương cho biết, xã Phong Bình sau khi sáp nhập còn lại 7 thôn. Hiện nay, đối với các thôn không thực hiện sáp nhập thì các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng cơ bản đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt và các hoạt động TDTT ngoài trời.

Có 2 thôn mới được hình thành sau sáp nhập là Xuân Tiến (sáp nhập thôn Xuân Mai và Tiến Kim), thôn Long Hải (sáp nhập thôn Bình Long và Bình Hải) đều dôi dư nhà văn hóa thôn với 4 nhà văn hóa nhưng đều không đáp ứng được nhu cầu hội họp, sinh hoạt. Được sự đầu tư của cấp trên, nhà văn hóa thôn Long Hải đang được xây dựng mới với kinh phí khoảng 1,5 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2023. Còn thôn Xuân Tiến, vẫn đang trong tình trạng “thừa mà thiếu, thiếu mà thừa”.

Sau khi sáp nhập xã, xã Phong Bình có 2 nhà văn hóa xã Gio Bình và Gio Phong. Nhằm khắc phục khó khăn cho Nhân dân thôn Xuân Tiến, xã Phong Bình đã linh hoạt đưa nhà văn hóa Gio Bình cho thôn Xuân Tiến sử dụng. Còn nhà văn hóa xã Gio Phong vẫn được xã linh hoạt sử dụng và đầu tư thêm bàn ghế, quạt… về cơ bản đáp ứng được việc hội họp.

Tuy nhiên, khi sáp nhập xã, người dân ở khá xa nhà văn hóa Gio Phong nên khó khăn trong việc đến hội họp, sinh hoạt. Vì thế, xã Phong Bình mong muốn cấp trên quan tâm, đầu tư xây dựng mới nhà văn hóa xã Phong Bình ở một vị trí thuận lợi hơn, với cơ sở vật chất đảm bảo hơn.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Linh Lương Ngọc Ninh cho biết, các thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện Vĩnh Linh thường xuyên được đầu tư, xây dựng và nâng cấp. Huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa, mua sắm các phương tiện phục vụ hoạt động văn hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu hoạt động tập trung của Nhân dân.

Trong những năm qua, đã huy động được nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động văn hóa, nhiều địa phương đã biết dựa vào sức dân, sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn tạo được nguồn kinh phí hàng chục tỉ đồng để xây dựng các thiết chế văn hóa, các chương trình văn nghệ, tổ chức thi đấu thể thao. Việc quy hoạch đất sử dụng đối với các thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến xã, thôn, bản, khóm phố đã được thực hiện khá đồng bộ. Việc có được quỹ đất đã tạo thuận lợi cho việc quy hoạch và đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trong tương lai.

Hầu hết các thôn, bản, khóm phố đã được công nhận là đơn vị văn hóa, đều có hệ thống áp phích, bảng tường cổ động, có đội văn nghệ, đội bóng chuyền luyện tập và thi đấu phục vụ Nhân dân trong các dịp lễ, Tết. Tính đến nay, toàn huyện Vĩnh Linh có 220 nhà văn hóa thôn, trong đó, có 148 nhà văn hóa đạt chuẩn, 350 sân bóng đá, bóng chuyền, 379 câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao...

Các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao bằng cách liên tục tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, tuyên truyền, hội họp, sinh hoạt cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Với sự chủ động, linh hoạt trong công tác quản lý, sử dụng, các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện cơ bản đưa vào khai thác có hiệu quả.

Nổi bật như Nhà Thi đấu và Luyện tập TDTT huyện được xây dựng khang trang, hằng năm thường xuyên tổ chức các hoạt động thi đấu TDTT cấp huyện như: giải bóng chuyền, cầu lông... Thường xuyên tổ chức các lớp giảng dạy năng khiếu cho mọi lứa tuổi như: cầu lông, bóng chuyền, võ thuật... Sân vận động huyện được đầu tư sửa chữa với nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng, qua đó, đáp ứng việc tổ chức các đại hội TDTT huyện, Hội khỏe Phù Đổng, tổ chức các giải thể thao, đào tạo năng khiếu bóng đá.

Các thiết chế TDTT ngoài trời từ huyện đến cơ sở cũng được quan tâm, qua đó đã huy động các nguồn lực xã hội hóa lên đến hàng trăm triệu đồng đầu tư các dụng cụ luyện tập TDTT ngoài trời tại công viên huyện, các nhà văn hóa thôn, khu phố... Trung tâm Văn hóa huyện Vĩnh Linh đang được đầu tư xây dựng, dự kiến đến tháng 8/2024 hoàn thành, với tổng nguồn vốn khoảng 70 tỉ đồng, trong đó, nguồn hỗ trợ của trung ương 30 tỉ, của tỉnh 10 tỉ, còn lại là ngân sách huyện đảm bảo.

Nhìn chung, tình hình hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao trên toàn tỉnh đã cơ bản phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, địa phương; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, TDTT của Nhân dân. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã tổ chức được nhiều hoạt động liên hoan nghệ thuật quần chúng, hội thi, hội diễn, hội thao...

Từ những hoạt động đó đã khẳng định được vai trò quan trọng của thiết chế văn hóa, thể thao trong việc vừa tổ chức tốt các hoạt động tại chỗ, vừa là địa điểm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ, sinh hoạt các câu lạc bộ... tạo diện mạo mới ở các khu dân cư, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Nguyễn Minh Đức

--------------

Bài 3: Nhiều vấn đề bức thiết cần được giải quyết

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/can-dau-tu-quan-ly-va-su-dung-hieu-qua-he-thong-thiet-che-van-hoa-the-thao-co-so-bai-2-huy-dong-nguon-luc-dau-tu-va-linh-hoat-trong-quan-ly-su-dung-thiet-che-van-hoa-the-thao/179443.htm