Cần đầu tư xứng đáng cho giáo dục Đại học
Lãnh đạo các trường đại học mong muốn tăng đầu tư từ ngân sách cho giáo dục đại học, khi tỷ lệ này trong GDP còn rất thấp.
Chiều 13/12, tại Trường Đại học Nha Trang, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch).
Tọa đàm do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì, với sự tham dự của đại diện các trường đại học vùng Bắc Trung Bộ - Duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên.
Dự tọa đàm có ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Quy hoạch để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm có nhiều ràng buộc.
Thứ nhất, việc quy hoạch dự thảo dựa trên hệ thống cơ sở giáo dục đại học có sẵn, phải đảm bảo ít xáo trộn nhất và mang lại hiệu quả nhất.
Thứ hai, quy hoạch mạng lưới các trường phải phù hợp với các chiến lược của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo…
Thứ ba, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải tính đến nguồn lực để thực hiện. Chưa kể, thời gian cho việc quy hoạch này không còn nhiều, khi còn khoảng 6 năm (từ nay đến năm 2030 - PV).
Thứ trưởng cũng nhắc lại quan điểm, dự thảo quy hoạch là giải bài toán tối ưu, có nhiều ràng buộc nên lời giải cũng chỉ là tối ưu, không thể đáp ứng tất cả yêu cầu của các bên liên quan. Đây cũng không phải là giải pháp duy nhất, giải quyết ngay mọi vấn đề trong lĩnh vực giáo dục đại học
Theo Thứ trưởng, một trong những mục tiêu lớn mà quy hoạch hướng tới là tính thuyết phục để Nhà nước, xã hội tăng cường đầu tư cho giáo dục đại học. Trong đó, phải thuyết minh được đầu tư vào lĩnh vực nào, khía cạnh nào có hiệu quả.
Phân bố giáo dục đại học theo vùng chưa đồng đều
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trình bày báo cáo tóm tắt bản quy hoạch.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, trong những năm qua, quy mô và tỷ lệ sinh viên đại học trên 1 vạn dân của Việt Nam tăng nhưng vẫn thấp hơn một số nước trong khu vực và một số nước trên thế giới có sự tương đồng về phát triển kinh tế xã hội.
Năm 2020, cả nước có hơn 6,13 triệu lao động qua đào tạo trình độ đại học (chiếm 11,12%); năm 2022, con số này khoảng gần 6,14 triệu (chiếm 11,87%). Như vậy, giáo dục đại học đã đạt được mục tiêu quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020.
Về cơ cấu ngành nghề, quy mô và tỷ lệ sinh viên đại học theo học các ngành lĩnh vực STEM thấp hơn so với một số nước trong khu vực và châu Âu, nhất là tỷ lệ nữ sinh theo học và đặc biệt thấp đối với các ngành khoa học và toán.
Cơ cấu quy mô theo trình độ phát triển không đồng đều. Cụ thể, quy mô đào tạo đại học những năm qua có xu hướng tăng trong khi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ giảm; tỷ lệ thấp khi so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á và các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế - PV). Đào tạo tiến sĩ phân tán, hiệu quả không cao.
Ông Nguyễn Anh Dũng cũng phân tích những hạn chế trong phân bố giáo dục đại học theo vùng. Cụ thể, quy mô sinh viên tăng nhưng phân bố không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Sự khác biệt về quy mô sinh viên giữa các vùng khá lớn.
Cũng ở khía cạnh phân bố giáo dục đại học theo vùng, 26 cơ sở thuộc địa phương nhiều năm không nhiều cải thiện về quy mô đào tạo, tuyển sinh khó khăn, hoạt động kém hiệu quả.
Mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên có độ phủ cao, nhưng phân bổ chưa đồng đều. Vai trò của các trường cao đẳng, sư phạm ngày càng mờ nhạt, tuyển sinh ngày càng khó khăn.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, về mục tiêu cụ thể theo quy hoạch, quy mô đào tạo trên một vạn dân đạt 260 sinh viên và 22 học viên sau đại học; trong đó ít nhất 33,3% thuộc lĩnh vực STEM.
Ngoài ra, 100% trường đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực châu Á; 10 cơ sở giáo dục đại học và 20 ngành, nhóm ngành có tên trong bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.
Cần đầu tư xứng đáng cho giáo dục đại học
Trong phần thảo luận, tọa đàm có gần 10 ý kiến đến từ lãnh đạo, đại diện các trường đại học.
Về cơ bản, các đại biểu nhất trí với nội dung và định hướng của Bộ GD&ĐT trong dự thảo quy hoạch, đồng thời đề xuất một số vấn đề liên quan đến quy hoạch mạng lưới phát triển của đại học vùng, cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia; các lĩnh vực, ngành trọng điểm.
TS Hồ Thị Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh cho rằng, trong phương án sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên, cần làm rõ và khẳng định vai trò, vị trí của trường đại học địa phương (trực thuộc UBND tỉnh).
Bà Hồ Thị Nga cũng đề nghị quy hoạch làm rõ những trường thuộc nhóm "26 cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các địa phương hoạt động kém hiệu quả".
TS Khổng Trung Thắng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nha Trang dẫn số liệu trong quy hoạch, đến năm 2030, tổng quy mô đào tạo các cơ sở giáo dục đại học có 2,75 triệu sinh viên đại học; 210 nghìn học viên thạc sĩ; 21 nghìn nghiên cứu sinh tiến sĩ và trình độ tương đương. Ngoài ra, tỷ trọng đào tạo lĩnh vực STEM cũng tăng mạnh, khoảng gần 1 triệu sinh viên.
"Tôi đề nghị trong dự thảo quy hoạch cần nêu cơ cấu số lượng sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh này theo các vùng cụ thể để các trường chuẩn bị tốt kế hoạch đào tạo. Điều này tương tự với các ngành STEM", ông Khổng Trung Thắng nêu ý kiến.
Đồng thời, với định hướng đưa trường trở thành đại học vùng trong quy hoạch, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nha Trang đề nghị đưa lĩnh vực Kinh tế biển vào nhóm ngành trọng điểm của trường.
Cũng tại tọa đàm, dẫn số liệu tài chính cho giáo dục đại học của Singapore, ông Nguyễn Xuân Đông, Trợ lý Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á cho rằng "mức đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam quá thấp". Ông đề nghị cần tăng mức đầu tư công cho giáo dục đại học để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Ông Nguyễn Xuân Đông cũng mong quy hoạch giải quyết được "bức tranh công - tư" trong giáo dục đại học. Cụ thể, hướng phát triển, nhiệm vụ của khối trường đại học công lập, tư thục rõ ràng để tận dụng tốt nguồn lực phát triển và ưu thế riêng của từng khối.
Trong định hướng sắp xếp, phát triển trường đại học công lập giai đoạn đến năm 2030, những trường đại học không đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ được củng cố, sắp xếp.
Theo đó, những trường này có thể được tái cấu trúc và tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong lộ trình 3-5 năm; hoặc sáp nhập để thành một đơn vị đào tạo hoặc một phân hiệu của một cơ sở giáo dục đại học uy tín; hoặc đình chỉ hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030.
Về cơ bản, sẽ không thành lập trường đại học công lập mới, trừ một số trường hợp đặc biệt, cần thiết.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/can-dau-tu-xung-dang-cho-giao-duc-dai-hoc-post664640.html